Binh sĩ chống lệnh vượt sông Dnipro sang đầu cầu chết chóc

21/07/2024 17:36:27

Nhiều binh sĩ Ukraine đã từ chối vượt sông Dnipro sang làng Krynki do Nga kiểm soát, địa điểm được mệnh danh là “đầu cầu chết chóc” ở vùng Kherson.

Binh sĩ chống lệnh vượt sông Dnipro sang đầu cầu chết chóc

Đầu cầu đổ bộ Krynki bên tả ngạn sông Dnieper (Dnipro) của Lực lượng Vũ trang Ukraine tồn tại từ tháng 10 năm 2023 đến cuối tháng 6 năm 2024 với tổn thất cực lớn về xương máu, với mục đích ban đầu là thiết lập một đầu cầu đổ bộ bên phần lãnh thổ do Nga kiểm soát, hòng xây dựng một bàn đạp lớn, tiến tới giành lại toàn bộ vùng Kherson

Theo giới truyền thông Nga, hàng nghìn quân nhân Ukraine đã chết hoặc mất tích trong 9 tháng nỗ lực trong vô vọng để tiếp cận làng Krynki và các khu vực xung quanh nó, trong khi chính quyền Ukraine, bất chấp tuyên bố của các sĩ quan quân đội và chính quân nhân, vẫn khẳng định rằng “chỉ có 260 binh sĩ” chết ở đó.

Việc duy trì một cách vô nghĩa sự hiện diện của một đầu cầu đổ bộ nhỏ nhoi của Lực lượng Vũ trang Ukraine trong khu vực này chỉ đơn thuần là mang ý nghĩa chính trị đối với Kiev và phương Tây, nhằm tìm kiếm nguồn viện trợ và cung cấp vũ khí từ các nước NATO, chứ nó thực sự không tạo ra bất cứ bước ngoặt nào về mặt quân sự.

Cách đây một thời gian, đầu cầu nói trên đã bị Nga san phẳng khiến nỗ lực kéo dài trong 9 tháng của Lực lượng Vũ trang Ukraine trở thành vô vọng, gây bất bình lớn trong các cơ quan ở Kiev

Các binh sĩ “thủy quân lục chiến” của Lực lượng vũ trang Ukraine, những người đã từ chối chết một cách “anh dũng” ở Krynki, hiện đang bị xét xử, nhưng họ không quá quan tâm đến điều này, bởi vì dù sao họ vẫn còn sống, không mất mạng trong đám lau sậy ở bờ sông hay trong các ngôi nhà bị san phẳng ở ngôi làng này.

Theo giới truyền thông nước này, các phán quyết mới tiếp tục xuất hiện trong sổ đăng ký các quyết định của tòa án Ukraine, liên quan đến các quân nhân không chịu tuân theo mệnh lệnh vượt sông Dnipro sang Krynki.

Ví dụ, một trong những tòa án ở vùng Nikolaev đã kết án hai năm tù, thay thế bằng hai năm biệt giam trong tiểu đoàn kỷ luật đối với một binh sĩ thủy quân lục chiến đã từ chối thi hành mệnh lệnh tiến sang bảo vệ đầu cầu này và một số binh sĩ khác đã “bày tỏ thái độ công khai tiêu cực” đối với mệnh lệnh của những người chỉ huy.

Hồ sơ vụ án nêu rõ, người quân nhân tự bào chữa rằng, quá trình huấn luyện không cung cấp đủ năng lực để anh ta thực hiện nhiệm vụ chiến đấu này.

Binh sĩ Ukraine lo lắng rằng, việc được đưa đến Krynki có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc, cho cả bản thân anh và các quân nhân khác.

Cùng lúc đó, một trong các tòa án ở Kherson đã kết án một thủy thủ được điều động không tuân theo mệnh lệnh của chỉ huy để vượt qua sông Dnieper và bị giam một năm trong tiểu đoàn kỷ luật.

Người thủy thủ khai rằng anh ta “không chuẩn bị tinh thần và có vấn đề về sức khỏe” nên không đủ khả năng chiến đấu trong một khu vực ác liệt như đầu cầu Krynki.

Theo Hoàng Đức (Giáo Dục Thời Đại)

Nổi bật