Indonesia hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19, dù dịch bệnh đã bùng phát trong nhiều tuần, và nhiều quốc gia trong khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm.
Ngành Y tế nước này đang phải đối mặt với nhiều nghi vấn về việc vì sao vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, dù một nghiên cứu gần đây của Đại học Harvard cho thấy trên lý thuyết Indonesia là một trong những nước dễ bị ảnh hưởng nhất.
"Chúng tôi có được điều này nhờ ơn Chúa. Nhờ những lời cầu nguyện của chúng tôi. Chúng tôi không muốn những điều như vậy xảy ra với Indonesia," bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto nói. Ông là một bác sĩ quân y chuyên ngành X quang, nhưng chuyên môn không bao gồm nghiên cứu virus gây dịch bệnh.
Indonesia đã triển khai kiểm tra, theo dõi sức khỏe người nghi nhiễm, cấm các chuyến bay thương mại đến và đi từ Trung Quốc đại lục. Tuy vậy, lời giải thích nêu trên làm giới chuyên gia y tế lo ngại, nhất là với những gì nước này đã làm để đối phó với các dịch bệnh trước như SARS, Ebola hay cúm gia cầm.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh H5N1, gần 200 người đã tử vong với tỷ lệ lên tới 84%, buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải có biện pháp can thiệp.
Giáo sư Marc Lipsitch thuộc Đại học Harvard, một trong những người tham gia nghiên cứu về những nước có thể có ca nhiễm Covid-19 nhưng chưa được phát hiện, đã lên tiếng bảo vệ những đánh giá của ông và các đồng nghiệp. Tuy vậy theo công bố của Bộ Y tế Indonesia, hiện đã có 62 trường hợp nghi nhiễm Covid-19, nhưng kết quả xét nghiệm đều là âm tính. Nhiều người khác chưa được xét nghiệm.
Bên cạnh đó, 238 người Indonesia được sơ tán từ Vũ Hán (Trung Quốc) nơi được coi là tâm điểm của đợt bùng phát Covid-19 được cách ly trong hai tuần. Cuối tuần trước, nhóm người này đã rời khỏi trung tâm cách ly sau khi được xác nhận khỏe mạnh.
Bộ trưởng Putranto phủ nhận đánh giá của Đại học Harvard và tin tưởng vào khả năng phòng, chống dịch bệnh của nền y tế Indonesia.
"Hãy bảo các vị ở Harvard tới Indonesia. Tôi sẽ ra lệnh mở cửa để họ tự đánh giá. Không có gì để che giấu ở đây cả," ông tuyên bố.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Indonesia kêu gọi người dân không tin vào tin đồn về phương thức lây nhiễm và các chữa trị Covid-19.
Trước đó ở nước này xuất hiện rất nhiều tin đồn, bao gồm việc bệnh có thể lây truyền qua đường thư tín, lây từ đồ ăn Trung Quốc, từ hơi thở của người Indonesia gốc Hoa, từ các chương trình truyền hình Trung Quốc và thậm chí từ điện thoại sản xuất tại Trung Quốc.
Một số tin đồn cũng nhắc tới những phương pháp chữa trị liên quan tới tỏi, dầu xoa và nước nóng. Những tin đồn nêu trên đều đã bị nhà chức trách bác bỏ.
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)