Theo The New York Times, trong ngày 17/5 (giờ địa phương), bộ Kinh thánh tiếng Do Thái Codex Sassoon đã được bán với giá 38,1 triệu USD (khoảng 894 tỷ VND) trong một phiên đấu giá do công ty Sotheby's tổ chức.
Trong phiên đấu giá, mức khởi điểm được đưa ra là 26 triệu USD và kết thúc chỉ sau hơn 6 phút.
Với mức giá này, Codex Sessoon trở thành cuốn sách đắt nhất thế giới. Kỷ lục này trước đó thuộc về cuốn sổ viết tay của Leonardo da Vinci - Codex Leicester - được tỷ phú Bill Gates mua với giá 30,1 triệu USD.
Tuy vậy, bộ Kinh Thánh này vẫn chưa phải là văn bản đắt nhất mọi thời đại, danh hiệu này thuộc về bản sao đầu tiên của Hiến pháp Mỹ - được bán với giá 43,2 triệu USD vào năm 2021.
Theo công ty Sotheby's, bộ sách mang tên Codex Sassoon, bao gồm toàn bộ 24 quyển Kinh thánh Do Thái, chỉ mất khoảng 8 trang, và có đủ 10 chương đầu tiên của Sáng Thế Ký (Genesis, sách đầu tiên của Kinh Cựu Ước cũng như Kinh Thánh nói chung).
Các nhà nghiên cứu đã xác định tài liệu này ra đời vào cuối thế kỷ thứ 9 hoặc đầu thế kỷ thứ 10, khiến Codex Sassoon trở thành bộ Kinh thánh Do Thái gần như hoàn chỉnh cổ nhất thế giới từng được biết đến.
Vào thời mà bộ Kinh thánh Do Thái này ra đời, đây cũng một thứ đắt tiền, phải dùng đến da của hơn 100 con vật để tạo ra khoảng 400 trang ghi chép. Toàn bộ nội dung của Codex Sassoon đã được viết bởi một người duy nhất.
Đơn vị đấu giá thành công bộ Kinh thánh là tổ chức "Những người bạn Mỹ của ANU - Bảo tàng Do Thái ở Tel Aviv". Ngoài ra, việc mua lại bộ sách này có sự đóng góp rất lớn từ gia đình cựu đại sứ Mỹ tại Romania Alfred H. Moses. Codex Sassoon sau đó sẽ được bàn giao lại cho Bảo tàng Do Thái ở Tel Aviv (tên cũ là Bảo tàng Cộng đồng người Do Thái).
Moses cho biết, ông quyết định tham gia cuộc đấu giá khoảng 3 tuần trước với giá thầu không thể hủy ngang là 32,5 triệu USD. Sau đó, mức giá liên tục được đẩy lên nhưng Moses vẫn theo đến cùng.
Moses nói thành công này "là một điều vô cùng xúc động khi có thể tặng cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái cổ nhất cho người Do Thái, để họ bảo tồn và trưng bày mãi mãi trước công chúng".
Biên Thùy (SHTT)