Cô Cao ở Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) là một doanh nhân. Với sự chăm chỉ và nhạy bén trong kinh doanh nhiều năm, cô đã tiết kiệm được 10 triệu NDT (hơn 34 tỷ đồng).
Cao cho rằng giữ 10 triệu NDT này ở nhà không an toàn và không thể tạo ra lợi nhuận, vì vậy cô đã nghĩ cách biến nó trở thành khoản đầu tư ổn định.
Tình cờ, Cao biết được từ một người bạn rằng gửi tiết kiệm tại một ngân hàng có chi nhánh ở Đại Liên rất ưu đãi, vì vậy cô đã liên lạc với ngân hàng.
Ngân hàng đã rất nhiệt tình tư vấn họ có thể đưa ra mức lãi suất hàng năm là 4,2% cho số tiền mà Cao dự định gửi vào.
Đối mặt với cám dỗ lớn như vậy, trong lòng Cao đã tính toán cô có thể nhận được 420.000 NDT (hơn 1,4 tỷ đồng) chỉ sau 1 năm.
Vì số tiền gửi vào không phải nhỏ nên Cao đã hơi do dự. Trước sự đắn đo của khách hàng, nhân viên ngân hàng đã đưa ra các chiến thuật tâm lý, bao gồm nhiều chính sách ưu đãi gần kết thúc, thuyết phục cô quyết định càng sớm càng tốt.
Cao về nhà kể lại cho chồng, anh Đường, về dự định của mình. Đường đặt câu hỏi về việc làm hơi “bốc đồng” của vợ, nhưng Cao khẳng định rằng sẽ không có sai lầm nào xảy ra.
Thấy chồng hoài nghi, Cao cũng cho biết, bạn mình đã gửi tiền tại ngân hàng có chi nhánh Đại Liên. Đường dần chấp nhận lựa chọn này dưới sự thuyết phục của vợ.
Sau đó, ngày 9/5/2017, hai vợ chồng lái xe đến Đại Liên để hoàn thành thủ tục gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Sau khi xác nhận lại rằng tiền lãi có thể được rút vào năm sau, Cao đã đề bút ký vào biên bản liên quan.
Trong gần một năm sau đó, Cao bận rộn với công việc, chưa từng kiểm tra thông tin trên thẻ.
Tháng 5/2018, Cao cho rằng thời hạn gửi tiền một năm sắp hết hạn nên đã tải ứng dụng ngân hàng trực tuyến của ngân hàng. Thế nhưng cô đã tá hỏa khi thấy số dư tài khoản thẻ tiết kiệm của mình là 0 NDT, và đã bị đóng băng gần một năm.
Thấy vậy, Cao hoảng sợ nên cùng chồng tức tốc đến Đại Liên để hỏi thăm tình hình. Ngân hàng thông báo với Cao rằng tiền gửi của cô đã bị đóng băng do cầm cố vào ngày thứ ba sau khi chính thức gửi tiền vào.
Trong các cuộc đàm phán tiếp theo, Cao biết thỏa thuận cầm cố quy định rằng tiền gửi của cô chỉ có thể được rút vào năm 2099. Nghe thấy điều này, Cao hoàn toàn tuyệt vọng, nói với nhân viên: "Khi đó còn sống không mà rút?".
Chồng chất vấn nhân viên ngân hàng, rằng vợ anh chỉ làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm, tại sao lại xuất hiện cầm cố?
Nhân viên ngân hàng chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng và cho biết sẽ mất thời gian để đưa ra quyết định xử lý cuối cùng.
Sau đó, hai vợ chồng đã nắm bắt kẽ hở này và nhiều lần đến ngân hàng để thu thập chứng cứ, nhưng ngân hàng cứ lảng tránh và không thể đưa ra giải pháp thỏa đáng.
Trước những lời lẽ chớp nhoáng của ngân hàng, hai vợ chồng bất lực đã phơi bày sự việc với truyền thông và tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận, đồng thời báo cáo sự việc lên Ủy ban Giám sát Bảo hiểm và Ngân hàng.
Sau khi nhận được báo cáo của Cao, phóng viên và cảnh sát đã tiến hành kiểm tra phía ngân hàng.
Sau đó, người ta phát hiện ra rằng ngay từ vài năm trước, Ủy ban Giám sát Bảo hiểm và Ngân hàng đã áp dụng các hình phạt liên quan đối với ngân hàng vì vi phạm các quy tắc bằng cách cho vay tiền gửi và tạo chính sách tiền gửi ảo.
Ngoài ra, trong vụ việc này, ngoài việc cầm cố trái phép tiền gửi của khách hàng, ngân hàng còn vi phạm các quy định pháp luật có liên quan. Tòa án phán phía ngân hàng phải hoàn trả toàn bộ tiền gửi 10 triệu NDT cho Cao.
“Mặc dù không có được tiền lãi như mong muốn nhưng lấy lại tiền ban đầu cũng đã may mắn lắm rồi. Tôi không đòi hỏi gì hơn, và xem chuyện lần này là kinh nghiệm nhớ đời”, Cao chia sẻ với phóng viên.
Theo Trung Hạ (Phụ Nữ Thủ Đô)