Bộ Tư pháp Mỹ tố Harvard phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á

31/08/2018 10:43:40

Đại học Harvard bị cho là sử dụng tiêu chí sắc tộc bất lợi cho nhóm ứng viên gốc Á nộp đơn nhập học, tuy nhiên Harvard đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Trong nỗ lực chấm dứt việc sử dụng tiêu chí sắc tộc trong tuyển sinh đại học, chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Đại học Harvard "cân bằng chủng tộc triệt để", đồng thời đứng về phía nhóm sinh viên gốc Á cáo buộc các trường thuộc hệ thống Ivy League phân biệt đối xử. 

Harvard đã bác bỏ mọi cáo buộc và cho biết trường sẽ bảo vệ quyền sử dụng tiêu chí sắc tộc trong tuyển sinh. 

Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét vụ kiện năm 2014 của Nhóm sinh viên vì Tuyển sinh công bằng. Tổ chức này khẳng định trường Harvard, một trong những đại học danh giá nhất thế giới, phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á. Các tiêu chí tuyển sinh của Đại học Harvard cũng được cho là "có thể mang thái độ phân biệt chủng tộc". 

Bộ Tư pháp Mỹ tố Harvard phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á
Harvard bị cho là phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á. Ảnh: AP.

Tòa án Tối cao Mỹ cho phép các trường đại học và cao đẳng sử dụng tiêu chí sắc tộc trong tuyển sinh, nhưng đồng thời quy định tiêu chí này chỉ được đưa ra trong thời hạn nhất định và phải được điều chỉnh để thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc trong môi trường học đường.

Các trường đồng thời phải chứng minh được lý do vì sao họ cho rằng tiêu chí chủng tộc phù hợp với quy trình tuyển sinh.

Các quan chức thuộc Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Đại học Harvard chưa giải thích được lý do sử dụng tiêu chí sắc tộc và chưa đưa ra được giải pháp nhằm điều chỉnh tiêu chí này theo hướng thúc đẩy sự đa dạng.

"Không một công dân Mỹ nào nên bị từ chối nhập học vì màu da", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions nói. 

Ông Sessions khẳng định việc sử dụng tiêu chí "đánh giá cá nhân", trong đó gồm nhiều yếu tố chủ quan như đánh một sinh viên là "người tốt" hoặc "dễ mến", có thể mang tính phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á.

Bộ trưởng Sessions cho biết Đại học Harvard thừa nhận họ chấm điểm cho sinh viên gốc Á thấp hơn so với những viên khác ở tiêu chí này. Ông đồng thời khẳng định nhân viên phụ trách việc tuyển sinh của Harvard thao túng quy trình tuyển sinh liên quan đến chủng tộc. 

Bộ Tư pháp Mỹ tố Harvard phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á - 1
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeff Sessions. Ảnh: Washington Post.

Harvard cho biết họ thất vọng khi Bộ Tư pháp “sử dụng các lập luận gây hiểu nhầm và giả dối, không chứng minh được điều gì ngoài sự nông cạn của vụ kiện nhằm vào Harvard".

"Đại học Harvard không phân biệt đối xử với sinh viên thuộc bất cứ thành phần nào, trường sẽ tiếp tục bảo vệ đến cùng quyền được sử dụng tiêu chí sắc tộc trong tuyển sinh, quy định được Tòa án Tối cao duy trì trong hơn 40 năm qua", AP dẫn thông báo của Harvard.

"Các trường đại học và cao đẳng có quyền tự do và linh hoạt trong việc tạo ra cộng đồng sinh viên đa dạng, điều vô cùng quan trọng cho trải nghiệm học tập của mọi sinh viên", Harvard khẳng định. 

Ông Edward Blum, người đứng đầu tổ chức khởi kiện Harvard, bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền. "Chúng tôi mong đợi việc sở hữu bằng chứng cho thấy Harvard tiếp tục kiểm duyệt thông tin trước công chúng Mỹ trong tương lai gần", ông nói. 

Bộ Tư pháp Mỹ tố Harvard phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á - 2
Ông Edward Blum, người đứng đầu Nhóm sinh viên vì Tuyển sinh công bằng, khẳng định Harvard đối xử không công bằng với sinh viên gốc Á. Ảnh: AP.

Hồi tháng 7, chính phủ Mỹ quyết định hủy bỏ quy định được đưa ra dưới thời cựu tổng thống Barack Obama nhằm hướng dẫn các trường đại học xem xét tiêu chí sắc tộc trong quy trình tuyển sinh, hướng đến sự đa dạng chủng tộc trong môi trường học đường. Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng chính quyền Trump đã tước bỏ sự bảo vệ đối với công đồng thiểu số. 

Trung tâm vì Cơ hội bình đẳng, viện nghiên cứu về vấn đề chủng tộc của Mỹ, dẫn tài liệu phân tích quy trình nhập học được chính Đại học Harvard đưa ra, khẳng định "việc là người gốc Phi, gốc Tây Ban Nha hoặc là người Mỹ bản địa là một điểm 'cộng' trong việc cạnh tranh giành suất nhập học, nhưng việc là người gốc Á lại là một điểm 'trừ'". 

Trong khi đó, nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người Mỹ gốc Á lại đứng ra bảo vệ Harvard. Hơn 500 học giả nghiên cứu về người Mỹ gốc Á và quy trình tuyển sinh đại học khẳng định vụ kiện nhắm vào Harvard không đưa ra được bằng chứng cho thấy đại học này phân biệt chủng tộc. 

Theo Chi Mai (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật