'Bộ tứ quyền lực' công nghệ bị công kích

30/07/2020 09:31:45

4 đại gia công nghệ Facebook, Amazon, Google và Apple đang hứng chịu những công kích từ chính trường Mỹ đến châu Âu

Ngày 29-7, 4 giám đốc điều hành (CEO) của Facebook, Amazon, Google và Apple ra điều trần trước Quốc hội Mỹ với các cáo buộc liên quan đến hành vi độc quyền trong lĩnh vực công nghệ.

"Nghiền nát" đối thủ

"Bộ tứ quyền lực" công nghệ Mỹ này gồm: người giàu nhất thế giới Jeff Bezos (Amazon), người giàu thứ tư thế giới Mark Zuckerberg (Facebook), ông Sundar Pichai (Google) và ông Tim Cook (Apple). Họ sở hữu hàng triệu, thậm chí hàng tỉ khách hàng, với tổng giá trị doanh nghiệp cao hơn cả nền kinh tế Đức.

Ngành công nghiệp của họ đã thay đổi xã hội, kết nối con người trên toàn thế giới, khai thác và thương mại hóa dữ liệu người dùng. Sức ảnh hưởng quá lớn khiến phe chỉ trích đặt câu hỏi: Liệu 4 công ty của các CEO này sở hữu quyền lực ngày một gia tăng sau quá trình "nghiền nát" đối thủ, kìm hãm cạnh tranh và đổi mới, có gia tăng chi phí đối với người dùng và gây nguy hiểm đối với xã hội hay không?

Xuyên suốt quá trình điều tra, Tiểu ban Chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã nghiên cứu hơn 1 triệu tài liệu nội bộ; thu thập lời khai từ quản lý điều hành cấp trung của bộ tứ nêu trên cũng như từ các đối thủ của họ và giới chuyên gia pháp lý. Theo hãng tin AP, câu hỏi được quan tâm nhất là: Liệu những chính sách về cạnh tranh hiện hành và những quy định về chống độc quyền đã tồn tại lâu đời có phù hợp để giám sát 4 công ty nêu trên không, hay liệu cần phải có thêm một đạo luật mới?

'Bộ tứ quyền lực' công nghệ bị công kích
Tỉ phú Jeff Bezos (trái) cùng CEO Apple Tim Cook, CEO Google Sundar Pichai và CEO Facebook Mark Zuckerberg Ảnh: AP

Nhóm này đang đối mặt với những công kích về mặt pháp lý lẫn chính trị trên nhiều mặt trận, từ Quốc hội, chính quyền Tổng thống Donald Trump, các cơ quan quản lý cấp bang và liên bang đến các nhóm giám sát châu Âu. Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã điều tra hành vi thương mại của họ.

Với tỉ phú Bezos, đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước Quốc hội. Ban đầu, người đàn ông 56 tuổi này từ chối điều trần nếu không thể xuất hiện cùng 3 CEO nêu trên.

Phủ nhận cáo buộc

Theo một cuộc điều tra của báo The Wall Street Journal, nhân viên của Amazon đã sử dụng dữ liệu mật thu thập từ những người bán hàng trên thị trường trực tuyến của họ để phát triển những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Trong phiên điều trần trước đó, một quản lý cấp cao của Amazon đã phủ nhận cáo buộc này.

Trong khi đó, trước làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc liên quan đến cái chết của George Floyd - người đàn ông da màu thiệt mạng sau khi bị một cảnh sát da trắng dùng gối chèn cổ - cách thức giải quyết những phát ngôn thù hận của Facebook thời gian qua nhận nhiều chỉ trích hơn so với những vấn đề liên quan đến cạnh tranh và quyền riêng tư. Đặc biệt là sau khi trang mạng xã hội này từ chối xóa những bài đăng của Tổng thống Donald Trump bị phe chỉ trích cho là khuyến khích bạo lực nhằm vào người biểu tình. Theo lập luận của ông Zuckerberg, Facebook hoạt động với phương châm cho phép người dùng trình bày quan điểm tự do nhất có thể, miễn là hành động của họ không gây rủi ro về một tác hại hay thiệt hại cụ thể.

"Tôi thấu hiểu những nỗi lo về quyền lực của các công ty công nghệ. Sau cùng, tôi tin các công ty không nên tự đưa ra quá nhiều phán xét về những vấn đề quan trọng như nội dung độc hại, quyền riêng tư và tính toàn vẹn của bầu cử. Đó là lý do tôi kêu gọi các chính phủ và các cơ quan quản lý thực hiện vai trò tích cực hơn, cũng như cập nhật quy tắc về mạng internet" - tỉ phú Zuckerberg khẳng định.

Với cáo buộc Google thao túng công cụ tìm kiếm để đạt được lợi ích không công bằng trước những trang mua sắm trực tuyến khác trong thị trường thương mại điện tử, các cơ quan quản lý châu Âu đã phạt "ông trùm" công nghệ này số tiền kỷ lục 2,7 tỉ USD. Google đã bác bỏ cáo buộc này và đang kháng án.

Tại Mỹ, các tổng chưởng lý của hai đảng ở 50 bang và vùng lãnh thổ, dẫn đầu bởi Texas, đã tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Google hồi tháng 9, với nội dung xoay quanh vấn đề quảng cáo trực tuyến.

Còn Apple, công ty có iPhone là sản phẩm bán chạy thứ ba thế giới, đang đối mặt với cuộc điều tra của khối Liên minh châu Âu liên quan đến các khoản phí được tính bởi kho ứng dụng App Store, cũng như những hạn chế kỹ thuật bị nghi là cản trở những ứng dụng không dùng hệ thống thanh toán Apple Pay. 

Kiếm tiền nhiều hơn, nhanh hơn trong khủng hoảng Covid-19

Tỉ phú Jeff Bezos đã bỏ túi 63,6 tỉ USD trong năm nay. Có thời điểm trong tháng 7, tài sản của người đàn ông giàu nhất thế giới tăng thêm mức cao kỷ lục: 13 tỉ USD trong một ngày. Theo bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index (BBI), tài sản của nhà sáng lập Amazon có thể thiết lập cột mốc kỷ lục mới, hơn 200 tỉ USD.

Trong khi tỉ phú Mark Zuckerberg kiếm được 9,1 tỉ USD trong năm nay, CEO Tesla Elon Musk thu về 69,7 tỉ USD nhờ giá cổ phiếu công ty tăng mạnh, trở thành người kiếm được nhiều tiền nhất từ đầu năm. Như vậy, tổng tài sản của tỉ phú Bezos, Zuckerberg và Musk đã tăng thêm gần 159 tỉ USD trong năm nay. Thực tế, những người giàu nhất thế giới đang kiếm tiền nhiều hơn, nhanh hơn khi đại dịch Covid-19 đẩy mạnh xu hướng mua sắm trực tuyến. Tổng tài sản của các tỉ phú công nghệ trên BBI đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2016 đến nay, từ 751 tỉ USD lên 1.400 tỉ USD.

Theo Cao Lực (Nld.com.vn)