Mọi vấn đề trong quan hệ Trung - Ấn đều bị chi phối bởi vấn đề biên giới vẫn tồn tại và chưa được giải quyết từ hơn 50 năm nay. Và cuộc đối đầu quân sự kéo dài hơn 1 tháng qua giữa hai cường quốc khu vực này càng cho thấy tính chất và toan tính của các bên trong việc giải quyết xung đột.
Lịch sử chiến tranh Trung-Ấn
Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới dài hơn 3.550 km, được phân cách bởi dãy núi Himalaya hiểm trở và vùng cao nguyên Tây Tạng.
Trong nhiều thế kỷ, Tây Tạng là vùng đệm giữa hai nước. Sau khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng năm 1950, hai vùng đệm hiện nay là hai nước Nepal và Bhutan, nằm ở phía nam dãy Himalaya.
Ba khu vực ngày nay vẫn là điểm nóng của sự xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc: Aksai Chin ở tụ điểm của biên giới ba nước Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc; Arunachal Pradesh, ở sát biên giới Đông Bắc của Ấn Độ và Kashmir, ở Tây Bắc Ấn Độ.
Cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 là hệ quả xuất phát từ những bất đồng của hai nước vốn có từ trước.
Nguyên nhân chính của cuộc chiến là việc tranh chấp khu vực biên giới Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như hàng loạt các cuộc xung đột biên giới diễn ra sau cuộc nổi dậy Tây Tạng năm 1959, và Ấn Độ trao quy chế tị nạn chính trị cho Đạt Lai Lạt Ma.
Ấn Độ cũng thực hiện chính sách thiết lập một số tiền đồn dọc biên giới, gồm cả một số vị trí nằm ở phía bắc tuyến McMahon, là phần phía đông của đường kiểm soát trên thực tế do Trung Quốc tuyên bố năm 1959.
Giao tranh bắt đầu ngày 20/10/1962 giữa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa và Quân đội Ấn Độ. Ngày 20/10/1962, quân đội Trung Quốc đồng loạt mở các cuộc tấn công tại Ladakh và dọc theo tuyến McMahon, tràn qua các vị trí của quân Ấn Độ tại cả hai mặt trận, đánh chiếm được Rezang la tại Chushul ở mặt trận phía tây, cũng như Tawang ở mặt trận phía đông.
Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngưng bắn vào ngày 20/11/1962, và rút khỏi phần lớn các khu vực chiếm được.
Chiến tranh Trung-Ấn đáng chú ý vì đây là cuộc chiến sơn cước quy mô lớn ở độ cao trên 4.250 mét, đặt ra nhiều vấn đề hậu cần cho cả hai bên tham chiến. Cuộc chiến cũng đáng ghi nhớ bởi việc cả hai bên không sử dụng không quân hay hải quân tham chiến.
Hệ quả của cuộc chiến là Ấn Độ thay đổi toàn diện quân đội để chuẩn bị cho các xung đột tương tự trong tương lai và đã đặt áp lực lên Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, người bị cho là chịu trách nhiệm vì đã không tiên liệu cuộc xâm lấn của Trung Quốc.
Bước vào thế kỷ 21, với xu thế toàn cầu hóa, hai nước xác định lấy mục đích phát triển kinh tế là quan trọng nhất cũng như sự đan xen giữa các lợi ích quốc gia song trùng đã xích hai nước lại gần nhau hơn. Từ đây, chính sách đối ngoại giữa hai nước bắt đầu có những thay đổi mạnh mẽ. Nhờ đó quan hệ song phương đã không ngừng đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế thương mại.
Tuy nhiên, dường như mối quan hệ mập mờ này vẫn còn đó những thách thức mà hai nước vẫn cần phải giải quyết để đạt được sự đồng thuận và tạo nên môi trường hòa bình trong khu vực đầy rẫy nhưng bất ổn về chính trị này.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cuộc đối đấu quân sự hơn 1 tháng qua giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới tranh chấp thuộc dãy Himalaya theo như lời Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ La Chiếu Huy là "tồi tệ nhất giữa hai nước trong 30 năm qua".
Thế bế tắc kéo dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Bất chấp cái bắt tay giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hamburg (Đức), một lần nữa cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc lại không có chiều hướng giảm đi. Trong khi New Delhi và Bắc Kinh tìm kiếm giải pháp ngoại giao, các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc lại "nhìn nhau qua kính ngắm trên nòng súng".
Xung đột nổ ra hồi giữa tháng 6 vừa qua khi Trung Quốc xây dựng con đường đến Cao nguyên Doklam. Con đường này sẽ xuyên qua vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Trung Quốc và Butan. Chính quyền Butan khẳng định khi tiến trình phân định biên giới còn chưa hoàn tất, không một hành động nào được phép tiến hành tại khu vực này. Butan đã cậy đến đồng minh lâu năm Ấn Độ nhờ giúp đỡ. Sau khi xung đột xảy ra, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đưa ra những lập luận khác nhau về nguyên nhân dẫn tới cuộc đối đầu quân sự này.
Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, La Chiếu Huy nói trước báo chí tại New Delhi rằng người dân Trung Quốc cực kỳ giận dữ trước sự “chiếm đóng” của quân đội Ấn Độ trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ, nhưng nói rằng vụ căng thẳng lần này nên được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao. Phát biểu với hãng tin PTI của Ấn Độ hôm 5/7, Đại sứ La nói rằng lần đối đầu này bùng phát sau khi quân đội Ấn Độ vượt sang khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 5/7 nói rằng Ấn Độ phải rút quân “càng sớm càng tốt” và đó là tiền đề để thể hiện sự “chân thành” muốn đối thoại nhằm giải quyết căng thẳng biên giới.
Trong khi đó, sau khi quan chức Trung Quốc nói rằng Ấn Độ nên rút ra “bài học lịch sử” từ thất bại đáng xấu hổ trong chiến tranh năm 1962, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley đáp trả rằng “Ấn Độ năm 2017 khác với Ấn Độ năm 1962”, ngụ ý nói về sức mạnh quân sự của Ấn Độ nay đã lớn hơn.
Tháng trước, Tổng Tư lệnh quân đội Ấn Độ, ông Bipin Rawat nói rằng nước này “đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trên 2,5 mặt trận”, nhưng không nhắc tên Trung Quốc hay Pakistan, ngụ ý rằng New Delhi đủ sức giải quyết cả những thách thức từ trong và ngoài nước để bảo vệ chủ quyền của họ.
Báo Indian Express của Ấn Độ ngày 17/7 dẫn một nguồn tin xin được giấu tên cho biết, các quan chức Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp kín để truyền đi thái độ của Trung Quốc đối với cuộc đối đầu Trung-Ấn. Trong đó phía Trung Quốc nói rằng, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đang nhẫn nại chờ đợi trên cao nguyên, tuy nhiên thời gian chờ đợi là có hạn.
Cuộc xung đột lần này là sự tiếp diễn lôgích của quan hệ xấu đi giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong thời gian gần đây. Tranh chấp lãnh thổ tại biên giới vùng núi không phải là nguyên nhân duy nhất khiến quan hệ giữa 2 cường quốc châu Á không tốt đẹp. New Delhi rất không hài lòng việc Bắc Kinh từ chối ủng hộ Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG). Nhóm này được thành lập năm 1975 chính là để đáp trả lại các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ.
Bắc Kinh không hài lòng việc Ấn Độ từ chối tham gia dự án “Vành đai và Con đường”. Họ không hài lòng khi Dalai Latma đã sống lưu vong 50 năm qua tại Dharamsala của Ấn Độ. Hồi tháng 4/2017, Dalai Latma đã thăm bang Arunachal Pradesh ở Đông Bắc Ấn Độ mà Trung Quốc đang nhòm ngó. Một lần nữa Bắc Kinh gọi thủ lĩnh tinh thần của tín đồ Phật giáo là “kẻ khiêu khích” và cáo buộc New Delhi đã tiếp tay.
Cuộc đối đấu sẽ đi về đâu?
Các nhà quan sát quân sự cho rằng, cuộc đối đầu quân sự Trung-Ấn sẽ không dễ dàng được giải quyết trong khoảng thời gian ngắn, tuy nhiên cuộc đối đâu này sẽ không thể bùng phát thành chiến tranh.
Bởi vì, vấn đề này liên quan tới chủ quyền và lợi ích cốt lõi của các bên, do đó sẽ không bên nào chịu nhượng bộ. Tuy nhiên, hai nước không thể để bùng phát chiến tranh. Bởi vì theo như lời Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì-cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/7: "Mục tiêu ngoại giao của Trung Quốc là duy trì và kéo dài thời kỳ cơ hội chiến lược trọng yếu trong sự phát triển của Trung Quốc".
Hơn nữa Trung Quốc đang trong giai đoạn then chốt chuẩn bị cho Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 19 vì vậy sẽ không để xảy ra bất kỳ điều gì gây ảnh hưởng tới sự kiện trọng đại này.
Trong khi đó, đối với Thủ tướng Ấn Độ, sau khi lên nắm quyền, mục điều hàng đầu của ông Modi là phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh cải cách toàn diện. Do đó các bên đều không có "tâm trí" phát động cuộc chiến tranh hao người tốn của như vậy.
Do đó, cuộc đối đầu này cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua các con đường ngoại giao và đối thoại. Đồng thời, nó có được giải nhanh hay chậm phần lớn phụ thuộc vào toan tính của các bên trong việc giải quyết các vấn đề trong nước.
Theo Đức Thức (Tiến Phong)