Đối với hàng triệu người, sự kiện đặc biệt này sẽ xác định liệu quốc gia của họ có bị nhấn chìm bởi mực nước biển dâng hay không; liệu hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy và động đất có tàn phá cảnh quan, tạo ra các cuộc di dời và xung đột lớn hay không; và liệu mất đa dạng sinh học có đẩy tình trạng mất an ninh lương thực lên một cấp độ thảm khốc hơn hay không.
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Biến đổi Khí hậu, viết tắt là COP26, là thời điểm quan trọng đối với cả thế giới. Thời điểm này ấn định số phận của các cộng đồng trên thế giới và là lúc mọi doanh nghiệp cần phải theo dõi sát sao. Đây là cuộc chạy đua phát thải ròng bằng 0 và là bước ngoặt của cả nhân loại.
COP26 được ca ngợi như "vấn đề sống còn", "cơ hội tốt nhất cuối cùng" để ngăn chặn thảm hoạ khí hậu và "cuộc họp quan trọng nhất lịch sử nhân loại". Sự kiện này diễn ra chỉ vài tháng sau báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu cảnh báo về "mã màu đỏ cho nhân loại" và "bản án" của nhân loại cho những tội liên quan khí hậu.
Cuộc họp năm nay đặc biệt mang tính biểu tượng khi các quốc gia sẽ đưa ra các Đóng góp quốc gia tự quyết (NDCs) nhằm xác định liệu Thỏa thuận Paris có được hoàn thành. Thoả thuận Paris được 196 quốc gia nhất trí tại COP21 nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và theo đuổi mục tiêu đạt 1,5 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp.
Sự kiện quy tụ hơn 125 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hội nghị COP26 báo hiệu một trong những cuộc gặp quan trọng và mang tính quyết định nhất trong lịch sử hiện đại.
Rất ít doanh nghiệp có thể bỏ qua sự kiện mang tính bước ngoặt này. Xét cho cùng, các cam kết cũng như các cuộc đối thoại trước và trong COP26 đang định hình sâu sắc thị trường, đồng thời mở ra một kỷ nguyên kinh doanh mới, đặt vấn đề biến đổi khí hậu làm trung tâm.
Hơn 130 quốc gia hiện đã đặt ra hoặc đang xem xét mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu đã đưa ra các thông báo chính sách đầy tham vọng thông qua Thỏa thuận Xanh Châu Âu (European Green Deal), thúc đẩy các tiêu chuẩn toàn cầu mới và mở đường cho nền kinh tế trung hoà carbon.
Riêng cơ hội đầu tư phát thải ròng bằng 0 trong lĩnh vực năng lượng châu Á sẽ đạt 37 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Vào tháng 1 năm 2020, BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới kiểm soát 9.000 tỷ USD, thông báo họ đang chuyển chiến lược tài chính sang tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP26 đặc biệt gây chú ý với các doanh nghiệp. COP26 xác định vị thế của các doanh nghiệp là những người dẫn đầu về khí hậu hay là những kẻ tụt hậu trên trường quốc tế. Và những doanh nghiệp tụt hậu chắc chắn sẽ phải trả giá.
Hơn 950 công ty, bao gồm cả những công ty lớn như Chanel và Nestle, đã đặt ra các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 để giảm lượng khí thải của họ cho phù hợp với Thỏa thuận Paris. Trong khi đó, hơn 3000 doanh nghiệp đã đăng ký chiến dịch Race to Zero của LHQ để tăng tốc áp dụng mục tiêu trước COP26.
Tương tự, có một loạt các hoạt động trên toàn hệ thống tài chính để tìm cách đáp ứng được Thoả thuận Paris. Liên minh các Bộ trưởng Tài chính về Hành động Khí hậu với đại diện từ hơn 50 quốc gia đang làm việc để đảm bảo một quá trình chuyển đổi công bằng hướng đến phát triển bền vững.
Network for Greening the Financial System cũng đang mở rộng quy mô tài chính xanh thông qua một mạng lưới của 83 ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát tài chính.
Để phát triển thịnh vượng trong nền kinh tế tương lai, các doanh nghiệp sẽ phải đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về môi trường, phát thải ròng bằng 0 và thực hiện nhanh chóng các mục tiêu đó. COP26 tạo cơ hội duy nhất cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá lại các chính sách, thông lệ và thủ tục hiện tại của họ. COP26 cũng mang lại cơ hội cho doanh nghiệp xem xét cách họ có thể nêu lên tham vọng chiến lược để giải quyết vấn đề cấp bách nhất của thời đại.
Đối với nhiều doanh nghiệp, điều này giống như đặt sự bền vững làm chương trình cốt lõi, phát triển và thực hiện các chiến lược môi trường một cách mạnh mẽ; đánh giá những tác động môi trường ngắn - dài hạn; và báo cáo rủi ro khí hậu để cung cấp cái nhìn rõ hơn về giá trị tương lai của công ty.
Cả thế giới đang theo dõi sát sao Hội nghị COP26, vì các chính sách mạnh mẽ và tín hiệu thị trường thúc đẩy một làn sóng hành động vì khí hậu trên toàn cầu. Thất bại trong chống biến đổi khí hậu suốt nửa thế kỷ qua đã khiến thế giới không còn lựa chọn nào ngoài việc huy động một nỗ lực lớn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo Khánh Ly (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)