Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 20/9 dẫn lời Thủ tướng Malaysia, Ismail Sabri Yaakob cho biết Chính phủ nước này đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và đang nỗ lực thông qua tất cả các kênh hiện có để có thể đảm bảo đưa được các công dân nước này hồi hương an toàn.
"Đồng thời, tôi cũng khuyên các gia đình Malaysia có công dân đi lao động ở nước ngoài cần luôn cảnh giác với các lời giới thiệu hay đề nghị.", ông Ismail Sabri Yaakob phát biểu đồng thời đưa ra lời khuyên với mọi công dân nên kiểm tra tính xác thực của những đề nghị việc làm từ nước ngoài thông qua Bộ ngoại giao.
Thời gian qua, các trung tâm lừa đảo việc làm tại các sòng bạc khét tiếng tại tỉnh Sihanoukville của Campuchia hay quanh các Casino tại Lào và Myanmar đang kiếm về hàng chục triệu USD mỗi tuần từ túi của những người dân sinh sống khắp Châu Á với các chiêu thức về kế hoạch đầu tư giả mạo hay lừa tình trên mạng.
Những nhóm này nằm dưới tay của hầu hết các tổ chức xã hội đen có nguồn gốc bởi các ông chủ người Trung Quốc và được vận hành bởi bàn tay của những công nhân tới từ khắp Châu Á như Hongkong, Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan. Rất nhiều người đã tìm đến những công việc này chỉ vì tin vào những lời hứa hứa về một công việc ổn định với thu nhập ổn định để rồi trở thành những "lao động nô lệ" và ngập đầu trong nợ nần đến mức không thể rời đi nếu như không trả đủ tiền chuộc.
Ông Hishamuddin Hashim, Tổng thư ký Tổ chức Nhân đạo Quốc tế Malaysia trong một bài đăng trên SCMP cho biết: "Chúng ta muốn chờ đợi đến bao giờ? Hiện chúng ta đã phải đón nhận một trường hợp tử vong cụ thể, nhưng còn biết bao trường hợp tử vong ngoài kia mà chúng ta không biết ?"
"Liệu chúng ta sẽ chờ đến khi nhận về 100 hay 1000 thi thể rồi mới hành động ?" Ông Hishamuddin Hashim tiếp tục.
Goi Zhen Feng, 23 tuổi, giáo viên thực tập người Malaysia đã được hỏa táng vào tuần trước sau khi anh đến Thái Lan vào tháng Giêng để gặp một người bạn gái quen qua mạng, nhưng sau đó bị lừa vào làm việc cho các mạng lưới lừa đảo ở Myanmar.
Đoạn video về lễ hỏa táng của Goi do cha mẹ anh cung cấp đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên khắp đất nước vì sự trì trệ của chính phủ trong việc giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt rải khắp các quốc gia vùng sông Mekong.
Ngày 19/9, một cuộc biểu tình ôn hòa đã diễn ra bên ngoài văn phòng Thủ tướng Malaysia kêu gọi chính phủ cần có những hành động can thiệp và hợp tác với các nước trong khối Asean như Campuachia, Lào và Myanmar để giúp người dân có thể tránh được những vụ lừa đảo xuyên biên giới. Được biết, Campuachia, đất nước hiện là điểm đen về vấn nạn lừa đảo trực tuyến sẽ tổ chức một cuộc họp cấp cao trong khối ASEAN vào đầu tháng 10 tới đây.
SCMP đưa tin, Goi đã chết trong cô độc hôm 11/5 tại một bệnh viện thị trấn Mae Sot ở biên giới miền tây Thái Lan sau nhiều tuần bị cưỡng bức lao động tại khu phức hợp sòng bạc KK Park khét tiếng. Theo các quan chức Malaysia, cái chết của Goi một phần là do bị những kẻ giam giữ bạo hành, nhưng điều này cũng phản ánh tình trạng bóc lột, buôn bán và bạo lực kinh hoàng bên trong các trung tâm lừa đảo qua điện thoại.
Sim Chon Siang, một nghị sĩ đến từ bang Pahang, đã giúp cha mẹ Goi tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với con trai họ cho biết: “Việc công khai câu chuyện của Goi đã gây áp lực lên chính phủ để xem xét vấn đề nghiêm túc hơn."
Thời gian gần đây, Chính phủ Campuchia cũng đã tổ chức các đợt truy quét mạnh mẽ nhắm vào các tổ chức đánh bạc trực tuyến ở tỉnh Sihanoukville. Tuy nhiên giới chức xứ Chùa Tháp cũng cảnh báo các tổ chức xã hội đen ở nước này đang chuyển địa bàn sang các nước khác trong khu vực.
Về vấn đề hợp tác với Malaysia, tờ SCMP đăng tải, đến thời điểm hiện tại các quan chức Campuchia chưa đưa ra bình luận còn các cuộc gọi đến đại sứ quán Myanmar và Lào ở Kuala Lumpur vẫn chưa được trả lời. Trong khi đó tính đến ngày 2/9, các nhà chức trách Malaysia cho biết họ đã nhận được báo cáo về 195 người Malaysia bị bắt trong các vụ lừa đảo việc làm ở nước ngoài.
Nhiều nạn nhân đã được giải cứu khỏi Campuchia cho đến nay, nhưng có những lo ngại cho rằng hàng trăm người khác vẫn đang bị mắc kẹt và có thể không được xác định tại các sòng bạc ở biên giới với Myanmar, nơi có tình hình chính trị bất ổn nhất khu vực Đông Nam Á.
Khoo Poay Tiong, một nghị sĩ thuộc Đảng đối lập Malaysia cho biết các gia đình có nạn nhân tại nước ngoài thường có rất ít thông tin về nơi người thân của họ làm việc ngay cả khi họ có nhận được điện thoại người nhà xác nhận rằng đã tới nơi.
Ông Khoo cho biết, chính phủ của nước này cần phải quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn những vụ lừa đảo như vậy tái diễn, và Malaysia có thể học theo cách mà Đài Loan đang nỗ lực thực hiện như phát bản tin ngắn trên những chuyến bay thương mại để cảnh báo hành khách về những quốc gia tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lừa đảo việc làm, và những rủi ro tiềm tàng sau những lời hứa hẹn việc nhẹ lương cao ở nước ngoài, SCMP đăng tải.
“Ít nhất hãy đưa ra lời cảnh báo và cố gắng thuyết phục người dân đừng đi… chính phủ phải thực hiện nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức hơn nữa để giáo dục những người trẻ cần cẩn thận và không rơi vào những cái bẫy như vậy,” ông nói.
QT (Nguoiduatin.vn)