Sáng sớm ngày 26/12/2016, trong sân Ủy ban xã Hòa Lâm, thị trấn Vạn Xuân, quận Ôn Giang, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, nhiều dân làng đã tụ tập rất đông để mục sở thị một cây gỗ đen sì, khổng lồ, kỳ lạ. Chỉ 2 ngày trước đó, tại địa điểm dự án cải tạo du lịch của xã, các công nhân đã phát hiện cây gỗ này nằm sâu dưới lòng đất. Phải mất nguyên 1 ngày, cần cẩu của đội công nhân mới có thể “kéo” nó lên khỏi mặt đất.
Theo thông tin từ cán bộ xã Hòa Lâm, cây gỗ này không phải là cây gỗ bình thường mà là “Đông phương thần mộc” quý hiếm. Giống gỗ này được hình thành từ những cây cổ thụ cách đây hàng nghìn năm, hàng vạn năm, bị vùi lấp xuống sông do các nguyên nhân tự nhiên. Qua thời gian, dưới điều kiện môi trường đặc biệt, kết cấu gỗ được thay đổi, bị cacbon hóa và trở thành màu sẫm đen như than và có độ bền cực cao. Cũng vì tốt và hiếm nên vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc, loại gỗ này chuyên được dùng cho tất cả các cung điện hoàng gia. Nhiều quý tộc giàu có cũng khó có thể sở hữu những món đồ được làm từ loại gỗ này.
Nhận được tin, phóng viên địa phương vội đến hiện trường để đưa tin thì phát hiện hố sâu nơi cây gỗ được đào lên đã bị lấp và cả công trường vẫn tiếp tục làm việc.
Ông Cự, cán bộ phụ trách công trường cho biết họ đang thực hiện các dự án cải tạo làng xã. Một con đường đẹp hơn sắp được xây dựng tại nơi đây. Vào chiều tối ngày 21/12, khi các công nhân đang vận hành máy xúc đào đất thì bất ngờ gặp phải lực cản rất lớn, dù có xúc mạnh đến đâu cũng không thể di chuyển được khối đất ở dưới.
Nghi ngờ máy xúc “đụng” phải đá lớn, đội công nhân vội xúm lại kiểm tra thì phát hiện vật cản là một khối gỗ lớn, rất cứng, nằm sâu 4-5m so với bề mặt. Để có thể tiếp tục công việc, họ buộc phải loại bỏ được vật cản này. Cuối ngày 22/12, khi cây gỗ được đào lên khỏi mặt đất, mọi người có mặt tại hiện trường đều không dấu được sự ngỡ ngàng trước kích thước của nó. Theo đó, cây gỗ này dài khoảng 10m, to đến mức vòng tay của một người lớn ôm cũng không xuể. Không những thế, nó còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng khiến nhiều người có mặt ở đó cho rằng cây gỗ này phải là loại gỗ nào đó rất quý hiếm.
Đêm hôm đó, đội công nhân đã báo cáo sự việc với chính quyền thị trấn Vạn Xuân. Tin tức về cây gỗ khổng lồ này cũng được lan truyền nhanh chóng, khiến nhiều dân làng gần đó kéo đến rất đông. Ông Cự đã phải nhờ cảnh sát địa phương đến phong tỏa hiện trường và cử công nhân canh gác cây gỗ suốt đêm.
Chia sẻ với phóng viên, Ông Lý - Chủ tịch xã Hòa Lâm cho biết sau khi cây gỗ được đào lên, người của Văn phòng Quản lý Văn hóa địa phương đã đến thẩm định và xác nhận rằng đó là gỗ âm trầm hay còn gọi là Đông phương thần mộc. Vị trí tìm thấy cây gỗ gần một cổ trấn thuộc nước Thục ngày xưa. Nơi đây từng có một con sông lớn. Các chuyên gia của Văn phòng quản lý văn hóa địa phương xác định rằng cây gỗ này đã “ngủ yên” dưới lòng đất hàng nghìn năm cho đến khi “phát hiện”.
Ông Cự, cán bộ phụ trách công trường cũng cho biết nói rằng ngay sau ngày cây gỗ âm trầm này được đào lên, có một thương gia đề nghị mua nó với giá 300.000 NDT nhưng bị từ chối. Ông cho biết giá trị của cây gỗ này là không thể đong đếm, không những vậy, nó còn có giá trị văn hóa và giá trị nghiên cứu rất lớn.
Cũng vì vậy nên sau đó, cây gỗ âm trầm được đặt trong sân của Ủy ban xã Hòa Lâm để các chuyên gia có thể khôi phục hiện trạng và nghiên cứu thêm. Sau này, vùng đất Hòa Lâm cũng được xây dựng thành một một làng du lịch khá nổi tiếng ở Ôn Giang, Trung Quốc.
Theo Ánh Lê (Nhịp Sống Thị Trường)