Theo dữ liệu được Đại học John Hopkins tổng hợp, Mỹ đã ghi nhận hơn 13 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 264.000 trường hợp tử vong.
Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới, đứng thứ hai là Ấn Độ (9,3 triệu ca), Mỹ (6,2 triệu ca) và Pháp (2,2 triệu ca).
Trước đó vào ngày 21/11, số liệu của Đại học John Hopkins cho thấy số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ vượt mức 12 triệu, chỉ sáu ngày sau khi nước này chạm mốc 11 triệu.
Cũng trong ngày 27/11, số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 đạt mức kỷ lục 90.000, theo Dự án Theo dõi COVID.
Trong số bệnh nhân phải nhập viện vì căn bệnh, hơn 17.800 người hiện đang phải điều trị tích cực, cao nhất từ khi đại dịch bùng phát. Gần 6.000 người đang phải thở máy, theo Dự án Theo dõi COVID.
Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tiếp tục tăng cao, trong bối cảnh giới chuyên gia cảnh báo tình trạng này sẽ tiếp diễn trong những tháng mùa Đông, do người Mỹ sinh hoạt trong nhà nhiều hơn, tạo điều kiện cho virus dễ dàng lây lan.
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cho rằng số ca nhiễm vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong tháng 12, tháng 01 và tháng 02.
"Nếu tình hình vẫn diễn biến phức tạp và chúng ta ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mỗi ngày và 1.300 trường hợp tử vong mỗi ngày, và số liệu cứ tăng cao như vậy... Tôi không nghĩ sẽ có gì khác trong giai đoạn Giáng sinh, ngày lễ Năm mới hay trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn," ông Fauci nói với tờ USA Today.
Trong bối cảnh Lễ Tạ ơn bắt đầu từ tuần này, giới chuyên gia y tế và các quan chức cảnh báo người dân không nên di chuyển và tụ tập.
Hồi đầu tháng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo người dân không nên tham gia các buổi diễu hành đông người, tụ tập đông người trong nhà hay xuất hiện tại những cửa hàng đông đúc nhằm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh.
Tuy vậy, thăm dò do The Hill và HarrisX thực hiện cho thấy 57% cử tri đi bầu có kế hoạch tụ họp vào dịp Lễ Tạ ơn, dù chỉ 23% nói rằng họ sẽ gặp gỡ gia đình và bạn bè "như thường lệ".
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)