Đôi khi, có những việc bạn tận mắt nhìn thấy chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Chính vì vậy, đừng tin những điều bạn nghe thấy và hãy chỉ tin một nửa những gì mà bạn nhìn thấy thôi nhé!
Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, trong đó đa phần là phẫn nộ, trách móc cô cháu gái "có bệnh công chúa" vì đã lớn thế kia rồi mà vẫn còn mặt dày trèo lên lưng bắt bà cõng. Một số người lại cho rằng, hành động này xuất phát từ tình thương yêu bao la của người bà, cho dù con cháu có lớn đến đâu thì mãi mãi vẫn là đứa trẻ trong mắt bà, thậm chí nếu cô bé không cho bà cõng có khi còn bị bà giận chưa biết chừng. Tất nhiên, cũng có những người lên án sự chiều chuộng thái quá của người bà khiến cho cháu gái mắc phải bệnh õng ẹo. Bên cạnh đó, một số người lại không biết nên bênh ai, trách ai, bởi họ nghĩ rằng mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó.
Vô số lời lẽ cay nghiệt của cư dân mạng nhằm vào cô cháu gái đã khiến cho những người biết rõ chân tướng sự việc không thể ngồi yên, họ cho rằng mình có trách nhiệm phải nói lên sự thật, để mọi người có cái nhìn bao dung và đúng đắn hơn về bà cháu họ.
Một thầy giáo từng dạy cô bé trong bức ảnh cho biết, cô bé ấy là một học sinh giỏi, chăm ngoan và đa tài. Đáng lẽ cô học trò ấy sẽ mãi được sống trong sự yêu thương của thầy cô và bạn bè, nhưng thật không may, các bác sĩ đã chẩn đoán cô bé bị mắc bệnh tim và một vài căn bệnh hiểm nghèo khác nữa.
Sức khỏe suy yếu nên cô học trò nhỏ đành phải nghỉ học ở nhà để chữa bệnh. Tuy nhiên, với bản tính ham học, mỗi học kỳ, cô bé vẫn đi học vài ngày. Cũng theo lời thầy giáo, số buổi lên lớp của cô bé không quá 2 tuần/học kỳ.
Bức ảnh gây tranh cãi trên mạng được chụp vào ngày đầu tiên cô bé ấy quay trở lại trường học sau một thời gian dài nghỉ ngơi. Cho dù mưa to dẫn đến ngập lụt, cô bé đáng thương vẫn kiên trì đến lớp, chứ không nhụt chí như một số bạn học khác.
Thầy giáo vô cùng đau lòng khi đọc được những lời trách mắng vô căn cứ mà người đời dành cho cô học trò nhỏ của mình nên đã lên tiếng để đòi lại công bằng cho cô bé. Thầy giáo hy vọng, những điều mình nói sẽ được chia sẻ rộng rãi để mọi người có thể biết được sự thật đằng sau bức ảnh đó.
Một số vị phụ huynh biết chuyện của cô bé này cũng đồng loạt lên tiếng. Họ cho biết, cô bé tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn kiên quyết vượt lên số phận và không từ bỏ con đường học hành đầy gian nan. Những người này rất bất bình khi thấy cô bé ấy phải hứng chịu hàng loạt lời gièm pha của dư luận.
Thì ra, cô bé ham học lại có hoàn cảnh thương tâm như vậy. Ấy thế mà những người không tường tận ngọn nguồn lại sẵn sàng đổ lên đầu cô bé cả "xô gạch đá". Hy vọng rằng sự thật về cô bé ấy sớm được truyền tải đến những người từng lớn tiếng lên án bà cháu họ, để họ không bị mang tiếng oan và không phải đối mặt với miệng lưỡi thế gian cay nghiệt nữa.
Một điều đáng bàn khác là về những người chụp ảnh 2 bà cháu cô bé nọ rồi đăng tải trên mạng xã hội với những lời trách cứ. Tại sao khi thấy bà cụ tóc bạc trắng bì bõm lội nước, họ chỉ tỏ ra thương cảm chứ không chạy tới giúp đỡ bà ấy? Đã vậy, họ còn lên mạng lớn tiếng tuyên bố với những người khác rằng: "Sao giới trẻ bây giờ lại có thể hành xử như vậy được nhỉ?", "Giáo dục của nước ta có vấn đề rồi!", "Không biết là con cái nhà ai nữa?"...
Tại sao lúc ấy họ không bỏ điện thoại xuống và chạy tới giúp bà cụ một tay để đỡ phải chứng kiến cảnh tượng khiến họ chướng tai gai mắt? Nhiều người nói thì hay lắm, nhưng bảo làm thì chẳng được bao nhiêu đâu.
Còn bạn thì sao? Bạn đã bao giờ gặp phải cảnh tượng này chưa? Và nếu đặt mình trong trường hợp là những người đi đường chứng kiến sự việc này, liệu bạn sẽ xử trí thế nào?
Theo Đình Đình (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)