Ngày 8.8, ông Alexei Ulyukayev, vị Bộ trưởng Nga "đòi xơi hối lộ" 2 triệu USD phải ra hầu tòa, theo báo Moscow Times. Ông Ulyukayev là Bộ trưởng Nga đầu tiên bị bắt lúc còn đương chức, từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Theo Ủy ban điều tra liên bang Nga (IC, tương đương FBI Mỹ), vụ án được khởi tố chiếu theo khoản 6 điều 209 Luật hình sự liên bang Nga quy định về các vụ “đưa - nhận hối lộ quy mô lớn”.
Tội danh của ông Ulyukayev là ép Tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft “cảm ơn” ông bằng số tiền 2 triệu USD, vì ông giúp “bật đèn xanh” cho Rosneft mua lại 50% cổ phần của chính phủ Nga ở công ty dầu khí Bashneft hồi tháng 10.2016, với giá khoảng 5,3 tỉ USD (330 tỉ rúp).
Theo luật pháp Nga, nếu bị tuyên có tội, ông Ulyukayev có thể bị tuyên án từ 8 đến 15 năm tù, phải nộp khoản tiền phạt gấp 70 lần số tiền “ăn bẩn”.
Thông tin khác nêu khoản tiền phạt tương đương khoản lương ông lãnh trong từ 3 đến năm nay, tức có thể từ 3 đến 5 triệu USD. Nếu không thể đóng tiền phạt, mức án tù sẽ cao hơn.
"Cái quái gì vậy?”
Vị cựu Bộ trưởng Phát triển kinh tế bị đặc vụ Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) bắt lúc rạng sáng 15.11.2016.
Viện kiểm sát đề nghị quản thúc tại gia vị bộ trưởng 60 tuổi để phục vụ điều tra, tuyên bố ông có thể trốn ra nước ngoài khi sắp đi công tác nước ngoài là tháp tùng Tổng thống Vladimir Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế Thái Bình Dương - châu Âu.
Theo báo Moscow Times, khi ông Ulyukayev bị FSB bắt, ban đầu ông ngỡ đặc vụ FSB “giỡn”với ông, nên khi họ giải ông đi, ông liên tục hỏi: “Cái quái gì vậy ?”
Sau đó, vị bộ trưởng trở thành bị cáo mặc veste và không bị còng tay đứng trước tòa, đối mặt các tội danh tham nhũng. Ông nói việc bắt ông là “một hành động khiêu khích đối với một công chức chính phủ”.
Ông khẳng định vô tội nhưng hứa hợp tác với ngành kiểm sát để “rửa thanh danh, uy tín”. Ông từng làm việc trong chính phủ từ năm 2000, ở Bộ Tài chính rồi Ngân hàng trung ương liên bang trước khi làm Bộ trưởng năm 2013.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, FSB đã bí mật theo dõi vị bộ trưởng suốt một năm, điện thoại của ông Ulyukayev bị nghe lén, các thiết bị liên lạc điện tử của ông cũng bị giám sát. Sau cùng là chiến dịch bắt quả tang ông nhận hối lộ 2 triệu USD ở trụ sở Rosneft.
Nhưng theo nhà báo điều tra Oleg Feoktistov của báo Novaya Gazeta và từng là sĩ quan FSB cho đến tháng 8.2016, ông Ulyukayev chưa hề đụng tay vào số tiền vốn được “ngẫu nhiên tìm thấy” trong một két sắt ở ngân hàng.
Nếu đúng như vậy thì có thể giải thích vì sao không có hình ảnh TV chiếu cảnh ông nắm lấy chiếc va-li đựng tiền. Cảnh sát giải thích không công bố chứng cứ hình ảnh này vì còn đang điều tra, đồng thời khẳng định có dấu hiệu tiền phi pháp bị phát hiện nơi tay của ông khi bị bắt.
Vụ bắt giữ 'vượt quá tầm hiểu biết" của Thủ tướng Nga
Vụ bắt ông Ulyukayev dĩ nhiên phải có sự phê chuẩn của lãnh đạo cấp cao nhất. Ngay sau khi ông bị bắt, người phát ngôn Điện Kremlin nói với các nhà báo: Tổng thống Nga Vladimir Putin “ngay từ đầu đã biết chiến dịch điều tra”.
Thủ tướng Dmitry Medvedev, là “thủ trưởng” trực tiếp của ông Ulyukayev, chỉ biết vụ bắt trước một ngày, theo một nguồn tin trong cuộc của Moscow Times. Người này nói vụ tống tiền là “cú choáng lớn cho chính phủ Medvedev vốn đang xuống tinh thần trầm trọng”.
Vài giờ sau vụ bắt, ông Medvedev đến Hạ viện Nga, không giấu nổi sự sốc khi nói: “Đây là một diễn biến rất nghiêm trọng cho chính phủ, vượt quá tầm hiểu biết. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống và ông ấy cũng nghĩ thế”.
Nhưng đây là một cách cảnh cáo các quan chức cấp cao của Tổng thống Putin, vào lúc chiến dịch chống tham nhũng đang tăng hết tốc lực ở xứ sở bạch dương.
Chỉ 24 giờ sau khi ông Ulyukayev bị bắt, Tổng thống Nga đã cách chức ông với lý do ông bị “mất tín nhiệm”.
Nhà phân tích chính trị Gleb Pavlovsky nói: “Qua vụ bắt Ulyukayev, thông điệp của ông Putin gởi đến giới lãnh đạo là rất rõ ràng: 'Dù nắm chức vụ nào, bất kỳ lúc nào một vụ án hình sự cũng có thể mở ra để chống lại bạn'."
Ông Putin từ lâu đã nói chống tham nhũng là mục tiêu hàng đầu của ông, nhưng phe đối lập chỉ trích nạn tham nhũng lan đến cấp cao nhất trong chính phủ, và các nhà quan sát nói những cuộc điều tra trọng điểm và bắt giữ có động cơ là “đấu đá nội bộ” và giành quyền kiểm soát giữa các nhóm quan chức với nhau.
Nhưng người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Putin nói đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, cần có “chứng cứ cực kỳ chính xác” và nhấn mạnh “chỉ có tòa án có quyền phán xử”. Ông còn nói cuộc chiến chống tham nhũng của Nga là “có hệ thống chứ không chọn lọc”.
Vụ mua bán cổ phần công ty dầu mỏ tầm trung bình Bashneft là một bài thuốc thử quan trọng cho nỗ lực tư nhân hóa của nhà nước Nga nhằm kềm cương thâm thủng ngân sách, vào lúc nền kinh tế Nga chật vật vì giá dầu thế giới giảm và bị phương tây cấm vận.
Đại gia viễn thông Vladimir Yevtushenkov từng dùng danh nghĩa tập đoàn Sistema để mua Bashneft năm 2009, đến năm 2014 bị bắt vì tội rửa tiền. Nhưng vài tháng sau ông được thả, cùng lúc chính phủ quốc hữu hóa Bashneft.
Tổng thống Putin làm việc với Bộ trưởng Ulyukayev |
Nạn nhân vụ đấu đá
Nhưng theo Moscow Times, việc bán cổ phần của chính phủ ở Bashneft đã dẫn đến cuộc đấu đá giữa Rosneft với một số quan chức chính phủ có tư tưởng thoáng và phản đối chính phủ can thiệp quá sâu vào nền kinh tế.
Cùng với hai phó Thủ tướng Igor Shuvalov - Arkady Dvorkovich, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, ông Ulyukayev là những người đầu tiên công khai phản đối việc Rosneft muốn mua lại cổ phần.
Họ nêu lý lẽ bán Bashneft cho một công ty khác do nhà nước can thiệp là hoàn toàn bác bỏ mục tiêu tư nhân hóa.
Nhưng hai người trong cuộc nói với tờ báo trên: sự phản đối của ông Ulyukayev luôn yếu hơn sự phản đối của các đồng nhiệm.
Rồi xảy ra chuyện bất ngờ hồi tháng 10.2016: các quan chức chính phủ bất ngờ hủy bỏ sự phản đối, bật đèn xanh cho vụ mua - bán. Và rồi ông Ulyukayev bị bắt.
Theo một quan chức an ninh cấp cao cho báo Novaya Gazeta biết: tổng giám đốc Rosneft là ông Igor Sechin đã yêu cầu Feoktistov điều tra ông Ulyukayev.
Ông Sechin là đồng minh thân cận của Tổng thống Putin. Ngay từ đầu, các nhà điều tra IC iên tục nhấn mạnh: không đặt dấu hỏi về chuyện Rosneft mua cổ phần Bashneft.
Nói cách khác, tổng giám đốc Sechin chẳng phải lo lắng chuyện FSB gõ cửa văn phòng ông.
Các nhà điều tra IC ra tuyên bố: chính các nhân viên Rosneft gọi đến cơ quan bảo vệ pháp luật, báo chuyện vị bộ trưởng “ăn hối lộ” ngay tại trụ sở của họ.
Theo bà Svetlana Petrenko, phó lãnh đạo IC, ông Ulyukayev còn dọa nạt để lãnh đạo Rosneftt phải móc tiền đút lót ông: “Đơn thư tố cáo của quan chức cấp cao Rosneft nêu ông ấy dùng quyền hạn để gây trở ngại cho hoạt động của công ty”.
Người phát ngôn Rosneft từ chối bình luận về hoạt động của IC, nói vụ mua cổ phần là hợp pháp. IC nói Rosneft chẳng làm gì sai phạm, không có ai tranh chấp và không bị điều tra.
"Vị bộ trưởng bị mô tả như một đứa trẻ con sai quấy"
Người trong cuộc và các chuyên gia cùng nhận định này: Ulyukayev không là mối đe dọa cho ông Sechin vốn có ảnh hưởng lớn với Tổng thống Putin.
Nhà phân tích chính trị Gleb Pavlovsky nói: “Ulyukayev mà dám đe dọa Rosneft về một chuyện mà ông Putin mới có quyền quyết? Chuyện điên rồ”.
Alexander Shokhin, một đồng minh của Ulyukayev từ thập niên 1990, nói không thể tin người bạn phạm tội hình sự: “Ông ấy hoạt động chính trị từ 25 năm qua, nay bị mô tả như một đứa trẻ con sai quấy”.
Nhà phân tích chính trị Tatyana Stanovaya nói ông Ulyukayev là “con dê tế thần” vì phản đối chuyện Rosneft mua cổ phần Bashneft.
Những người khác đề cập những “sự lạ” trong thông tin của IC.Một nguồn tin trong chính phủ Nga còn nói với báo Moscow Times: “Làm gì có chuyện nhận hối lộ một tháng sau vụ mua - bán”.
Tầm cỡ số tiền hối lộ cũng nhỏ so với số tiền mua lại cổ phần. Và ông Ulyukayev không phải dạng người kẹt tiền, vì theo bản khai tài sản của công chức mới nhất, ông là một trong những công chức giàu nhất Nga, với một lô đất 16 ha, 3 ngôi nhà và 3 căn hộ.
Theo Vĩnh Thụy (Một thế Giới)