Cá chết vì nước nhiễm độc thuỷ ngân và bệnh lạ của dân Nhật

24/04/2016 11:05:56

Thuỷ ngân trong nước thải của nhà máy hoá chất làm nhiễm độc cá và khiến hàng nghìn người Nhật Bản nhiễm bệnh năm 1956, làm dấy lên lo ngại nhiễm độc thuỷ ngân từ nguồn nước.

Thuỷ ngân trong nước thải của nhà máy hoá chất làm nhiễm độc cá và khiến hàng nghìn người Nhật Bản nhiễm bệnh năm 1956, làm dấy lên lo ngại nhiễm độc thuỷ ngân từ nguồn nước.
Minamata là thành phố xinh đẹp bên bờ biển Yatsushiro thuộc tỉnh Kumamoto, vùng đất nổi tiếng về sự đa dạng và chất lượng của các loại hải sản. Năm 1956, căn bệnh lạ xuất hiện ở thành phố này và được gọi là bệnh Minamata.
 
Trường hợp đầu tiên được ghi nhận mắc bệnh Minamata là một bé gái 5 tuổi. Cô bé được đưa vào bệnh viện của công ty Chisso năm 1956 với những biểu hiện nghiêm trọng như không thể nói chuyện, đi lại hay ăn uống.
 
Cá nhiễm độc - người nhiễm bệnh
 
Căn bệnh được biết đến rộng rãi vào ngày 1/5/1956, khi bác sĩ Hajime Hosokawa, thuộc bệnh viện của công ty Shin Nihon Chisso Hiryo, báo cáo một "bệnh dịch lạ liên quan đến hệ thần kinh trung ương", sau khi ghi nhận 4 bệnh nhân rối loạn thần kinh không rõ nguyên nhân. Không lâu sau đó, 54 trường hợp khác được phát hiện và 17 người tử vong.
 
Bệnh lạ ban đầu ảnh hưởng đến mèo, sau đó là con người. Khi mắc bệnh, những con mèo bị mất cảm giác cân bằng và co giật trước khi chết. Đây cũng là những biểu hiện ban đầu đau đớn nhất ở người. Theo ghi nhận, bệnh nhân thường run không kiểm soát, tê chân tay, hạn chế tầm nhìn, co giật và đau đớn.
 

Bác sĩ và một bệnh nhân Minamata trong bệnh viện. Ảnh: ehp.niehs.nih.gov

 
Những ngày đầu tiên, một số bác sĩ cho rằng đây là một loại dịch bệnh mới ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, trong khi những người khác nhận định đây là bệnh di truyền.
 
Khi căn bệnh bùng phát, nỗi lo sợ về một bệnh dịch bí ẩn còn là nguyên nhân thành kiến đối với người mắc bệnh và cả gia đình họ. Ở thời điểm đó, nhiều người dân không thể chuyển việc, bị từ chối kết hôn và chịu sự xa lánh của xã hội.
 
Năm 1959, các giáo sư Đại học Kumamoto đưa ra thông báo chính thức rằng căn bệnh ở vùng Minamata là bệnh thần kinh, do ăn cá và sinh vật có vỏ cứng từ vịnh Minamata.
 
"Thuỷ ngân là mối quan tâm của chúng tôi. Nó có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và nhiễm độc cho cá, sinh vật có vỏ cứng", thông báo viết.
 
Theo Japan Times, lượng thuỷ ngân này có trong chất thải công nghiệp của nhà máy hoá chất Chisso. Dù công ty Chisso bác bỏ điều này, nhiều thí nghiệm tiến hành trên mèo tại bệnh viện công ty đã xác nhận mối nghi ngờ.
 
Theo Japan Today, khoảng 3.000 người được chính thức công nhận là mắc bệnh Minamata. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân Minamata vẫn nằm ngoài danh sách cứu trợ do chưa xét duyệt đủ điều kiện công nhận là người nhiễm bệnh.
 
Năm 1977, chính phủ Nhật Bản thông qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với trường hợp này. Theo đó, những người có các biểu hiện bắt buộc như rối loạn cảm giác ở chân tay, hạn chế tầm nhìn hay mất khả năng vận động mới được công nhận là bệnh nhân Minamata. Đến nay, vẫn còn 33.450 người vẫn trong danh sách chờ.
 
Mối lo thuỷ ngân
 
Mãi đến năm 1968, chính phủ Nhật Bản mới chính thức công nhận thuỷ ngân hữu cơ (methyl mercury) trong chất thải công nghiệp của nhà máy Chisso là nguyên nhân gây bệnh.
 
Cùng lúc đó, công ty tiếp tục xả nước thải ô nhiễm ra biển, làm nhiễm độc cá, khiến người dân địa phương mắc bệnh sau khi ăn cá. Điều này khiến căn bệnh ngày càng lan rộng trong khu vực.
 

Bảo tàng bệnh Minamata ở Nhật Bản trưng bày các hình ảnh về người mắc bệnh. Ảnh: Masaru Komiyaji

 
Căn bệnh không chỉ giới hạn ở Minamata và khu vực lân cận. Năm 1965, nhiều người dân có biểu hiện tương tự bệnh Minamata đã được phát hiện ở lưu vực sông Agano ở tỉnh Niigata. Bệnh Minamata thứ hai, hay bệnh Niigata Minamata, được xác định do thuỷ ngân hữu cơ trong nước thải nhà máy Showa Denko K.K gây ra.
 
Trong khi bệnh Minamata ở Nhật Bản do thuỷ ngân trong nước thải nhà máy công nghiệp gây ra, tại các nước đang phát triển, nhiều khu đào vàng cũng đang bị ô nhiễm do nguyên nhân tương tự. Thuỷ ngân được sử dụng trong quy trình tách vàng từ quặng, không chỉ làm tổn hại sức khoẻ của thợ mỏ, mà còn xâm nhập vào nước thải từ các mỏ và gây ô nhiễm môi trường.
 
Ô nhiễm thuỷ ngân đang được coi là vấn đề toàn cầu. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy hành động ngăn chặn ô nhiễm kịp thời ngay sau khi phát hiện là điều rất cần thiết. Ngoài Nhật Bản, người dân ờ nhiều nơi khác cũng có nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân, trừ khi các nước thực hiện đầy đủ Công ước Minamata nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khoẻ con người do phát thải thuỷ ngân.
 
Theo Hoàng Anh (Zing.vn)

Nổi bật