Chỉ có 28 người thiệt mạng vì Covid-19 ở Singapore cho tới trung tuần tháng 11/2020.
Từ ban công trên tầng cao của một khu nhà ở xã hội tại Singapore, một quan chức môi trường cố định cái gọi là "ống phóng muỗi". Đây là sáng kiến mới nhất của các nhà chức trách Singapore nhằm hạn chế đợt bùng phát sốt xuất huyết kỷ lục ở quốc đảo này.
Chỉ với một nút bấm, cửa sập sẽ mở ra và cánh quạt thổi 150 con muỗi đực được nuôi trong phòng thí nghiệm ra môi trường. Chúng sẽ miệt mài đi tìm những con muỗi cái để giao phối. Tuy nhiên, bạn tình của chúng sẽ không sinh sản.
Muỗi là vật trung gian lây truyền căn bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, những con muỗi đực lai tạo đặc biệt của Singapore mang một loại vi khuẩn ngăn không cho trứng nở. Chúng sẽ cạnh tranh với những con muỗi đực trong tự nhiên để giành bạn tình và làm giảm dần số lượng muỗi.
Ng Lee Ching, quan chức đứng đầu dự án Wolbachia, cho biết, phương pháp này đã giúp làm giảm 90% lượng muỗi ở những khu vực loài côn trùng này tập trung nhiều. Loại vi khuẩn này cũng có tên Wolbachia, tên của dự án mà Ching đang làm việc.
Với 5,7 triệu dân, Singapore đã ghi nhận hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết trong năm 2020, vượt xa kỷ lục 22.000 ca được xác lập vào năm 2013. Tuy nhiên, năm 2020 chưa kết thúc và số ca mắc có thể nhiều hơn.
Theo số liệu mới được công bố, tính tới cuối tháng 9, 29 người Singapore đã chết vì sốt xuất huyết, nhiều hơn so với 28 ca tử vong của đại dịch Covid-19. Con số này cao bất thường bởi tỷ lệ tử vong cao gấp đôi so với mức 27 người chết/56.000 ca nhiễm ở quốc gia này.
Chủng sốt xuất huyết mới kết hợp với các hoạt động cách ly, phong tỏa do Covid-19 đã tạo ra nhiều môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản. Chính số lượng muỗi tăng mạnh dẫn tới số ca sốt xuất huyết tăng theo.
Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến các biện pháp răn đe truyền thống, chẳng hạn như phạt tiền người dân vi phạm các quy định chống muỗi khi để nước đọng trong chậu cây cảnh, đã không còn hiệu quả. Đó là lý do các dự án như Wolbachia được triển khai.
Trong các phòng thí nghiệm của chính phủ, các nhà khoa học đang nuôi rất nhiều muỗi đực mang vi khuẩn nhằm ngăn chặn khả năng sinh sản của muỗi. Chúng sẽ được thả ở những khu vực mà muỗi nhiều hoặc có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có điểm yếu. Paul Tambyah, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: "Khi hòn đảo ngập muỗi, mọi người sẽ thấy khó chịu. Chẳng ai bắt từng con muỗi để kiểm tra xem đó là muỗi đực hay muỗi cái. Họ sẽ giết chúng ngay lập tức. Đó lại là trở ngại với phương pháp này".
Ở thời điểm hiện tại, Singapore đang nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19 và đang đạt nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, thiệt hại do virus corona gây ra với quốc đảo này còn lớn hơn nhiều so với sốt xuất huyết. Cùng với cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nền kinh tế trọng thương của Singapore tiếp tục hứng chịu những thiệt hại nặng nề hơn.
Theo Linh Anh (Tổ Quốc)