Giới lãnh đạo quân sự Nga cho biết, tên lửa BrahMos của Nga-Ấn đã thay đổi hình thái tác chiến tương lai và thị trường vũ khí thế giới.
Ngày 29 tháng 6, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã đến thăm gian hàng của công ty liên doanh Nga-Ấn Độ mang tên BrahMos Aerospace, cha đẻ của loại tên lửa chống hạm siêu vượt âm lừng danh BrahMos, trong khuôn khổ Triển lãm hải quân quốc tế St. Petersburg.
Nhà bình luận quân sự Alexandr Khrolenko viết trong một bài viết trên trang web của Sputnik rằng, ông Rogozin đã ghi nhận những thành quả đã đạt được của công ty và bày tỏ sự quan tâm thường xuyên của chính phủ Nga đến dự án hợp tác đầy triển vọng giữa hai nước.
Công ty BrahMos Aerospace được thành lập vào năm 1998, 50,5% cổ phần thuộc sở hữu của Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), 49,5% là của Tập đoàn Công nghiệp quân sự Nga NPO Mashinostroeniya, cha đẻ của loại tên lửa lừng danh P-800 Oniks - chính là nguyên mẫu của BrahMos.
BrahMos Aerospace có trụ sở chính tại Ấn Độ nhưng sản phẩm của BrahMos Aerospace được sản xuất ở cả hai nước. Trong chuỗi sản xuất này có sự tham gia của hàng chục công ty Ấn Độ và Nga, chế tạo tên lửa không phụ thuộc vào các linh kiện của bất cứ quốc gia phương Tây nào.
Tại Ấn Độ, việc sản xuất được triển khai ở Delhi, Mumbai và một số trung tâm công nghiệp khác.
Một hệ thống kiểm định chất lượng thống nhất đang hoạt động, trong đó, khách hàng theo sát dự án từ khi bắt đầu phát triển cho đến khi kết thúc thử nghiệm. Thành công của dự án góp đã phần thúc đẩy chính sách "Made in India", mang đến nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nội địa.
Theo phía Ấn Độ, nhiều nước châu Á quan tâm đến sản phẩm, nhưng công ty phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu sử dụng của quân đội, trang bị đầy đủ cho lực lượng Lục quân, Không quân và Hải quân. Hiện nay, tên lửa BrahMos đã được lắp đặt trên hơn 10 tàu mặt nước.
Đồng giám đốc công ty BrahMos Aerospace Alexandr Maksichev nói rằng, công ty đã mang đến triển lãm St Petersburg đầy đủ các mô hình và khả năng của tên lửa BrahMos, có khả năng như nhau không kém phần hiệu quả khi tiêu diệt các mục tiêu trên biển và ven bờ.
Bệ phóng tên lửa có thể đặt trên xe cơ động mặt đất, dưới hầm phóng, trên biển hay dưới mặt nước. Trong tháng 7 và tháng 8, BrahMos Aerospace đã hoàn thành việc lắp ghép tên lửa lên máy bay Su-30MKI, mở rộng đáng kể khả năng triển khai tên lửa trên các phương tiện phóng.
Tên lửa BrahMos được thiết kế lắp đặt trên nhiều phương tiện phóng |
Công ty đã tiến hành nghiên cứu, phát triển BrahMos theo từng giai đoạn chắc chắc, đầu tiên là chế tạo mô hình và thử nghiệm tên lửa trong những điều kiện khác nhau, giai đoạn tiếp theo sẽ là việc phóng thử toàn diện, phóng tên lửa chiến đấu vào các mục tiêu thực tế.
Ông Maksichev cho biết, tên lửa BrahMos có tầm bắn cơ bản 300km, đầu đạn nặng 250km, bay trên độ cao tối đa 14km, thông thường 10km.
Với biến thể BrahMos-A phóng từ máy bay có trọng lượng nhẹ, chiều dài 8,4 mét và trọng lượng phóng khoảng 2,5 tấn. Máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30MKI có thể mang theo một tên lửa như vậy, nhưng cần phải trang bị ít nhất là hai quả.
Do đó, các chuyên gia của liên doanh đang phát triển phiên bản tên lửa kích thước nhỏ hơn là BrahMos-M. Với kích thước nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ hơn gần một nửa (1,5 tấn), Su-30 MKI và các máy bay dòng Su khác sẽ mang được 3 quả BrahMos-M, còn MiG-29K là 2 quả.
Tên lửa hành trình BrahMos của Nga-Ấn Độ được những nhà chế tạo gọi là sản phẩm tốt nhất trên thế giới, chưa từng có trong phân khúc tên lửa hành trình chống hạm. Và đó hoàn toàn không phải là sự phóng đại, bởi ngay cả các chuyên gia quân sự phương Tây cũng đã thừa nhận như vậy.
BrahMos có những ưu điểm gì?
Ưu điểm thứ nhất là tầm phóng rất xa
Ưu điểm hàng đầu của tên lửa là phạm vi tấn công rất xa (tối đa là khoảng 600 km, phiên bản xuất khẩu giới hạn ở 300km). Tầm phóng của tên lửa xuất khẩu là điều mà các tên lửa hành trình chống hạm của phương Tây không thể với tới, tạo lợi thế về phạm vi tấn công cho các phương tiện phóng trang bị BrahMos.
Nga và Ấn Độ đã thỏa thuận nâng tầm phóng của BrahMos lên mức 600km, gấp gần 5 lần so với tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ. Với tầm bắn này, các phương tiện phóng BrahMos dễ dàng hạ sát các mục tiêu của đối thủ trước khi chúng tiến đến tầm phóng hiệu quả của mình.
Tầm phóng 600km cũng cho phép các chiến hạm Ấn Độ có thể đứng ngoài xa tấn công các tàu sân bay của đối phương, ngoài tầm với của một số loại tiêm kích hạm và tất cả các chiến hạm hộ tống. Với điểm xuyên phá là phần thân tàu cách mặt nước đúng 1m, chỉ cần bị 2 quả BrahMos đánh trúng là một tàu sân bay cỡ lớn của đối phương sẽ bị nhấn chìm.
Ưu điểm thứ hai là tốc độ cao siêu nhanh
Siêu tên lửa BrahMos có vận tốc lên tới Mach 3,5 (gấp hơn 4 lần vận tốc của tên lửa hành trình cận âm Tomahawk của Mỹ).
Nếu chiến hạm trang bị BrahMos và chiến hạm Mỹ đứng ở khoảng cách 100km cùng phóng tên lửa thì chỉ sau khoảng 1 phút rưỡi tàu Mỹ đã bị tiêu diệt, trong khi quả tên lửa Harpoon còn tiếp tục bay thêm hơn 5 phút nữa mới tới đích, đủ thời gian để tàu Ấn Độ di chuyển tới chỗ khác.
Với tốc độ cực cao như vậy, BrahMos sẽ khiến đối thủ không đủ thời gian để trinh sát phát hiện, nếu có cũng không kịp phản ứng đưa ra biện pháp đánh chặn hoặc chạy trốn; đồng thời vận tốc cao cũng tăng khả năng sát thương do đầu đạn nặng kết hợp với động năng va chạm lớn, khiến tên lửa có thể xuyên thủng thân tàu rồi mới phá hủy mục tiêu.
Ưu điểm thứ ba là đa hệ thống dẫn đường
Điểm ưu việt nhất của BrahMos được phóng theo cơ chế bắn - quên, tức là sau khi phóng đi không cần thêm bất kỳ một điều khiển nào khác, nó tự động nhận tính hiệu định vị từ vệ tinh rồi tự thân vận động đến mục tiêu.
Trên hành trình bay, BrahMos có thể tiếp nhận 2 kênh điều khiển của 2 loại vệ tinh khác nhau, vừa bay theo điều khiển của tín hiệu GPS của vệ tinh Mỹ, vừa có thể hành trình theo sự dẫn đường của hệ thống thông tin vệ tinh GLONASS của Nga.
Vào cuối đường bay, nó tự động ngắt các liên hệ với vệ tinh và tự động hạ thấp độ cao xuống 5-15m so với mặt biển, kích hoạt đầu dẫn tự động, định vị mục tiêu chính xác tới cự ly hàng mét, đảm bảo không một mục tiêu nào có thể chạy thoát.
Lắp đặt tên lửa siêu âm BrahMos trên tàu hộ vệ INS Teg của Ấn Độ |
Ưu điểm thứ tư là quỹ đạo bay khó xác định
Trên đường bay BrahMos có khả năng biến tốc và đổi hướng 2 lần như một con rắn để tránh sự phát hiện của radar phòng thủ tên lửa đối phương, rồi lao đến tàu mục tiêu, khiến các hệ thống radar rất khó xác định quỹ đạo bay để hướng dẫn tên lửa hay đạn đánh chặn.
Hiệu quả vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của BrahMos còn thể hiện ở điểm ở cuối hành trình bay nó có thể hạ thấp độ cao dưới 10 mét, đến gần sát mục tiêu thì chỉ bay thấp dưới 5m, điều này sẽ khiến các tên lửa phòng không và pháo tầm gần của đối phương bị vô hiệu hóa.
Với độ cao bay rất thấp này, một loạt tên lửa sẽ có khả năng hủy diệt một nhóm mục tiêu lớn như tàu sân bay.
Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, về lí thuyết, 9 quả tên lửa là đủ đảm bảo để tiêu diệt ba tàu khu trục của đối phương trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, còn trong thực tế thử nghiệm, chỉ bằng một tên lửa, tàu mục tiêu đã bị chẻ làm đôi.
Ưu điểm thứ năm là đa phương tiện phóng
BrahMos được thiết kế với khái niệm của một tên lửa đa phương tiện phóng. Nó có thể được phóng từ hầm phóng, từ máy bay chiến đấu, xe chở-phóng cơ động trên mặt đất, trên tàu mặt nước và dưới tàu ngầm, với khả năng vận hành và bảo dưỡng thuận tiện như nhau.
Điều này sẽ giúp cả quốc gia chế tạo lẫn quốc gia sử dụng tiết kiệm được ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng sửa chữa, bảo dưỡng; giảm chi phí đào tạo nhân viên chiến đấu và nhân viên kỹ thuật; cùng với chi phí giành cho huấn luyện. Điều này đương nhiên sẽ tiết kiệm một nguồn ngân sách đáng kể.
Với các quốc gia đã mua sắm các loại tàu mặt nước, tàu ngầm, chiến đấu cơ của Nga, việc mua sắm, lắp đặt và đưa vào vận hành tên lửa BrahMos là điều hết sức thuận tiện và dễ dàng. Còn các hệ thống tên lửa bờ đối hạm BrahMos cũng dễ dàng tương thích với các hệ thống lá chắn biển khác của Nga.
Có thể nói, đây là một trong những dự án thành công nhất trong lịch sử hợp tác công nghiệp quốc phòng Nga - Ấn.
Theo Thiên Nam (Đất Việt)