Buôn bán vũ khí toàn cầu: Âu - Mỹ giảm, Nga vươn lên

14/12/2015 09:39:52

Dù các công ty Bắc Mỹ và Tây Âu vẫn thống trị lĩnh vực buôn bán vũ khí quốc tế, thị phần của họ đã giảm trong khi các công ty Nga và châu Á vươn lên.

Dù các công ty Bắc Mỹ và Tây Âu vẫn thống trị lĩnh vực buôn bán vũ khí quốc tế, thị phần của họ đã giảm trong khi các công ty Nga và châu Á vươn lên.

Công ty có doanh thu cao nhất là Lockheed Martin (Mỹ), đạt 37,5 tỷ USD trong năm 2014, tăng 3,9%.

Giới thạo tin cho biết, những công ty ở Tây Âu và Mỹ tiếp tục thống trị trong danh sách 100 công ty dẫn đầu, chiếm 80% tổng số thị phần. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của các công ty này giảm 3,2 điểm phần trăm từ năm 2013 - 2014.

Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman tại SIPRI cho biết: "Một phần lớn trong chi tiêu quốc phòng ở Tây Âu chính là để mua sắm. Việc cắt giảm những khoản cần mua dễ hơn là giảm lương".

Một xưởng sản xuất máy bay của hãng Lockeed Martin. Ảnh: Washington Times

Trong khi đó, 36 công ty còn lại trong danh sách có doanh thu tăng vọt lên 25%, trong đó, riêng các công ty Nga là 50%. "Những công ty Nga đang cưỡi trên ngọn sóng tăng chi tiêu quân sự trong nước và xuất khẩu", Wezeman nói.

Tổng tăng trưởng lợi nhuận thường niên của 11 công ty Nga trong danh sách của SIPRI giai đoạn 2013 - 2014 là 48,4%. Công ty hàng đầu của Nga là Almaz-Antey, đứng thứ 11 trong danh sách chung. Đây là nơi sản xuất ra tên lửa BUK bị cáo buộc là vũ khí bắn rơi máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines hồi tháng 7/2014.

Ngoài ra, Nga vẫn cung cấp vũ khí cho Syria kể từ thời Liên Xô đến nay. Tuy nhiên, số lượng đang ngày càng giảm. Nguyên nhân do cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm khiến Damascus không còn đủ khả năng tài chính để mua vũ khí của Nga.

Doanh thu bán vũ khí của Nga cũng không bị ảnh hưởng đáng kể từ các lệnh cấm vận quốc tế do phương Tây áp đặt từ năm 2014. Những nguồn tin trong ngành nói, cấm vận chỉ tạo ra động cơ để Nga tìm kiếm thị trường mới và phát triển công nghệ vũ khí mới.

Tên lửa BUK do nga sản xuất. Ảnh: AP

Phần lớn vũ khí do Nga sản xuất được chuyển giao cho quân đội nước này. Tuy nhiên, Nga cũng có nhiều bạn hàng trên khắp thế giới, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Tổng cộng 15 công ty châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, có tên trong danh sách của SIPRI. Cơ quan này không thực hiện khảo sát về những đơn vị ở Trung Quốc do không có số liệu đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, những nhà sản xuất mới nổi tiếp tục củng cố sự hiện diện của họ trong danh sách các công ty vũ khí hàng đầu. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ có hai công ty lọt vào top 100.

"Ankara đang theo hướng tự sản xuất và tự cung ứng hiệu quả vũ khí cho quân đội nước này, cùng với xu hướng xuất khẩu gia tăng, đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia của SIPRI nhận định.

Các công ty Hàn Quốc cũng tích cực quảng bá tên tuổi trong thị trường mua bán vũ khí quốc tế. Một đại diện mới nổi của Hàn Quốc là Hyundai Rotem chuyên sản xuất xe cơ giới quân sự, đạt doanh thu 770 triệu USD trong năm 2014 (tăng gần gấp đôi so với mức 430 triệu USD của năm 2013).

Theo Minh Anh (Zing.vn)

Nổi bật