Theo trang mạng china.org.cn, Lục Long là bức họa có từ thời nhà Tống (năm 960-1279). Tác giả Chen Rong nổi danh với việc những bức tranh mô tả rồng. Nhưng ông rất ít được biết đến ngày nay bởi không có nhiều tài liệu lịch sử ghi lại thông tin về con người này.
Trong bức Lục Long, Chen đã tạo nên một con rồng đang di chuyển giữa những đám mây. Đây được coi là một trong những kiệt tác của danh họa Chen Rong.
Hình ảnh rồng thần trong bức họa Lục Long. |
Ji Tao, một người am hiểu về thị trường hội họa ở Bắc Kinh nói, Chen thường vẽ tranh sau khi uống rượu. “Nét vẽ có phần phóng túng của ông ấy tạo ra những đám mây, tảng đá kỳ lạ, làm nổi bật chuyển động và hình dáng đồ sộ của con rồng, tạo cảm giác thần bí”.
Những bức tranh vẽ rồng cũng thể hiện tham vọng và quan điểm chính trị của tác giả, Ji nói.
Hoàng đế Càn Long thời nhà Thanh (năm 1644-1911) đặc biệt yêu thích bức họa này và cất giữ nó trong bộ sưu tập riêng. Bức họa được đưa về Nhật Bản từ đầu thế kỷ 20.
Bức họa này là một trong số 22 tác phẩm còn lại của danh họa Chen Rong, được lưu giữ đến ngày nay. |
Bức họa nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng Fujita ở Osaka kể từ đó. Trên thế giới hiện chỉ còn 22 bức tranh vẽ rồng của danh họa Chen Rong. 11 trong số này được cất giữ ở Mỹ và Nhật Bản, theo Zhu Wanzhang, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.
Bảo tàng Cung điện Bắc Kinh hiện đang trưng bày 2 bức họa của Chen. Bức họa Lục Long nằm trong số những tác phẩm nghệ thuật quý giá nhất của Trung Quốc bị thất lạc kể từ khi nhà Thanh sụp đổ.
Ngoài Lục Long, bảo tàng Nhật Bản đem đến phiên đấu giá ở New York 30 bức họa khác. Toàn bộ số tiền bán đấu giá sẽ được sử dụng để cho mục đích nâng cấp và tu sửa bảo tàng.
Bức họa từng nằm trong bộ sưu tập ưa thích của vua Càn Long. |
Phiên đấu giá cũng xuất hiện 4 mảnh đồng 3.000 năm tuổi ở Trung Quốc. Một hũ rượu khai quật ở Anyang, tỉnh Hà Nam được bán với giá 37,2 triệu USD.
Số tiền thu được từ phiên đấu giá ngày 16.3 lên tới 260 triệu USD, thu hút người mua trên khắp thế giới. Chủ tịch hãng đấu giá Christie, Rebecca Wei nói, người đấu giá chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hong Kong và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Những nhân vật mới đến là người đấu giá tích cực nhất, vì họ biết đây là cơ hội hiếm có để sở hữu những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm, bà Rebecca nói.