Biểu tình ở Ấn Độ: Tầng lớp 3000 năm bị xã hội ruồng bỏ

07/01/2018 06:36:37

Khoảng 200 triệu dân Ấn Độ là người Dalit, tầng lớp bị coi là “không đáng đụng tới”. Sau nhiều năm Ấn Độ tăng trưởng và hiện đại hóa, sự thù ghét của xã hội vẫn là bi kịch với họ.

Trong tuần này, một cuộc biểu tình đã làm gián đoạn cuộc sống ở thành phố Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ.

Hàng nghìn người Dalit, tầng lớp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, đã chặn đường cao tốc, chặn đường sắt và phá hoại xe bus, khiến giao thông ngưng trệ, một số trường học và cửa hàng phải đóng cửa. Hơn 100 người biểu tình đã bị bắt, theo Reuters.

Họ phản đối vụ bạo loạn tại một lễ kỉ niệm ngày 1/1 giữa người Dalit và những người Hindu dân tộc chủ nghĩa đã khiến 1 người thiệt mạng.

Những đợt biểu tình tương tự của người Dalit đã xảy ra nhiều lần ở Ấn Độ. Nguyên nhân là do chế độ đẳng cấp đã tồn tại hơn 3.000 năm, trong đó người Dalit bị xã hội đè nén và kì thị.

Biểu tình ở Ấn Độ: Tầng lớp 3000 năm bị xã hội ruồng bỏ
Người biểu tình thuộc tầng lớp Dalit chặn một con đường ở Mumbai, Ấn Độ ngày 3/1/2018. Ảnh: Reuters.

Ruồng bỏ chính đồng bào mình

Xã hội Ấn Độ phân chia thành 4 đẳng cấp chính, cao nhất là Brahmin (tu sĩ), đứng sau lần lượt là Kshastriya (chiến binh), Vaishyas (nhà buôn), Shudras (thợ thuyền, nông dân).

Dưới cùng, nằm ngoài hệ thống đẳng cấp, là tầng lớp “Dalit”, từ có nghĩa “bị áp bức” trong tiếng Phạn, một cổ ngữ Ấn Độ.

Các đẳng cấp trên coi người Dalit là “không đáng đụng tới”. Họ không muốn tiếp xúc, và không chạm vào bất cứ vật gì người Dalit đã chạm vào, vì cho rằng người Dalit làm mọi thứ “vấy bẩn”.

Vì quan niệm này, khoảng 200 triệu người Dalit ở Ấn Độ phải sống ngoài lề xã hội.

“Những người ‘không đáng đụng tới’ phải làm những công việc mà xã hội Hindu cho là dơ bẩn, và chỉ được sống ngoài rìa của làng. Họ không được phép vào đền thờ, tới gần nguồn nước của các đẳng cấp khác, hay dùng chung bát đũa”, tác giả Sujatha Gidla viết trong cuốn tự truyện “Con kiến giữa đàn voi” kể về cuộc sống của tầng lớp Dalit ở Ấn Độ.

Là quốc gia đông dân thứ nhì thế giới, luôn quảng bá tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa, nhưng Ấn Độ lại quan niệm gần 1/6 đồng bào của mình là “bẩn thỉu” tới nỗi phải loại ra khỏi những sinh hoạt bình thường, tước mất quyền bình đẳng mà thế giới coi như điều hiển nhiên.

Cựu thủ tướng Manmohan Singh từng ví điều này với chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi.

Biểu tình ở Ấn Độ: Tầng lớp 3000 năm bị xã hội ruồng bỏ - 1
Những người Dalit từ xưa chỉ làm những công việc mà xã hội coi là dơ bẩn nhất. Đẳng cấp là do sinh ra mà có, thừa hưởng từ gia đình, và suốt đời không thể thay đổi. 

Tuy Ấn Độ đã cấm phân biệt đẳng cấp từ năm 1955, những hành vi này vẫn phổ biến, theo BBC.

Tổ chức Video Volunteers thu thập các video ngắn từ những người Dalit để làm chứng cứ cho vụ kiện buộc chính phủ phải hành động chống nạn kì thị. Những video này ghi lại cảnh thợ cắt tóc từ chối phục vụ khách Dalit, học sinh Dalit phải ăn trưa tách biệt với cả lớp, hay phụ nữ phải đi bộ hàng giờ để lấy nước vì không được dùng nước từ vòi trong làng của mình.

Những đoạn phim này cho thấy sự kì thị xảy ra thường xuyên và có hệ thống, là một điều “thực sự đau lòng”, theo BBC.

Thù ghét âm ỉ và hậu quả tàn khốc

Một cách tình cờ, lễ hội ngày 1/1 đã châm ngòi cho biểu tình tuần này ở Mumbai chính là lễ kỉ niệm 200 năm chiến thắng của người Dalit chống lại sự áp bức của những đẳng cấp trên.

Sau 200 năm, chế độ đẳng cấp vẫn khiến việc mưu sinh của người Dalit gặp khó khăn.

Người Dalit bị trói buộc vào những công việc mà xã hội cho là dơ bẩn như thu dọn phân trong các chuồng xí, quét đường, hay dọn xác chết động vật, theo BBC.

Ngay cả khi một người Dalit dành đủ tiền nuôi bò lấy sữa hay mở cửa hàng, sẽ không có khách hàng nào thuộc đẳng cấp trên tới mua của họ.

Họ còn chịu sự hăm dọa. Như chuyện một nông dân Dalit ở bang phía nam Telangana. Toàn bộ cây trồng của bà bị phá hoại năm ngoái sau khi một người đẳng cấp trên dọn đến gần.

Hội đồng làng còn phạt 5.000 rupee (gần 1.800.000 đồng) với bất cứ ai nói chuyện với một người thuộc đẳng cấp trên đã cho bà thuê đất và ủng hộ bà.

Hay chuyện 4 người Dalit đang dọn xác một con bò đã chết thì bị một nhóm bảo vệ bò (con vật thiêng ở Ấn Độ) lột áo, xích vào xe hơi và đánh đập trong vài giờ.

Biểu tình ở Ấn Độ: Tầng lớp 3000 năm bị xã hội ruồng bỏ - 2
4 người Dalit bị xích và đánh đập vì dọn xác một con bò đã chết. Ảnh: Indiatimes.com

Tháng 10/2017, Savitri Devi, một phụ nữ người Dalit, đang nhặt rác và tình cờ chạm vào xô rác của Anju, một phụ nữ đẳng cấp trên. Phản ứng của Anju minh họa rõ nét sự thù ghét người Dalit luôn âm ỉ trong xã hội Ấn Độ.

Anju chạy đến, đấm liên tục vào bụng và đập đầu Savitri vào tường, mắng bà đã “làm bẩn” cái xô. Sau đó, con trai Anju xông tới, dùng gậy tiếp tục đánh Savitri, theo báo Indian Express. Bị bệnh viện từ chối chữa trị, bà cùng đứa con trong bụng đã qua đời.

Theo số liệu chính thức, cứ hơn 10 phút, người Dalit lại là nạn nhân của một tội hình sự, trong đó có những vụ gây phẫn nộ.

Tháng 10/2017, ở bang Gujarat, một thanh niên Dalit bị ném vào tường, đập đầu, và đánh chết bởi 8 người đẳng cấp trên, khi tới một lễ hội.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10, cũng tại bang Gujarat, biểu tình nổ ra sau khi chỉ trong vòng một tuần, 2 người Dalit bị hành hung vì để ria mép.

Tháng 9/2017, ở bang Karnataka, người thuộc đẳng cấp trên đã đầu độc một giếng nước của người Dalit. Tháng 4/2017, một chú rể người Dalit bị hành hung ở bang Haryana vì cưỡi ngựa đến đám cưới của mình.

Theo nhóm nhân quyền Human Rights Watch, nhiều người Dalit không khai báo tội phạm với cảnh sát vì sợ bị trả thù và do khả năng đòi lại công lý thấp.

Vượt lên số phận không dễ

Để đối phó với nạn kì thị, Ấn Độ đặt chỉ tiêu tuyển người Dalit vào đại học và vào nhà nước. Nhưng vượt lên số phận không hề dễ dàng, nhất là khi họ bị kì thị từ sớm.

Học sinh Dalit bị đánh dấu bởi vòng tay màu và bị bắt dọn bồn cầu. Học sinh đẳng cấp trên thường tẩy chay bữa ăn do người Dalit nấu, theo BBC.

Một cuộc điều tra tại Viện Y học Toàn Ấn Độ, trường y học hàng đầu, cho thấy các sinh viên Dalit không được hỗ trợ đầy đủ hay chấm điểm công bằng. Họ bị hỏi về đẳng cấp và bị giáo viên lăng mạ trong các kì thi.

“Có một sự trù dập mang tính hệ thống đối với sinh viên người Dalit ở các trường đại học ở Ấn Độ. Họ thường bị giáo viên đánh trượt một cách cố ý”, Apoorvanand, giảng viên đến từ Đại học Delhi để thực hiện cuộc điều tra, nói với BBC.

Ông tìm thấy những lời lăng mạ viết trên cửa và tường nơi sinh viên Dalit ở trọ. Nhiều ý kiến nói có sự “ghét bỏ và thù địch” đối với các sinh viên “chỉ tiêu” người Dalit mà các sinh viên khác cho là chiếm suất học của mình.

Ấn Độ đã bị sốc khi Rohith Vemula, sinh viên học tiến sĩ người Dalit, treo cổ tự tử vì không chịu nổi sự kì thị ở Đại học Trung tâm Hyderabad.

Biểu tình nổ ra khắp Ấn Độ, kèm theo sự phẫn nộ khi có tin Vemula đã viết cho lãnh đạo trường xin phép được chết, nhưng trường đã làm ngơ.

Đáng buồn hơn, trong một thập kỉ trước bi kịch của Vemula, 8 sinh viên người Dalit cùng trường đã tự tử vì “không thể chịu đựng” sự kì thị, theo BBC. Một ước tính khác nói 18 sinh viên Dalit đã tự tử ở các đại học hàng đầu trong các năm 2007-2011.

Biểu tình ở Ấn Độ: Tầng lớp 3000 năm bị xã hội ruồng bỏ - 3
Cái chết của Rohith Vemula gây phẫn nộ và dẫn đến biểu tình trên khắp Ấn Độ. Ảnh: Press Trust of India.

Tiến sĩ Vinod Sonkar, một người Dalit, từng phải học từ xa vì không chịu được sự trêu chọc trên lớp.

Trong nhiều năm, ông làm việc chăm chỉ, mong bỏ lại thời thơ ấu nghèo đói, thời trung học bị bắt nạt và những năm đại học bị trêu chọc. Giờ đây, là tiến sĩ luật và giảng viên Đại học Delhi, ông là một câu chuyện thành công.

Nhưng ông vẫn phải chịu sự kì thị. Giọng ông trở nên tức giận khi kể với BBC một lần ông vào quán trà.

Chủ quán hỏi ông thuộc đẳng cấp nào. Sau khi biết ông là người Dalit, chủ quán nói “nếu vậy, nhớ rửa cốc sau khi uống”.

Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật