Vào ngày 11/3/2011, một trận động đất kinh hoàng 9,1 độ richter gây ra đợt sóng thần cao tương đương tòa nhà 12 tầng “đổ bộ” thẳng vào các khu vực ven biển của Nhật Bản. Thảm họa kép xảy ra khiến hơn 15.000 người thiệt mạng, hàng triệu người bị mất nguồn điện và nguồn nước. Chỉ trong vài phút, có hơn 120.000 tòa nhà đã bị phá hủy, thiệt hại này khiến nước Nhật rơi vào khủng hoảng trong một thời gian.
Trận động đất này được gọi là “Trận động đất ngoài khơi Thái Bình Dương khu vực Tohoku”, và là trận động đất có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Ngay sau thảm họa, những người sống sót bắt đầu nhìn thấy thi thể trên các vũng nước khi họ đi ngang qua bãi biển, hoặc thi thoảng lại xuất hiện trước ngôi nhà cũ của họ. Cũng có những bóng dáng mờ ảo như đắm mình trong dòng nước bên bờ biển, chặn những chiếc taxi bên đường, và biến mất sau khi bước vào băng ghế sau.
Đây không phải là ảo giác của một hoặc hai người, mà là cư dân của các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ thảm họa đều nói rằng thi thoảng họ đã nhìn thấy những bóng ma này hoặc nhìn thấy thường xuyên.
Nhà báo người Anh - Richard Lloyd Parry đã tìm hiểu hiện tượng chung của “bóng ma sóng thần” trong cuốn sách “Những bóng ma sóng thần (phi hư cấu)", tuy nhiên muốn lý giải được những tình huống quái đản này không hề đơn giản.
Khi thảo luận về hiện tượng này, nhà báo người Anh có cân nhắc đến sự khác biệt về văn hóa, cũng như sự tang thương tập thể và những trường hợp về những bóng ma này “có thể có thật”. Có một điều chắc chắn rằng, những câu chuyện về "bóng ma sóng thần" rất rùng rợn.
Trận sóng thần Tohoku phá hủy bờ biển Nhật Bản
Vào lúc 14 giờ 46 phút (giờ địa phương) ngày 11/3/2011, một trận động đất diện rộng 9,1 độ richter đã xảy ra tại vùng biển Sanriku, ngoài khơi Tohoku, Nhật Bản.
Tâm chấn của trận động đất nằm ở phía Đông Thái Bình Dương, phía Đông Sendai, thủ phủ của tỉnh Miyagi, gây ra sóng thần với độ cao tối đa là 40,1m.
Ngoại trừ khu vực Tohoku, khu vực Kanto cũng đã đối mặt với sự rung chuyển lên đến 6 phút trong trận động đất. Tổng cộng có 562 kilomet vuông khu vực bị ngập, bao gồm bệnh viện, trường học, cơ sở kinh doanh, nhà ở, đường sắt và tất cả các nơi khác đều bị phá hủy.
Có lẽ điều tàn phá kinh khủng nhất của thảm họa kép này chính là đã gây ra sự cố trong hệ thống làm mát của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Cơ quan Tái thiết Nhật Bản ước tính thiệt hại về kinh tế của thảm họa lên đến 199 tỷ đô la Mỹ (khoảng 4.587 nghìn tỷ đồng), đồng thời Ngân hàng Thế giới cũng ước tính tổng thiệt hại kinh tế là 235 tỷ đô la Mỹ (khoảng 5.417 nghìn tỷ đồng).
Thủ tướng Naoto Kan lúc bấy giờ cho biết: “Trong 65 năm kể từ Thế chiến II kết thúc, thì đây là cuộc khủng hoảng khó khăn và vất vả nhất mà Nhật Bản phải đối mặt”. Khi Nhật Bản thúc đẩy mạnh mẽ công việc tái thiết, thì có những sự kiện siêu nhiên xảy ra sau thảm họa.
Gặp “ma sóng thần” đã trở thành chuyện thường tình
Richard Lloyd Parry đã từng sống ở Nhật Bản được 18 năm trước khi thảm họa xảy ra, và khi Nhật Bản đối mặt với trận thảm họa kép ấy, anh vẫn ở Nhật Bản. Anh biết rằng, người Nhật Bản rất mê tín và không có gì lạ khi họ cho rằng nhìn thấy "bóng ma sóng thần" đi lang thang sau thảm họa.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2014, anh nói rằng: “Mọi người ở đây cảm thấy đau buồn vì sự mất mát quá thảm khốc. Một vài tháng sau, những câu chuyện siêu nhiên như bóng ma bắt đầu nổi lên như một dịch bệnh”.
Vào năm 2016, một sinh viên tốt nghiệp ngành xã hội học có tên là Yuka Kudo đã đến thành phố Ishinomaki, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất để nghiên cứu về “dịch bệnh” này. Cô đã tìm một số tài xế taxi trong thành phố và họ nói rằng đã nhìn thấy bóng ma sau thảm họa sóng thần.
Trong thảm họa ở Ishinomaki có 3.097 người thiệt mạng, 2.770 người mất tích và 50.000 tòa nhà bị phá hủy. Phần lớn dân cư ở nơi này đã chuyển đi nơi khác sau trận thảm họa, nên không còn nhiều người đi taxi.
Yuka Kudo đã phỏng vấn 100 tài xế và hỏi họ về những câu chuyện siêu nhiên, trong đó có 7 người đã kể câu chuyện của họ.
Người đầu tiên nói rằng, anh ta đã gặp (bóng ma) một lần vào mùa hè năm 2011. Anh kể, thời điểm đó là vài tháng sau trận sóng thần, công việc chạy xe taxi khá ế ẩm, hầu như không có khách. Có một hôm, anh nhìn thấy một người phụ nữ trẻ mặc áo khoác mùa đông dày cộp, nhìn như ướt sũng đứng bên đường bắt taxi.
Lúc đó là mùa hè, trong lòng anh có chút hoang mang, không hiểu sao người phụ nữ này lại mặc đồ như thế nhưng vẫn tấp xe vào, cô gái leo lên xe và yêu cầu đi đến một khu vực bị bỏ hoang.
Đi được một đoạn, anh tài xế cảm nhận có điều gì đó không lành nên đã hỏi: “Em có chắc là đến chỗ này không”. Trong xe bất ngờ im lặng, sau đó tài xế nghe tiếng người phụ nữ run rẩy hỏi: “Em chết rồi à?”. Người tài xế sợ hãi quay lại nhìn băng ghế sau nhưng không thấy ai.
Một tài xế khác nói với Yuka Kudo rằng, anh gặp một người khách trông có vẻ bối rối, khi tài xế hỏi đi đâu, vị khách này liên tục chỉ về phía trước. Cuối cùng, tài xế mới biết là vị khách này muốn đi lên công viên Riwa, một công viên trên đỉnh núi. Khi đến cổng công viên, tài xế ngừng xe quay lại thu tiền thì... không thấy ai.
Cuốn sách của Parry cũng ghi lại lời kể của người dân ở Kurihara. Họ nói rằng rất ghét mưa vì khi những cơn mưa lớn đổ xuống, họ sẽ nhìn thấy khuôn mặt của những nạn nhân sóng thần mà họ từng quen biết từ những vũng nước trên mặt đất.
Trong một trạm cứu hộ ở thị trấn Ota, thỉnh thoảng nhân viên ở đây nhận được các cuộc gọi từ những địa chỉ từng chịu thảm họa nhưng không ai nói chuyện, các cuộc gọi sẽ không dừng cho đến khi nhân viên cứu hỏa chạy đến địa chỉ ấy để cầu nguyện cho những người đã khuất.
Parry đã nói chuyện với Kaneda, trụ trì ở một ngôi chùa, và người này đã kể cho anh nghe một câu chuyện về Ono.
Kaneda và Ono đều sống sót sau khi thảm họa xảy ra. Nếu Kaneda chọn cách ở lại để giúp chôn cất người dân ở đây một cách đàng hoàng thì Ono lại chọn cách bỏ đi và cuối cùng đã trở lại quê nhà sau vài tháng.
Khi chứng kiến cảnh quê hương bị tàn phá nặng nề, Ono quay về nhà và ăn tối, uống trà cùng gia đình. Tối hôm đó, Ono bất ngờ lăn lộn trên mặt đất, phát ra tiếng động lạ và chạy ra cánh đồng sau nhà và tiếp tục lăn lộn trong bùn đất. Vợ và mẹ vợ Ono chứng kiến cảnh tượng này đều không tin vào mắt mình.
Ngày hôm sau, Ono không nhớ chuyện gì đã xảy ra, và tình trạng này kéo dài khoảng 3 ngày. Thỉnh thoảng Ono lại nói chuyện bằng giọng lạ, dọa nạt và dùng lời lẽ thô bạo khi nói về người chết, nhưng sau khi tỉnh dậy anh lại không nhớ bất cứ điều gì. Cuối cùng, gia đình đã khuyên Ono đến gặp sư trụ trì. Tại đây, nhờ đọc kinh Phật để xua đuổi linh hồn mà Ono sớm ổn định hơn.
Mặc dù không có câu trả lời rõ ràng cho những sự kiện siêu nhiên này, nhưng có lẽ việc nghiên cứu cẩn thận về mối quan hệ giữa thảm họa ở Nhật Bản với lĩnh vực tâm linh sẽ cho mọi người hình dung về những bóng ma sóng thần này.
Bóng ma sóng thần có phải chỉ những linh hồn vương vấn sự đau buồn?
Trên thực tế, trong văn hóa Thần đạo của Nhật Bản, linh hồn thật sự tồn tại. Nhiều người Nhật tin rằng vì sóng thần đã cướp những sinh mệnh chưa “tới số” nên họ không thể yên nghỉ và vẫn còn lang thang trên trần thế.
Cuộc thăm dò dư luận toàn cầu cho thấy Nhật Bản là một trong những quốc gia ít tôn giáo nhất. Parry nói: “Tuy nhiên, tôi không nhận ra việc thờ cúng tổ tiên và người đã khuất rất thiết thực. Một điều nữa tôi học được trong quá trình nghiên cứu đó là nỗi buồn và sự tổn thương của người Nhật thường được thể hiện một cách gián tiếp”.
Parry cho rằng Ono là một ví dụ cho điều này.
Mặc dù Kaneda đã trừ tà cho Ono và nhiều người khác đã tin rằng Ono trở thành nạn nhân của bóng ma sóng thần. Parry không tin hiện tượng siêu nhiên là nguồn gốc cho hiện tượng này, nhưng anh đồng ý với Kaneda rằng, những hồn ma không siêu thoát là có thật đối với bất kỳ ai đã từng thấy chúng. Trong trường hợp này, chúng ta cần xem xét mọi thứ một cách nghiêm túc.
Kaneda từng nói với Parry rằng: “Bạn có tin vào linh hồn không siêu thoát hay không không quan trọng, nhưng nỗi đau và sự thống khổ là có thật. Vì vậy, điều quan trọng là mọi người cần bày tỏ sự chân thành và niềm tin đối với những người đã nhìn thấy bóng ma”.
Parry đưa ra giả thuyết rằng hiện tượng bóng ma sóng thần thể hiện nỗi đau của một đất nước khi phải trải qua một thảm họa kinh khủng khiến nhiều người thiệt mạng.
Và các thị trấn ven biển trên khắp Nhật Bản đã thực sự tìm ra một cách để xoa dịu nỗi đau của mọi người. Ví dụ như thị trấn Otsuchi đã lắp một bốt điện thoại có tên là "Wind Phone" đặt trên một ngọn đồi nhỏ nhìn ra biển, để những người trải qua nỗi đau có thể bày tỏ sự đau lòng của mình.
Theo Tiến sĩ Charles R. Figley thuộc Trường Công tác Xã hội tại Đại học Tulane ở Mỹ cho biết, khi mọi người đang cùng chịu một tổn thương nào đó, họ thường có nhiều phản ứng tập thể kỳ lạ:
“Những người sống sót sau thảm họa mất mát hoặc di cư thường có những phản ứng lạ bao gồm chứng kiến các hiện tượng siêu nhiên, nghe thấy âm thanh lạ hoặc ngửi thấy mùi bất thường. Và đương nhiên đối với một số người, so với việc biến mất hoàn toàn sau khi chết thì bóng ma rõ ràng là sự lựa chọn tốt hơn”.
(Nguồn: Zhihu)
Theo Tiểu Lương (Pháp luật và Bạn đọc)