Giải pháp ngừa thai truyền thống như bao cao su hay thuốc ngừa thai đã gần như biến mất khỏi các kệ hàng, đẩy các phụ nữ đến việc thực hiện loại phẫu thuật không thể đảo ngược này.
"Có một đứa trẻ lúc này nghĩa là đẩy nó vào đau khổ", chị Milagros Martinez, 28 tuổi, đang đợi bắt chuyến xe sáng để đến trung tâm triệt sản miễn phí gần thủ đô Caracas, tâm sự với Reuters. Người phụ nữ làm nghề bán thịt ở ngoại vùng ô nghèo đã quyết định phẫu thuật sau khi vỡ kế hoạch đứa con thứ hai, vì chị không tìm đâu ra thuốc ngừa thai.
Những người phụ nữ bắt chuyến xe bus từ 4h sáng để tới điểm triệt sản. Ảnh: Reuters. |
Công việc hiện tại của chị cả ngày quanh quẩn với việc tìm kiếm thực phẩm, xếp hàng dài trước các siêu thị, đôi khi còn không có gì để mang về cho con. "Tôi hơi sợ nghĩ về viễn cảnh vô sinh, nhưng tôi thích điều đó còn hơn việc có thêm con", cô nói, khi cùng khoảng chục phụ nữ khác lên chuyến xe bus từ lúc 4h sáng để tham dự "ngày triệt sản" đặc biệt trong một khu vực giàu có ở thành phố Caracas.
Mặc dù không có số liệu chính thức, song các bác sĩ và chuyên gia y tế cho biết nhu cầu triệt sản đang tăng lên. Trong những "ngày triệt sản" như vậy, có khoảng 40 điểm nhận xử lý, và con số phụ nữ chờ đợi lên tới 500.
"Trước kia, điều kiện để tham gia hoạt động này là phụ nữ nghèo, có ít nhất 4 con. Giờ đây chúng tôi thấy cả những phụ nữ 1-2 con cũng đăng ký", đại diện ban tổ chức chương trình cho biết.
Alejandra Jordan (phải), 30 tuổi, và chị gái Andreina Jordan (34 tuổi) đang hồi phục sau phẫu thuật triệt sản. Ảnh: Reuters. |
Venezuela là quốc gia với phần đông dân số theo Công giáo, nơi Nhà thờ phản đối phá thai, trừ phi sự sống của người phụ nữ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, khủng hoảng ở nước này đã làm dấy lên các cuộc bạo động hàng ngày để giành thức ăn, và phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng nặng vì nhu cầu ăn của họ cao hơn những người khác, đồng thời điều kiện sinh nở cũng khó khăn trong các bệnh viện thiếu thốn thiết bị, thuốc men. Nếu có con, họ sẽ phải dành nhiều giờ trong ngày để xếp hàng mua bỉm, sữa và thuốc cho con.
"Tôi nghe thấy chương trình triệt sản miễn phí này trên đài. Ngay lập tức tôi bật dậy, mặc quần áo và ra ngoài để tìm nó", chị Rosmary Teran, 32 tuổi, vừa sinh đứa con thứ hai 2 tháng trước, cho biết.
Một vài chuyên gia y tế lo ngại rằng sự suy thoái kinh tế đang gây sức ép lên các phụ nữ, khiến họ đưa ra quyết định có thể gây hối hận khi khủng hoảng qua đi.
Nhân viên xã hội Ania Rodriguez, thuộc tổ chức kế hoạch hóa gia đình PLAFAM ở trung tâm Caracas cho biết nếu như 5 năm trước đây, chị chỉ gặp 1-2 phụ nữ đến triệt sản mỗi tuần, thì nay con số này là 5 phụ nữ mỗi ngày.
Giá các dụng cụ ngừa thai (như bao cao su, thuốc uống, thuốc tiêm...) giờ đây đều đã tăng vọt và hầu như chỉ có bán ở chợ đen, với giá rất đắt đỏ đối với người nghèo. Tuy sẵn lòng triệt sản, nhưng nhiều phụ nữ phải đợi vài tháng mới đến lượt mình.
Theo Thuận An (VnExpress.net)