Ngày 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ bắt đầu chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á gồm Singapore, Việt Nam và Philippines. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thành viên nội các Mỹ đến Đông Nam Á kể từ khi ông Biden lên nắm quyền.
Mỹ sẽ cam kết hỗ trợ Đông Nam Á phục hồi sau đại dịch
Lý giải về việc chọn 3 quốc gia Đông Nam Á làm điểm dừng chân, Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Úc cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden đã xác định, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là cấu trúc ưu tiên chiến lược và nhấn mạnh sự quan trọng của việc xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác.
Hồi tháng 3, chính quyền Tổng thống Biden đưa ra Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời đã cam kết, Mỹ hợp tác cùng với Singapore và Việt Nam "cho các mục tiêu chung", trong khi Philippines là một đồng minh của Mỹ, nhưng mối quan hệ dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã trở nên căng thẳng và cần được điều chỉnh.
Tuy nhiên, những nỗ lực can dự với ASEAN dưới thời chính quyền Biden đã có một khởi đầu không tốt đẹp lắm khi cuộc họp vào ngày 25/5 giữa Ngoại trưởng Anthony Blinken và các Bộ trưởng ngoại giao của ASEAN đã phải bị hủy vài phút sau khi bắt đầu vì vấn đề kỹ thuật.
Còn vào tháng 6, theo dự kiến, đáng lẽ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ dừng chân tại Việt Nam trước khi tham dự Đối thoại Shangri-la tại Singapore từ ngày 4-5/6, nhưng chuyến đi này đã bị hủy bỏ do đại dịch COVID-19.
Do vậy, chuyến thăm của ông Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines lần này báo hiệu sự khởi động nhanh chóng của Mỹ trong việc can dự với Đông Nam Á, ông Carl Thayer nói.
Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu RAND (Mỹ) nhận định, cả 3 quốc gia này đều có lý do chính đáng để đưa vào lịch trình chuyến thăm. Rõ ràng, Singapore về cơ bản là một đồng minh trên thực tế của Mỹ do mối quan hệ an ninh chặt chẽ giữa hai quốc gia. Trong khi đó, động lực hơp tác với Việt Nam là khá đáng kể, từ sau năm 2015, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Mỹ.
Tại Việt Nam, các cuộc thảo luận của ông Austin với người đồng cấp Việt Nam và các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với sự ổn định và an ninh, cũng như hỗ trợ các quốc gia trong khu vực chống lại sự uy hiếp và bắt nạt trên Biển Đông.
GS Thayer, Đại học New South Wales
Dự báo về nội dung làm việc trong chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Carl Thayer cho rằng, chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ sẽ được "lộ diện" trong bài phát biểu của Bộ trưởng Austin tại Singapore; trong đó tái khẳng định Mỹ là một đối tác đáng tin cậy trong các vấn đề an ninh khu vực và sẽ hỗ trợ Đông Nam Á trong việc chống lại COVID-19 và phục hồi sau đại dịch.
Ông Austin sẽ nhắc lại cam kết của Mỹ đối với "một trật tự khu vực công bằng, cởi mở và bao trùm hơn" và tự do trên biển. Và đáng chú ý, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Austin sẽ giới thiệu về các kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm cập nhật và hiện đại hóa khả năng quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đề xuất các hợp tác song phương.
Cũng theo ông Thayer, phát biểu của Ngoại trưởng Austin tại cuộc họp báo trước khi lên đường cho thấy rằng Biển Đông sẽ được nêu ra trong các cuộc thảo luận. Theo đó, ông Austin tuyên bố, Mỹ sẽ nói rõ quan điểm đối với tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng có khả năng ông Austin sẽ thảo luận về việc bán hoặc chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự cho Việt Nam cũng như đào tạo chuyên gia. Ngoài ra, Bộ trưởng Austin có thể gửi lời mời tới người đồng cấp Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang sang thăm Mỹ, ông Thayer nói.
Mở đường cho chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam
Với Việt Nam, ông Thayer cho rằng, Việt Nam được các chính quyền Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Obama và Tổng thống Trump, luôn coi là một nước đóng góp xây dựng và có ảnh hưởng cho hòa bình, an ninh khu vực cũng như toàn cầu, và là một đối tác an ninh tiềm năng. Chính quyền Tổng thống Biden đã thông qua một đánh giá tương tự và dường như đã đặt mục tiêu nâng quan hệ song phương lên một tầm cao hơn.
Vào ngày 13/7, Marc Knapper, người được Tổng thống Biden đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, rằng, hiện tại, hai nước đang có quan hệ Đối tác toàn diện và hy vọng sẽ nâng lên quan hệ đối tác chiến lược. Ông cũng tuyên bố sẽ xúc tiến các bước để thực hiện điều đó bằng cách tăng cường hơn nữa mối quan hệ an ninh với Việt Nam.
Các cựu Đại sứ của Việt Nam tại Mỹ và của Mỹ tại Việt Nam đều nhấn mạnh rằng tên gọi quan hệ song phương như thế nào không quan trọng, bản chất quan hệ hai nước đã ở tầm chiến lược, ông Thayer lưu ý.
Murray Hiebert, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam phát triển đáng kể trong thập kỷ qua và toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao nhân dân...
Theo ông Hiebert, Hà Nội là một trong những đối tác có ý nghĩa chiến lược nhất của Washington tại Đông Nam Á.
Ông Murray cũng cho biết, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần này được dự đoán là mở đường cho một chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam từ phía Mỹ.
Reuters mới đây đưa tin, Mỹ đang cân nhắc về chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam vào tháng 8 năm nay. Và chuyến thăm của ông Austin là nhằm mở đường cho chuyến đi này, chuyên gia của CSIS nhận định.
Theo Lan Hương (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)