Một ngày sau khi Brunei bắt đầu áp dụng luật cho phép ném đá đến chết người có quan hệ tính dục đồng giới, Zain*, 21 tuổi, đã cảm nhận được vị đắng của thực tế mới.
Đi trên phố trong chiếc quần jean bó sát và đôi giày cao gót, một sự bất thường lòe loẹt tại vương quốc Hồi giáo bảo thủ, cậu sinh viên đại học trở thành mục tiêu.
"Tôi thấy chiếc xe này cách đó khoảng 50 m", Zain, một người đồng tính, kể lại. "Khi gã tài xế nhìn thấy tôi, chiếc xe tăng tốc, chỉ để cán qua tôi, nhưng tôi đã né được. Tôi tự hỏi kiểu như 'Cái quái gì vậy?'".
Vô nhân đạo, lạc hậu và man rợ
Tuần trước, Brunei - một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á, nơi từng nằm dưới sự bảo hộ của Anh, với dân số 420.000 người - đã đưa ra giáo luật sharia (luật áp dụng cho tín đồ Hồi giáo) mới khắc nghiệt, bao gồm hình phạt ném đá đến chết với người ngoại tình cũng như người có quan hệ đồng giới nam, cắt cụt chân tay với người bị kết tội trộm cắp.
Các hình phạt là một phần của giai đoạn thứ ba và cuối cùng của luật sharia sẽ được thực thi, sau khi luật lần đầu được công bố vào năm 2013. Với sự hoảng loạn và phản đối kịch liệt khi đó từ công chúng, kế hoạch áp dụng những hình phạt dã man nhất đã không được triển khai. Nhiều người hy vọng rằng chính phủ đã lặng lẽ quyết định xóa bỏ luật.
Song cuối tháng 12/2018, một tờ công báo ít người đọc cho biết rằng luật sẽ có hiệu lực vào ngày 3/4/2019.
Bị chỉ trích là vô nhân đạo, lạc hậu và man rợ, luật mới đã khiến Brunei có biệt danh là "Saudi Arabia của Đông Nam Á", vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Những người nổi tiếng như George Clooney và Elton John kêu gọi tẩy chay các khách sạn thuộc sở hữu của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, bao gồm Dorchester ở London và Beverly Hills ở Los Angeles.
Song bất chấp làn sóng phẫn nộ, luật đã có hiệu lực tại Brunei "không kèn không trống", hoặc thậm chí là một lời nhắc đến. Hôm 3/4, câu chuyện chính trên Borneo Bulletin, tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu của Brunei, nói về những vòi nước bị mất tích - không nói gì về luật mới có hiệu lực.
Trong một sự kiện công khai cùng ngày, quốc vương Brunei cũng "quanh co" tương tự, chỉ nói rằng ông ủng hộ "việc truyền giảng Hồi giáo mạnh mẽ hơn". Trên thực tế, tại Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei, việc tiếp nhận luật hình sự sharia mới đã đi ngược lại nhận thức quốc tế.
Không sợ luật bằng sợ người xung quanh
Những người trẻ tuổi ở Brunei nói rằng họ ít sợ bị truy tố theo luật mới hơn là cách mà luật này có thể cổ vũ những người bảo thủ về tôn giáo, và biện minh cho những hành động thù ghét họ - như những người lạ cố tình lao xe vào họ trên đường, hoặc tệ hơn thế.
Với việc báo chí trong nước không đưa tin về việc áp dụng luật mới, Zain hay tin trên Twitter. Suy nghĩ đầu tiên của anh là "Trời ơi, tôi sẽ chết, tôi sẽ bị ném đá đến chết".
Song sau khi đọc văn bản luật chính thức, cậu và những người khác trong giới LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) "kín" ở Brunei tỏ ra nghi ngờ về việc liệu có ai đó sẽ thực sự bị ném đá. Gánh nặng về bằng chứng, yêu cầu phải có sự nhận tội, hoặc ít nhất bốn nhân chứng đáng tin cậy cho một hành vi bị xử lý theo luật hình sự, có nghĩa là sẽ không dễ dàng để truy tố.
Trong khi án tử hình từ lâu đã được quy định trong luật ở Brunei - dù là bằng cách treo cổ thay vì ném đá - chưa có ai bị xử tử kể từ năm 1957.
"Nên đó là lý do tại sao tôi không thực sự sợ luật, nhưng tôi sợ người dân", Zain nói. "Việc áp dụng luật mang lại rất nhiều quyền lực cho những người bảo thủ vốn rất kỳ thị người đồng tính. Giờ đây, việc đi ra ngoài sẽ nguy hiểm hơn cho những người như tôi".
Những người LGBT khác ở Brunei đồng ý rằng luật sẽ rất khó thực thi, nhưng điều đó cũng không giúp họ bớt lo lắng. Chẳng hạn, có phải hàng xóm giờ đang theo dõi họ?
Nhiều người, đặc biệt là những người chuyển giới dễ nhận ra hơn, đang sống khép kín, sống thậm chí còn "kín" hơn cả trước đây.
Rafay, một người đồng tính nam, nói: "Đối với tôi, điều đó khiến cuộc sống của tôi càng phức tạp hơn. Sẽ hơi khó để tôi cởi mở hơn khi ở trước mặt người khác".
Mặc dù các biện pháp hà khắc đã sẵn sàng áp dụng, nhưng tại thủ đô, có cảm giác như có rất ít thay đổi. Vài ngày sau khi luật có hiệu lực, không có trường hợp nào bị truy tố và cảnh sát sharia không lượn đi lượn lại trên đường phố. Giới LGBT Brunei đang cảm thấy khó chịu khi phải chờ đợi và xem xét tình hình.
"Tôi có thể rời Brunei", Rafay nói, "nếu tình hình xấu đi".
Một số người đã thay đổi lối sống của họ. Ali, một nghệ sĩ ba mươi tuổi, nói rằng anh sẽ ngừng hẹn hò với đàn ông. "Tôi tự coi mình là 'bi' (người song tính), vì vậy đối với tôi, tôi nghĩ là sẽ khá dễ dàng - tôi chỉ phải bỏ đi 'nửa kia'", anh nói. Tuy nhiên, Ali cho rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy với những người đồng tính, vì vậy anh phản đối luật này.
Tìm cách thích nghi
Sống trong một xã hội bảo thủ với đa số dân là người Hồi giáo cùng những luật lệ hà khắc - chẳng hạn, tình dục đồng giới đã bị xem là bất hợp pháp từ lâu - giới trẻ Brunei là những người dễ thích nghi. Việc bán rượu và thuốc lá bị cấm, nhưng họ biết nơi để tìm nguồn hàng lậu.
Nếu muốn tiệc tùng, họ có thể lái xe vài giờ đến thị trấn biên giới Miri của Malaysia, và tới các câu lạc bộ vào ban đêm, hoặc đáp một chuyến bay ngắn đến thủ đô Kuala Lumpur của nước láng giềng. Và nếu họ tổ chức tiệc tại nhà, thì việc có một thành viên của hoàng gia tham dự luôn là điều tốt nhất. Ở Brunei, người dân địa phương nói rằng mọi chuyện phụ thuộc vào việc bạn quen biết ai.
"Chúng tôi rất giỏi trong việc thích nghi, tất cả chúng tôi đều học cách có hai hoặc ba tài khoản mạng xã hội", Anna, một người trẻ tuổi, nói về luật mới. "Những người Brunei chúng tôi không thể làm gì với nó, vì vậy tôi không biết làm thế nào các thế lực bên ngoài có thể giúp đỡ. Đây đúng hơn là chuyện người Brunei phải làm sao để có thể cùng nhau vượt qua khó khăn".
Quốc vương Brunei đã thúc đẩy giáo luật sharia từ những năm 90, mặc dù các thành viên khác trong hoàng gia không tuân theo chuẩn mực của ông. Anh trai của ông, hoàng tử Jefri, có cuộc sống phóng túng với "hậu cung" gồm nhiều nhân tình người ngoại quốc, các tác phẩm điêu khắc gợi dục khắc họa ông và vị hôn thê và một chiếc du thuyền sang trọng mà ông gọi là Tits (từ lóng chỉ vòng một của phụ nữ).
Ở một đất nước tự coi là nơi tôn nghiêm - tên đầy đủ của quốc gia là Brunei Darussalam, có nghĩa "nơi trú ngụ của hòa bình" trong tiếng Arab - người Brunei có những câu trả lời khác nhau khi được hỏi làm thế nào nước này trở thành một nơi có giáo luật sharia hà khắc.
Giả thiết của Ali là, cùng với tin đồn rằng vị sultan, 72 tuổi, sẽ sớm thoái vị, ông đang dọn ở đường cho con trai mình, thái tử kế vị, tiếp quản ngai vàng.
"Luật này có thể cho họ một lý do để đàn áp những người không trung thành với ngai vàng, và những người không trung thành với ngai vàng thường là những người tự do và tiến bộ hơn và có thể đang làm tất cả những chuyện như ngoại tình", anh nói. "Họ đang chuẩn bị cho khi thái tử, người không hề nổi tiếng, lên ngôi, và sau đó sẽ có càng nhiều người bất đồng chính kiến hơn, tôi nghĩ vậy".
Một số người Brunei đang hy vọng rằng, cuối cùng, tất cả điều này sẽ biến mất và cuộc sống sẽ sớm trở lại như bình thường.
"Tôi không thể tưởng tượng ra việc ai đó phải chịu hình phạt này. Đây không phải là Brunei mà tôi biết, ít nhất không phải là đất nước nơi tôi lớn lên", Anna nói. "Tương lai không sáng sủa, nhưng nó cũng không ảm đạm. Chúng tôi chỉ cho không biết những gì sắp xảy ra".
* Tất cả tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)