Trước đại dịch Covid-19, Indonesia từng là thị trường hàng không cực kỳ bận rộn, thuộc top đầu thế giới. Thế rồi đột nhiên, bầu trời đất nước không có nổi một chiếc máy bay cất cánh. Cơ trưởng Afwan - một phi công đầy kinh nghiệm với dòng Boeing 737 - vì thế phải chờ đợi, giống như bao người khác.
Afwan từ lâu đã rất được ngưỡng mộ, bởi ông có tới 30 năm kinh nghiệm lái. Nhưng trong đại dịch, ông phải đốt thời gian bằng những chiếc máy mô phỏng, nhằm đảm bảo phi công có số giờ bay tối thiểu để giữ bằng.
Rồi ngày 9/1 định mệnh ập đến. Chuyến bay mang số hiệu 182 của Sriwijaya Air do cơ trưởng Afwan cầm lái đã rơi xuống biển Java chỉ vài phút sau khi cất cánh trong tiết trời mưa nặng hạt. Chiếc Boeing 737-500 mang theo 62 người, bao gồm hơn 50 hành khách cùng phi hành đoàn.
Đất nước có đường bay "bận rộn" và... nguy hiểm nhất
Chiều ngày 10/1, các thợ lặn đã thu thập được một số mảnh vỡ từ chiếc máy bay tại vùng nước phía Tây Bắc Jakarta. Chúng bao gồm nhiều mảnh thân máy bay, bánh xe, quần áo trẻ em úng nước. Có khoảng 10 trẻ em và trẻ sơ sinh có mặt trên chuyến bay định mệnh, vốn dự tính sẽ hạ cánh sau khoảng 90 phút di chuyển từ Jakarta về Pontianak.
Nhà chức trách tại Indonesia thừa nhận rằng họ không hy vọng có người sống sót. Đất nước rộng lớn đã bắt đầu năm mới theo cái cách không thể tệ hơn, sau khi chỉ mới trải qua một năm không có bất kỳ vụ tai nạn hàng không nào. Trên thực tế, những người trong ngành nhận định ngành hàng không của Indonesia đã tăng trưởng quá nhanh, dẫn đến chuyện các tiêu chuẩn an toàn không thể theo kịp.
Nguyên nhân khiến chiếc Boeing 737-500 mất độ cao tới 3000m chỉ trong 1 phút vẫn chưa được làm rõ. Các nhà điều tra cho biết họ xác nhận được vị trí rơi tại vùng nước thuộc quần đảo Thousands, và hy vọng sẽ thu thập được 2 hộp đen sớm nhất có thể. Dẫu vậy, có thể phải mất hàng tháng trời để kết hợp các dữ liệu - từ điều kiện thời tiết, việc bảo trì máy bay cho tới quyết định của phi hành đoàn - mới có thể kết luận được toàn bộ sự việc.
Nurcahyo Utomo, chuyên gia thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia cho biết dựa trên các dữ liệu sẵn có, nhiều khả năng chiếc máy bay chỉ vỡ ra khi va chạm với mặt nước, thay vì phát nổ giữa không trung.
Nhưng dù thế nào, cũng không thể chối bỏ sự thật rằng ngành hàng không của Indonesia nằm trong top nguy hiểm nhất thế giới, dựa trên lịch sử quy định kém an toàn trong nhiều năm. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 cũng vô tình khiến nỗ lực phục hồi danh tiếng và tổn thất tài chính của ngành thêm phần phức tạp hơn.
Bóng ma đứng sau tai nạn: Covid-19
Việc hạn chế di chuyển vì Covid-19 đã khiến các phi công gặp rất nhiều khó khăn để duy trì kỹ năng của mình. Đó là kể cả khi họ được rèn luyện trong các thiết bị mô phỏng, bởi lẽ Sriwijaya Air cũng chỉ có 2 thiết bị dành cho mẫu máy bay 737 đời cũ mà thôi.
Rama Noya - Chủ tịch Hiệp hội Phi công Indonesia, đồng thời cũng là một cơ trưởng cho hãng Sriwijaya Air cho biết cảm giác khi bay trở lại sau cả tháng trời tạm ngưng là cực kỳ lạ lẫm. Và ông chẳng hề cô đơn, khi đây là tình cảnh chung của đại đa số phi công trên thế giới.
"Đây là mối lo ngại của toàn bộ các quốc gia trên thế giới ở thời điểm hiện tại," - Gery Soejatman, chuyên gia hàng không Indonesia cho biết.
Với các hãng bay giá rẻ có tỉ suất lợi nhuận thấp, việc lưu lượng bay giảm vì đại dịch đã mang đến hậu quả lớn hơn. Sriwijaya Air - hãng hàng không được thành lập vào năm 2003, thời điểm ngành hàng không Indonesia bùng nổ - vốn đã ngập sâu trong nợ nần từ trước khi Covid-19 ập đến. Các thỏa thuận hợp tác cùng hãng bay khác nhằm cứu vãn nguồn vốn đã thất bại, dù trước kia Sriwijaya chưa từng gặp bất kỳ sự cố nào về người.
"Động lực của phi hành đoàn cũng rất thấp do lương bị cắt giảm vì đại dịch. Cộng với giờ bay trong tháng thấp, nỗi lo về khả năng của phi hành đoàn là hiện hữu," - ông Soejatman chia sẻ.
Trước đại dịch, các phi công Indonesia - đặc biệt là tại các hãng giá rẻ như Lion Air - cho biết họ phải chịu áp lực lái những chiếc máy bay thiếu an toàn. Những lời phàn nàn liên quan đến quá tải công việc và lương thấp là rất phổ biến.
Lịch sử đen tối của ngành hàng không Indonesia
Một loạt các trường hợp máy bay rơi gây chết người đã khiến châu Âu tiến hành cấm một số hãng bay tại Indonesia trong nhiều năm. Như năm 1997, 234 người đã chết trong một chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Garuda, sau khi máy bay của hãng rơi gần thành phố Medan. Năm 2014, 162 hành khách của AirAsia cũng thiệt mạng trên biển Java.
Năm 2018, chiếc 737 Max của Lion Air cũng rơi xuống biển Java. Vài tháng sau, một chiếc 737 Max khác đã rơi ở Ethiopia, khiến toàn thế giới ra lệnh đình chỉ với mẫu máy bay này, cho đến thời điểm cuối năm 2020.
Chiếc máy bay mới gặp họa của hãng Sriwijaya Air không phải mẫu Max, cũng không gặp bất kỳ vấn đề nào trong thiết kế hay phần mềm. Afwan - theo lời kể của đồng nghiệp - cũng là một phi công rất giàu kinh nghiệm.
Chiếc 737-500 mà cơ trưởng Afwan đã lái trong chuyến bay định mệnh thuộc dòng 737-500, một mẫu đã cũ, nghĩa là đã được kiểm chứng về các lỗi hệ thống qua thời gian. Tuy nhiên, chiếc máy bay ấy đã vận hành hơn 26 năm - một con số đủ để yêu cầu bảo trì thường xuyên mới có thể vận hành tốt.
Hãng Sriwijaya mới chỉ bay được khoảng 1/4 hiệu suất trong đại dịch vừa qua. Các nhà chức trách đã cảnh báo một số mẫu Boeing 737 cần phải kiểm tra lại khả năng van khí bị ăn mòn, nếu không bay trong nhiều tuần.
"Chúng tôi không rõ tình trạng của máy bay sau khi bị giam lại sau nhiều tháng," - cơ trưởng Koko cho biết.
Theo J.D (Pháp luật & Bạn đọc)