Việt Nam sẽ là nước đầu tiên có được tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos của Ấn Độ, có thể vào cuối năm 2016 này, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.
Tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos có các phiên bản phóng từ tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và trên đất liền (tên lửa bờ biển) - Ảnh: Reuters |
Hãng tin TASS ngày 18.6 cho biết ông Parrikar phát biểu như trên vào ngày 17.6 nhân chuyến thị sát buổi cất cánh thử nghiệm loại máy bay huấn luyện HTT-40 do Tập đoàn hàng không Hindustan Aeronautics Limited (HAL) chế tạo.
Tại sự kiện này, ông Parrikar cho biết chính phủ Ấn Độ đã quyết định xuất khẩu tên lửa sang các nước bạn bè của Ấn Độ, trong đó có loại tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác chế tạo.
"Chính phủ quyết định rằng 10% sản lượng tên lửa do Ấn Độ sản xuất sẽ được xuất khẩu, nếu có đơn hàng và sẽ xem xét kỹ từng trường hợp một… Việc xuất khẩu từng được xem xét trước đây nhưng có vấn đề là quân đội Ấn Độ chưa đủ dự trữ về tên lửa”, ông Parrikar nói.
Về việc xuất khẩu tên lửa sang Việt Nam, Bộ trưởng Parrikar trả lời báo chí rằng Ấn Độ sẽ bán cho Việt Nam loại tên lửa diệt hạm siêu thanh có tầm bắn xa 290 km này, và Việt Nam sẽ là nước đầu tiên nhân được vũ khí tiên tiến do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất này.
"Chúng tôi đã có các cuộc đàm phán với Việt Nam, và với khả năng cao nhất thì hợp đồng cung cấp vũ khí sẽ đạt được trước cuối năm nay”, theo lời Bộ trưởng Parrikar.
“Sau chuyến thăm của tôi tới Việt Nam, chúng tôi đã quyết định thành lập một nhóm công tác xem xét các khía cạnh của việc xuất khẩu vũ khí”, ông Parrikar nói thêm và cũng tiết lộ tập đoàn đóng tàu Larsen & Toubro đã được Cảnh sát biển Việt Nam chọn đặt đóng các tàu tuần tra biển (OPV) trong khuôn khổ khoản tín dụng ưu đãi 100 triệu USD mà chính phủ Ấn Độ cho chính phủ Việt Nam vay trước đó.
Tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos loại phóng từ dàn phóng di động trên đất liền, tại lễ duyệt binh nhân ngày Độc lập 26.1.2015 ở New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Reuters |
Máy bay huấn luyện HTT-40 do Ấn Độ chế tạo - Ảnh: PTI |
Trước đó Nga và Ấn Độ đã nhất trí về danh sách 14 nước sẽ được mua tên lửa BrahMos, trong đó 5 nước hàng đầu là Việt Nam, Indonesia, Nam Phi, Chile và Brazil.
Theo báo Deccan Chronicle, một hệ thống tên lửa BrahMos loại phóng từ tàu chiến có giá khoảng 3 triệu USD.
Tên lửa BrahMos do Cơ quan nghiên cứu phát triển quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) và tập đoàn tên lửa NPO của Nga hợp tác sản xuất, thông qua công ty liên doanh BrahMos Aerospace thành lập năm 1998. BrahMos là viết tắt tên 2 con sông của hai nước là Brahmaputra (Ấn Độ) và sông Moskva. Tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos chế tạo dựa trên mẫu tên lửa diệt hạm siêu thanh P-800 Onyx của Nga (bản xuất khẩu là Yakhont). BrahMos là loại tên lửa 2 tầng, dùng nhiên liệu rắn, dài 9 - 10 m, đường kính 0,7 m, nặng 3,9 tấn, có tầm bắn tối đa 290 km, tốc độ gấp 2,8 lần âm thanh (3.400 km/giờ), trang bị radar dò mục tiêu. Loại tên lửa hành trình bay nhanh nhất thế giới này có thể bay cao tới 15 km hoặc bay là là cách mặt biển 10 m, mang đầu đạn thông thường từ 200 - 300 kg. |
Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)