'Bóng ma' trừng phạt bao phủ công cuộc tái thiết hậu chiến Syria

05/09/2018 21:53:10

Những gói trừng phạt của phương Tây khiến các công ty nước ngoài lo ngại khi đầu tư vào Syria.

'Bóng ma' trừng phạt bao phủ công cuộc tái thiết hậu chiến Syria
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang tìm cách chuyển từ các thắng lợi quân sự sang tái thiết thời hậu chiến. Ảnh: Reuters.

Một cơ quan của Liên Hợp Quốc ước tính, cuộc chiến Syria gây tổn thất 388 tỷ USD. Theo Reuters, việc tái thiết quy mô lớn dường như vẫn còn xa. Dù Nga, Iran, Trung Quốc có đầu tư vào Syria nhưng không thể chi trả tất cả chi phí tái thiết và mong muốn các nước khác chia sẻ gánh nặng.

Tuy nhiên, phương Tây tuyên bố không cấp ngân sách tái thiết Syria hay dỡ bỏ trừng phạt khi chưa đạt được thỏa thuận chính trị. Trong khi đó, các gói trừng phạt khiến các công ty nước ngoài gặp khó khăn khi đầu tư kinh doanh bởi phạm vi và quyền hạn to lớn của các gói trừng phạt khiến các doanh nghiệp có nguy cơ vô tình vi phạm.

Hầu hết các công ty phương Tây đều có định hướng rõ ràng. Với hy vọng việc kinh doanh trong tương lai ở Syria, công ty Ostendorf Kunststoffe tham gia triển lãm tại hội chợ thương mại quốc tế ở Damascus, xây dựng mối quan hệ với các khách hàng tiềm năng nhưng chưa đồng ý bất kỳ hợp đồng nào. Đại diện công ty của Đức cho biết đang chờ môi trường chính trị rõ ràng hơn.

Gói trừng phạt của Mỹ với Syria có trước khủng hoảng, mở rộng sau năm 2011 và tiếp tục trong quá trình nội chiến ở Syria. Các biện pháp trừng phạt của EU được áp dụng tháng 5.2011 và cập nhật vài lần kể từ đó. Các biện pháp trừng phạt của EU không bao quát như của Mỹ nhưng cũng mở rộng và gồm các biện pháp như đóng băng tài sản, cấm xuất nhập cảnh, hạn chế thương mại, trừng phạt tài chính và cấm vận vũ khí…

Bà Anna Bradshaw – hội viên hãng luật Peters & Peters ở London, cố vấn về các biện pháp trừng phạt cho biết, so với EU, các lệnh trừng phạt của Mỹ đặt ra rủi ro lớn hơn cho các công ty liên quan đến Syria.

Giới chức Mỹ theo đuổi các hành vi vi phạm một cách chặt chẽ hơn Châu Âu - nơi việc thực thi phức tạp hơn bởi sự khác biệt giữa 28 quốc gia thành viên.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ, ngoài phạm vi rộng hơn còn tiếp cận sâu hơn khi mở rộng với các hoạt động trên toàn thế giới của tất cả công dân Mỹ.

Washington không chỉ nhắm mục tiêu đến những người vi phạm trừng phạt của Mỹ mà còn có thể đưa các công ty nước ngoài hoặc những cá nhân giúp đỡ người khác tránh trừng phạt vào danh sách các cá nhân nước ngoài lẩn tránh trừng phạt (FSE) để cấm hầu hết các hoạt động kinh doanh với người Mỹ.

Các công ty không thuộc Mỹ cũng có nguy cơ gặp rủi ro nếu có bất kỳ phần giao dịch liên quan đến người Mỹ hoặc công ty Mỹ. Ngay cả các công ty thận trọng cũng có thể vô tình rơi vào tình trạng bị đóng băng tài sản do có các giao dịch với các cá nhân, thực thể bị trừng phạt trong môi trường kinh doanh chưa rõ ràng ở Syria và không phải lúc nào cũng biết được đối tác là nhân vật bị trừng phạt.

Theo Hải Anh (Lao Động)

Nổi bật