Không quân Mỹ thử nghiệm bom B61-12 ở sa mạc Nevada hồi tháng 10. Ảnh: NNSA |
Theo Tech Insider, B61-12 là loại vũ khí hạt nhân mới trị giá khoảng 8,1 tỷ USD. Tuy nhiên, loại bom đắt tiền mới này trị giá chưa đầy một phần trăm trong ngân sách 1.000 tỷ USD dành cho cải tiến kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Quan chức nước Mỹ nói rằng, chương trình này sẽ thực sự đem lại hiệu quả trong việc cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại có quan điểm ngược lại, cho rằng nó sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ khi hạt nhân tiếp theo trên toàn cầu.
"Bom trọng lực" B61-12 là loại bom rơi tự do không sử dụng bất cứ thiết bị dẫn đường hiện đại nào. Loại bom này được nâng cấp phần đuôi và cải tiến từ một số bộ phận của các loại bom khác, sẽ thay thế ít nhất 4 loại bom hạt nhân khác khi hoàn thiện.
Trong cuộc thử nghiệm hồi tháng 10, chiến đấu cơ F-15E của Không quân Mỹ thả quả bom B61-12 mới vào mục tiêu định sẵn trên sa mạc, với độ chính xác gần như tuyệt đối. Đây là bước cải tiến đáng kể vì một vị tướng hàng đầu của quân đội Mỹ năm 2004 từng nói rằng, không thể quá kỳ vọng vào việc thả chính xác một quả bom nguyên tử từ không trung.
Trước đây, học thuyết hạt nhân cho rằng những loại vũ khí nguyên tử cần phải gây được thiệt hại trên bán kính lớn, để bù đắp cho sự thiếu chính xác. Tuy nhiên, loại bom thế hệ mới đã khắc phục được điều này.
Mặc dù Mỹ và Nga có thể cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân, nhưng các chuyên gia cho rằng, thế hệ bom thông minh mới thậm chí còn nguy hiểm hơn, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu.
"Moscow đã lường trước việc nâng cấp đầu đạn thế hệ mới là mối đe dọa và là một cuộc chạy đua vũ trang", Nikolai Sokov, thành viên cao cấp tại Trung tâm James Martin - chuyên nghiên cứu về hạn chế vũ khí hủy diệt, nhận xét.
Theo Sokov, việc nâng cấp một quả bom như B61-12 có thể khiến Nga đưa thêm nhiều tàu ngầm có tên lửa hành trình tuần tra quanh biển Baltic, hoặc đặt những hệ thống tên lửa tầm gần ở gần Ba Lan, nhằm đối phó với mối đe dọa từ hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ và NATO.
"Họ (Nga) duy trì áp lực liên tục, để chứng tỏ ảnh hưởng của mình", Rokas Masiulis, bộ trưởng năng lượng Litva nhận xét về các cuộc tập trận của hải quân Nga trên biển Baltic.
Trong khi Mỹ cùng lúc hiện đại hóa vũ khí và cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân, khó dự đoán được Nga có hành động tương tự hay không, Sokov nhận định. Theo ông, điện Kremlin đã đầu tư thời gian và công sức vào nghiên cứu các loại vũ khí tầm xa thông thường có độ chính xác cao, chẳng hạn như bom phi hạt nhân đang trở nên hữu dụng hơn. Nga đã sử dụng loại bom này trong chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
"Tôi cho rằng tương lai có vẻ khá ảm đạm. Nga đang sử dụng những loại vũ khí hiện đại (phi hạt nhân) để đối phó với NATO", Sokov nói, lưu ý rằng, một số nước đồng minh có thể vận động để NATO triển khai vũ khí hạt nhân gần biên giới Nga hơn, điều sẽ khiến Moscow tức giận.
Năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev ký kết hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân START mới, ràng buộc Nga và Mỹ chỉ được phép sở hữu 1.550 đầu đạn hạt nhân đã triển khai cho đến năm 2018.
Thời điểm đó, Mỹ có gần 2.000 đầu đạn hạt nhân được triển khai, trong khi Nga có khoảng 2.600, theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí. Để đạt được mục tiêu trên, Mỹ đang tháo dỡ hoặc đưa vào kho lưu trữ một số đầu đạn hạt nhân (ở đó, số đạn này sẽ không bị coi là "đã triển khai" nữa). Tuy nhiên, vẫn còn một số bom hạt nhân nữa đang trong giai đoạn "kéo dài" - được cải tiến và nâng cấp những bộ phận cũ, trong đó có bom B61-12.
Chiến lược này giúp Mỹ cắt giảm số lượng bom hạt nhân và sức mạnh hủy diệt của chúng, trong khi vẫn duy trì được khía cạnh "kỹ thuật". Ngoài ra, những loại bom được nâng cấp như B61-12 sẽ phù hợp với các chiến đấu cơ thế hệ mới như F-35 Lightning.
Loại bom trọng lực mới chỉ là một trong số nhiều vũ khí hạt nhân Mỹ hiện có, trong đó bao gồm nhiều loại đầu đạn gắn vào tên lửa phóng từ mặt đất hoặc tàu ngầm. Khoảng 200 vũ khí hạt nhân phóng từ máy bay đã được Mỹ và NATO triển khai ở châu Âu, đều là các biến thể của B61.
"Chúng tôi thấy rõ rằng, một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân kết hợp vũ khí thông thường sẽ xảy ra ở châu Âu trong tương lai gần và có thể sẽ kéo dài", Sokov nói.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: Wikipedia |
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)