Bóng đen bê bối đã trở lại Tập đoàn Samsung sau khi người phát ngôn của nhóm công tố viên đặc biệt Lee Kyu-chul thông báo quyết định truy tố Phó Chủ tịch tập đoàn Lee Jae-yong và 4 giám đốc về nhiều tội danh bao gồm hối lộ và tham ô.
Hãng tin Yonhap cho biết, hôm 28-2, tức sau hơn 3 tháng điều tra, tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã kết thúc phiên xem xét cuối cùng về vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye - vụ bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử chính trường Hàn Quốc.
Người phát ngôn của nhóm công tố viên đặc biệt Lee Kyu-chul cho biết, bà Park Geun-hye bị cáo buộc đã câu kết với người bạn lâu năm là bà Choi Soon-sil để nhận hối lộ từ tập đoàn Samsung - tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc - nhằm đổi lấy những ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Cùng với việc xác định Tổng thống bị luận tội là nghi phạm tham nhũng, tòa án này cũng công bố luôn quyết định truy tố Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong và 4 giám đốc về nhiều tội danh bao gồm hối lộ, tham ô, che giấu tài sản ở nước ngoài và khai man trước tòa.
Vì liên quan đến bê bối của Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã bị bắt giữ hôm 17-2 và bị truy tố chỉ 10 ngày sau đó. Ảnh: Getty. |
Trước đó ngày 17-2, Tòa án Trung tâm quận Seoul đã ban bố quyết định bắt giữ ông Lee Jae-yong sau những cáo buộc về hối lộ, nhằm phục vụ công tác điều tra vụ bê bối chính trị liên quan tới Tổng thống đang bị luận tội Park Geun-hye. Cáo trạng ghi rõ, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-Yong được cho là đã chi gần 43 triệu USD tiền hối lộ cho bà Choi Soon-sil, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Quỹ Hưu trí Nhà nước trong phi vụ sáp nhập 2 chi nhánh của Samsung là Samsung C&T và Cheil Industries hồi năm 2015.
Cụ thể, số tiền nói trên đã được chuyển cho 2 tổ chức phi lợi nhuận ở Hàn Quốc và một công ty có trụ sở tại Đức đều do bà Choi Soon-sil thành lập. Vụ sáp nhập 2 chi nhánh của Samsung được xem là quan trọng để chuyển giao quyền lực suôn sẻ từ Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee cho Lee Jae-yong, lãnh đạo trên thực tế của Tập đoàn này từ tháng 5-2014.
Theo luật pháp Hàn Quốc, 10 ngày sau khi bị bắt và giam giữ tại Trại tạm giam Seoul, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã bị truy tố và sẽ được đưa ra xét xử trong một vài tháng tới.
Năm nay 48 tuổi, ông Lee Jae-yong là Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung và là một trong những cổ đông chính của dịch vụ tài chính công ty con của Samsung, sở hữu 11% của Samsung SDS. Hãng Reuters cho hay, từ vị trí “Thái tử của Tập đoàn Samsung”, có quyền “hét ra lửa”, nay, ông Lee Jae-yong bị nhốt trong một phòng giam 6,56m2 với nhà vệ sinh bên trong góc phòng.
Cũng theo nguồn tin này thì ông Lee Jae-yong là thế hệ thứ 3 trong gia đình lãnh đạo tập đoàn Samsung và đang sở hữu khối tài sản lên tới 6,2 tỷ USD gồm cả căn biệt thự trị giá 4 triệu USD. Cha của Lee Jae-yong là Lee Kun-hee đã về hưu sau khi lên cơn đau tim vào năm 2014.
Samsung là một tập đoàn đa ngành, từ điện tử, đóng tàu đến nhiều ngành công nghiệp khác phủ khắp nền kinh tế Hàn Quốc. Trang CNN Money từng viết rằng, ảnh hưởng của Samsung ở Hàn Quốc len lỏi đến mọi ngóc ngách đời sống của người dân nước này và các công ty con của Samsung thì chiếm hơn 20% toàn bộ giá trị vốn hóa của Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Ước tính, toàn bộ tập đoàn Samsung chiếm khoảng 15% nền kinh tế Hàn Quốc.
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì với tuổi đời 80 năm, tập đoàn Samsung cũng đã trải qua nhiều bước thăng trầm và đặc biệt là chứng kiến nhiều vụ bê bối. Việc Phó Chủ tịch Lee Jae-yong bị bắt và truy tố chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến uy tín của tập đoàn đi xuống và buộc chính phủ Hàn Quốc phải xem xét lại những chính sách được cho là ưu ái đối với các chaebol.
Tờ Korean Times cho hay, trước khi xảy ra bê bối của Phó Chủ tịch Lee Jae-yong, tập đoàn Samsung đã phải chấp nhận thu hồi 2,5 triệu Galaxy Note 7 do nguy cơ cháy nổ, thiệt hại rất lớn về vật chất và mất sự tin tưởng của khách hàng. Tháng 6 - 2016, Chủ tịch tập đoàn, người đang được điều trị tại bệnh viện, ông Lee Kun-hee thì bị cáo buộc trong một bê bối tình dục.
Trang tin điện tử Newstapa của Hàn Quốc khi đó đăng một đoạn video cho thấy ông Lee Kun-hee trả tiền cho gái bán dâm tại nhà riêng. Theo trang tin điện tử này, đoạn video nói trên dài tới 7 tiếng và được thực hiện dựa trên 5 vụ việc mua dâm xảy ra từ tháng 11-2011 đến tháng 6-2013 tại tư gia của ông Lee Kun-hee ở khu Samseong-dong và căn hộ bí mật ở khu Nonhyeon-dong, phía Nam thủ đô Seoul. Những người phụ nữ có quan hệ tình dục với Chủ tịch Samsung đều ở độ tuổi từ 20-30 tuổi và đã được trả khoản tiền là 5 triệu won.
Đáng chú ý là 10 năm trước khi bị cáo buộc mua dâm, Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee từng bị điều tra vì liên quan đến hành động bất hợp pháp khi chuyển giao quyền điều hành tập đoàn cho con trai, mua bán cổ phiếu trong các công ty con. Và chỉ 2 năm sau, tức là vào năm 2008, ông Lee Kun-hee lại bị truy tố về tội trốn thuế, thất tín trong khi điều hành tập đoàn.
Sóng gió đối với Tập đoàn Samsung chỉ trôi qua khi ông Lee Kun-hee một lần nữa được hưởng ân xá đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc vào năm 2009. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng và bê bối lớn như hiện nay, người ta đang lo ngại Samsung khó mà đứng vững trên thương trường. Đó là chưa kể khả năng tập đoàn này sẽ rơi vào tình trạng tranh giành quyền lực.
Theo Chi Anh (CAND Online)