Biệt thự bí ẩn trong thương vụ mua tàu sân bay của TQ

22/08/2017 08:44:00

Doanh nhân Hong Kong chi khoản tiền lớn tậu biệt thự siêu sang để che đậy mục đích thực sự trong vụ mua lại tàu sân bay Varyag từ Ukraine - con tàu sau này trở thành tàu Liêu Ninh.

Doanh nhân Hong Kong chi khoản tiền lớn tậu biệt thự siêu sang để che đậy mục đích thực sự trong vụ mua lại tàu sân bay Varyag từ Ukraine - con tàu sau này trở thành tàu Liêu Ninh.

Tuy nhiên, mua tàu sân bay để làm sòng bạc chỉ là “tấm bình phong” che đậy câu chuyện ly kỳ về mục đích thực sự của nó đối với Hải quân Trung Quốc. Làm thế nào để một doanh nhân qua mặt tình báo phương Tây để họ tin rằng không có mục đích quân sự nào đứng sau thương vụ này.

Mua biệt thự để che mắt

Năm 1998, Xu Zengping chi 220 triệu đô la Hong Kong (khoảng hơn 28 triệu USD) để tậu một căn biệt thự siêu sang ở núi Thái Bình. Mục đích của việc mua sắm này nhằm chứng minh cho thế giới bên ngoài thấy rằng ông ta đủ khả năng tài chính để biến tàu sân bay dài hơn 300 m thành sòng bạc nổi.

Ông Xu giải thích lý do việc mua căn biệt thự rộng hơn 2.000 m2 để trả lời cho những cáo buộc gần đây trên truyền thông rằng ông “biển thủ công quỹ” để mua nó. “Bây giờ mọi người đều biết rằng sòng bạc nổi cũng là một phần của hoạt động núp bóng và đó không phải là hành vi của cá nhân tôi, mà cho đất nước của tôi”, ông Xu nói với SCMP.

Biet thu bi an trong thuong vu mua tau san bay cua TQ hinh anh 1

Ông Xu và vợ trong ngôi biệt thự siêu sang mà ông mua vào năm 1998. Ảnh: SCMP.

Tàu sân bay Varyag thuộc lớp Kuznetsov, từng được xem là “viên ngọc quý” của Hải quân Liên Xô. Tàu được đóng mới vào năm 1985, khi Liên Xô sụp đổ, con tàu đã hoàn thành khoảng 80% các hạng mục. Nhà máy đóng tàu ở Ukraine bán con tàu với giá 20 triệu USD để giải quyết khó khăn tài chính.

Tuy nhiên, Xu, cầu thủ bóng rổ, doanh nhân hợp tác với quân đội Trung Quốc chỉ có 30 triệu đô la Hong Kong (khoảng 2,5 triệu USD) tiền mặt khi ông nhận nhiệm vụ vào năm 1997. Ông nói rằng Mỹ và các nước phương Tây khác đã cố gắng can thiệp vào thỏa thuận mua lại tàu sân bay bằng cách điều tra cá nhân ông.

“Cách đơn giản nhất là mua một ngôi nhà sang trọng nhất ở thành phố vì các nước phương Tây không tin Bắc Kinh sẽ chi tiền cho tôi để mua biệt thự”, ông nói.

Để có tiền chi trả cho việc mua biệt thự, Xu cho biết đã bán 80% cổ phần của mình trong Công ty Agencia Turistica e Diversoes Chong Lot cho một công ty con của Công ty Chứng khoán Trung ương Trung Quốc với giá khoảng 230 triệu nhân dân tệ (27,7 triệu USD vào thời điểm đó).

“Tiền chuyển khoản được thực hiện tại một công ty kế toán ở Bắc Kinh chứ không phải Hong Kong, hay Macau vì chúng tôi không thể để cho bên ngoài biết có một công ty nhà nước tham gia vào hợp đồng này”, Xu nói.

Công ty Chứng khoán Trung ương Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin mà ông Xu cung cấp. Thỏa thuận được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đẩy Xu lên trang bìa các tạp chí ở Hong Kong. Ông Xu được cho là đã bán ngôi biệt thự vào năm 1999.

Để thuận tiện cho việc mua lại tàu sân bay Varyag, Xu và nhóm của ông tuyên bố động cơ, hệ thống phát điện, cùng với thiết bị điện tử và vũ khí của tàu sẽ bị bỏ lại tại nhà máy ở nhà máy đóng tàu Nam Nikolayev, Ukraine, trên bờ Biển Đen.

“Hợp đồng mua biệt thự và bỏ lại động cơ là những câu chuyện tin đồn nhằm đánh lừa phương Tây và các đối thủ cạnh tranh trong việc mua lại tàu sân bay này”, ông Xu tiết lộ. Ông cho biết thêm ở thời điểm những năm 1990, lãnh đạo Trung Quốc không ủng hộ việc mua lại tàu sân bay Varyag, những người tham gia vào thỏa thuận này phải chấp nhận những rủi ro rất lớn có thể xảy ra.

Ông Xu từng nói với SCMP rằng chính phủ Trung Quốc còn nợ ông 120 triệu USD trong thương vụ mua lại tàu sân bay Varyag. Ông nói rằng việc chính phủ không trả lại tiền mà ông đã chi ra khiến công ty ông gặp khó khăn tài chính lớn.

Bắc Kinh đổi ý

Ông Xu cho biết thêm lãnh đạo Trung Quốc đã thay đổi ý định với việc mua lại tàu sân bay Varyag, sau vụ Không quân Mỹ ném bom nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư (cũ) khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng vào năm 1999.

Biet thu bi an trong thuong vu mua tau san bay cua TQ hinh anh 2

Tàu sân bay Varyag trong quá trình kéo về cảng Đại Liên, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

2 năm sau đó, vụ va chạm giữa máy bay do thám của Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc trên vùng biển gần đảo Hải Nam vào năm 2001 đã thúc đẩy tham vọng tàu sân bay của Bắc Kinh. Điều đó dẫn đến chính phủ Trung Quốc trực tiếp tham gia vào giai đoạn sau của thỏa thuận mua lại tàu sân bay.

Phải mất 2 năm để kéo tàu sân bay Varyag từ Ukraine về đến cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh,Trung Quốc. Con tàu cập bến vào tháng 3/2002, quá trình sửa chữa tàu bắt đầu từ năm 2005 sau khi các nhà sản xuất Trung Quốc tìm ra cách chế tạo các tấm thép đặc biệt.

Sau 7 năm sửa chữa, nâng cấp, Varyag được đổi tên thành Liêu Ninh và trở thành tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc vào tháng 9/2012. Mặc dù là một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc mua lại tàu sân bay, Xu đã không lên tham quan tàu sân bay Liêu Ninh khi nó ghé thăm Hong Kong vào tháng 7, nhân kỷ niệm 20 năm trao trả cho Trung Quốc.

“Hải quân Trung Quốc đã nhiều lần mời tôi lên tham quan tàu nhiều lần kể từ khi nó được đưa vào sử dụng. Tôi đã nhận được 7 tấm vé mời và tôi đã phân phát chúng cho vài cá nhân ở Hong Kong, những người có đóng góp vào hợp đồng”, ông nói.

Theo Quốc Việt (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật