Những đề xuất hạn chế quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Trong tháng 10 này có thể xảy ra một sự kiện rất lớn, không chỉ mang tính chất quyết định đến hoạt động của Hội đồng Bảo an, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc xử lý các sự vụ quốc tế, thậm chí là cả cục diện địa-chính trị của thế giới, đó là quyền phủ quyết của các Ủy viên thường trực UNSC.
Hôm 4/10, Cao ủy Liên Hợp Quốc (LHQ) về nhân quyền (UNHCHR) Zeid Ra'ad al-Hussein đã đưa ra đề xuất hạn chế quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Đề nghị này đã ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của các nước phương Tây.
5 Ủy viên sử dụng Quyền phủ quyết như thế nào?
Vấn đề quyền phủ quyết của các Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ lâu đã là đề tài nóng trong giải quyết các sự vụ quốc tế. Theo quy định, nếu 1 trong 5 Ủy viên này phủ quyết thì không một nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an được phép thực hiện.
Thuật ngữ ''phủ quyết'' thực sự chưa bao giờ được dùng trong Hiến chương LHQ nhưng nó là vấn đề mang tính chất thực tế và được sử dụng rộng rãi trong giới ngoại giao và các phương tiện truyền thông.
Để một nghị quyết được thông qua, nó phải thu hút được 9 phiếu thuận từ tổng cộng 15 nước thành viên của HĐBA (gồm 5 thành viên thường trực là Nga, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực). 9 phiếu thuận đó tính cả số phiếu tán thành của 5 thành viên thường trực.
Biếm họa phương Tây về việc 5 Ủy viên HĐBA LHQ sử dụng quyền phủ quyết |
Quyền phủ quyết của các thành viên thường trực đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thông qua một nghị quyết. Về thực chất, điều đó gián tiếp thừa nhận năm quốc gia nói trên có vai trò quyết định trong việc giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới.
Thống kê chính thức cho biết, tính từ năm 1945 - thời điểm Liên Hợp Quốc được thành lập đến hết thế kỷ 20, Liên Xô cũ và Nga đã sử dụng 120 lần quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, Mỹ dùng 76 lần, Anh 32 lần, Pháp 18 lần và Trung Quốc mới sử dụng 5 lần.
Đây thực chất là một quyền lực tối thượng mà 5 Ủy viên này có thể lợi dụng để bác bỏ ý kiến của nhau hay dùng để bảo vệ quyền lợi đất nước mình hoặc đồng minh của mình. Trên thực tế đã có nhiều nghị quyết bị phủ quyết bởi 1 trong 5 Ủy viên này, khi nó chống lại chính mình.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô cũ đã thường xuyên dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ các nghị quyết của LHQ. Gần đây hơn, Mỹ không tiếc tay sử dụng quyền phủ quyết để che chắn cho Chính phủ Israel trước làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế hoặc các nỗ lực yêu cầu nước này kiềm chế các hành động quân sự.
Gần hơn nữa là Nga, Mỹ đã thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết lên án lẫn nhau trong vấn đề giải quyết cuộc nội chiến Syria hay vấn đề hạt nhân Iran hoặc vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine…
Do đó, đã không ít sáng kiến hạn chế quyền phủ quyết của các Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được đề xuất, ví dụ như hồi tháng 9/2015, LHQ cũng đã thảo luận một đề nghị tương tự của Pháp, tuy nhiên các sáng kiến đều không thể được thực hiện.
Nga-Trung sẽ không bao giờ chấp thuận hạn chế quyền phủ quyết
Hồi năm 2015, Pháp cho biết, đây phải là cam kết tập thể và tự nguyện của các thành viên thường trực. Đặc biệt là năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ phải cam kết không sử dụng quyền phủ quyết của mình trong trường cần kiềm chế “tội phạm hàng loạt”.
Tuy nhiên, việc hạn chế quyền phủ quyết sẽ có ngoại lệ nếu nó ảnh hưởng đến lợi ích “sống còn” của một trong năm thành viên thường trực. Khi đó, hạn chế quyền phủ quyết sẽ không được sử dụng, các Ủy viên sẽ được quyền bác bỏ các vấn đề mà mình thấy là không đúng.
Phát biểu về vấn đề này, đại diện thường trực của Nga tại LHQ là ông Vitaly Churkin nói rằng, muốn bãi bỏ quyền phủ quyết thì cần phải thay đổi Hiến chương Liên Hợp Quốc và không ai trong số 5 thành viên thường trực sẽ phê chuẩn một sửa đổi như vậy.
Vị đại diện của Nga nó rằng, chuyện bãi bỏ quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an là vô nghĩa, không có cơ hội nào cho sáng kiến của Pháp hồi năm 2015 và ông Hussein mới đây về hạn chế quyền phủ quyết của 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Để thông qua việc sửa đổi một vấn đề nào đó trong Hiến chương LHQ, cần có 2/3 số thành viên (ít nhất là 129 quốc gia) bỏ phiếu tán thành, sau đó 2/3 nước thành viên phải phê chuẩn, trong đó có tất cả năm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Một phiên họp mở của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc |
Không ai trong số các thành viên thường trực sẽ phê chuẩn một sửa đổi như vậy trong Hiến chương. Vì vậy, những câu chuyện như thế này là vô nghĩa và nó chỉ nhằm để gây áp lực lên Nga - đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vitaly Churkin kết luận.
Các quan chức Nga cho rằng, chủ yếu là phương Tây muốn ngăn chặn khả năng Moscow sử dụng quyền này để phủ quyết các nghị quyết do họ đưa ra, gây bất lợi cho Nga và các đồng minh, chẳng hạn như một nghị quyết lên án Syria và đòi tấn công quân sự lật đổ chính quyền Assad.
Việc tìm kiếm 9/15 phiếu thuận trong Hội đồng Bảo an về một vấn đề nào đó là điều không phải quá khó, cái quan trọng là nếu nó bị 1 trong 5 Ủy viên thường trực bác bỏ thì sẽ không được thực hiện. Nếu hạn chế quyền phủ quyết, vấn đề này sẽ được quyết định bằng số phiếu thuận.
Khi đó, 3 nước Ủy viên thường trực còn lại dễ dàng áp đảo Nga trong vấn đề Syria hay Ukraine hoặc Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hay Biển Hoa Đông.
Ngược lại, Moscow và Bắc Kinh dù hợp lực cũng không làm gì được Mỹ, Anh, Pháp bởi họ là đồng minh của nhau. Khi đó, Nga và Trung Quốc sẽ hầu như khồng còn quyền quyết định các vấn đề chính trị thế giới.
Do đó, phương Tây luôn muốn sửa đổi Hiến chương theo hướng hạn chế quyền phủ quyết, còn Nga và Trung Quốc sẽ không đời nào chấp nhận điều đó. Mà chỉ cần 1 trong 2 Ủy viên này không phê chuẩn thì việc sửa đổi Hiến chương sẽ không bao giờ thực hiện được.
Theo Thiên Nam (Đất Việt)