Boeing chi 1,1 tỷ USD, thoát truy tố hình sự hai vụ tai nạn máy bay khiến 346 người chết

24/05/2025 20:35:58

Theo tin tức từ phía truyền thông, DOJ xác nhận Boeing sẽ phải trả tổng cộng hơn 1,1 tỷ USD cho hai vụ tai nạn máy bay khiến 346 người chết.

Bộ Tư pháp Mỹ vừa đạt được một thỏa thuận gây tranh cãi với Tập đoàn Boeing, cho phép nhà sản xuất máy bay khổng lồ này tránh bị truy tố hình sự liên quan đến hai vụ tai nạn Boeing 737 Max khiến 346 người thiệt mạng. Động thái này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các gia đình nạn nhân.

Boeing chi 1,1 tỷ USD, thoát truy tố hình sự hai vụ tai nạn máy bay khiến 346 người chết
Boeing tránh được truy tố hình sự hai vụ tai nạn máy bay khiến 346 người chết nếu đạt được thỏa thuận chính thức với Bộ Tư pháp Mỹ. Ảnh: CDHK

Thỏa thuận gây xôn xao

Sau nhiều năm điều tra và tranh tụng về hai vụ tai nạn bi thảm của dòng máy bay Boeing 737 Max vào năm 2018 và 2019 tại Indonesia và Ethiopia, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã công bố một thỏa thuận sơ bộ với Boeing vào ngày 23/5 (giờ địa phương). Thỏa thuận này sẽ miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với Boeing, đổi lại là các khoản bồi thường và cam kết tăng cường an toàn từ phía công ty.

Theo tin tức từ phía truyền thông, DOJ xác nhận Boeing sẽ phải trả tổng cộng hơn 1,1 tỷ USD. Khoản tiền này bao gồm một quỹ bồi thường bổ sung trị giá 445 triệu USD cho các gia đình nạn nhân cùng với khoản tiền phạt 243,6 triệu USD. Ngoài ra, thỏa thuận yêu cầu Boeing phải đầu tư 445 triệu USD để cải thiện quy trình tuân thủ, an toàn và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người, đặc biệt là các gia đình nạn nhân cảm thấy phẫn nộ là việc thỏa thuận này cho phép Boeing tránh bị mang tiếng là một "tội phạm hình sự". Gia đình các nạn nhân cho rằng hành vi sai sót của Boeing đã đánh lừa các cơ quan quản lý về hệ thống kiểm soát bay MCAS trên chiếc 737 Max mà sai sót này lại trực tiếp dẫn đến cái chết của 346 người, Boeing lẽ ra phải bị đưa ra xét xử hình sự.

Sự phẫn nộ từ các gia đình các nạn nhân

Luật sư Paul Cassell, đại diện cho một số gia đình nạn nhân, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này. Ông mô tả đây là một "thỏa thuận không truy tố chưa từng có tiền lệ" và "rõ ràng không phù hợp với tội ác doanh nghiệp trong lịch sử Mỹ". Ông Cassell bày tỏ hy vọng rằng tòa án sẽ bác bỏ thỏa thuận sơ bộ này, Boeing phải đối mặt với trách nhiệm hình sự đầy đủ trước pháp luật.

Theo DOJ, thỏa thuận yêu cầu Boeing tiếp tục tăng cường các cơ chế tuân thủ chống gian lận và đạo đức trong nội bộ công ty. Boeing cũng sẽ phải thuê một cố vấn độc lập để giám sát các nỗ lực cải thiện này. DOJ tuyên bố rằng họ tin đây là "kết quả công bằng nhất, mang lại lợi ích thiết thực". DOJ dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận bằng văn bản và trình cho Boeing trước cuối tuần tới. Đáng chú ý, Boeing cũng sẽ không còn chịu sự giám sát của một giám sát viên độc lập.

Trước đó, truyền thông cũng đã đưa tin về khả năng Boeing đạt được thỏa thuận sơ bộ không truy tố với chính phủ, tránh được phiên tòa hình sự về tội gian lận dự kiến mở vào ngày 23/6 sắp tới. Phiên tòa này sẽ xoay quanh cáo buộc Boeing đã cố tình che giấu thông tin về hệ thống MCAS với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), dẫn đến việc cấp phép khai thác cho dòng 737 Max mà không có đầy đủ biện pháp an toàn cần thiết.

Thỏa thuận này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến pháp lý kéo dài liên quan đến các vụ tai nạn 737 Max. Tuy nhiên, việc Boeing thoát khỏi truy tố hình sự chắc chắn sẽ tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi và phẫn nộ, đặc biệt đối với những người đã mất đi người thân trong hai thảm kịch hàng không này. Boeing hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về thỏa thuận mới nhất với Bộ Tư pháp Mỹ.

Theo Lê Nguyên (SHTT)