Biệt đội ám sát nhà khoa học Iran: Vô hiệu lưới điện, cô lập 'con mồi', hành quyết giữa đường

30/11/2020 15:18:35

Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran ông Mohsen Fakhrizadeh hôm 27/11 được tiến hành bởi biệt đội sát thủ chuyên nghiệp gồm 62 người - theo tờ New York Post (Mỹ).

Biệt đội ám sát nhà khoa học Iran: Vô hiệu lưới điện, cô lập 'con mồi', hành quyết giữa đường
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Iran đăng tải ngày 28/11/2020, cho thấy mọi người cầu nguyện trước lá quốc kỳ Iran phủ linh cữu nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh (Ảnh: Iranian Defense Ministry via AP)

50 người yểm trợ 12 sát thủ giết nhà khoa học Iran

NYP dẫn các báo cáo từ truyền thông bản địa cho hay, nhóm sát thủ đã tấn công các phương tiện sau khi nguồn cấp điện ở địa phương bị cắt.

Theo các nguồn tin của nhà báo danh tiếng người Iran Mohamad Ahwaze, biệt đội - mà giới chức Iran cáo buộc là do Israel cử đến - gồm một nhóm 50 người "hỗ trợ hậu cần" cho 12 sát thủ trực tiếp thực hiện vụ phục kích đoàn xe ông Fakhrizadeh.

Những kẻ này đã "tham gia các khóa huấn luyện đặc biệt, cũng như [tham gia] các cơ quan tình báo và an ninh ở nước ngoài" - Ahwaze viết trên Twitter.

"Biệt đội biết chính xác ngày tháng và lộ trình di chuyển của đoàn xe hộ tống ông Fakhrizadeh đến từng chi tiết nhỏ nhất," các nguồn tin của Ahwaze tiết lộ. Điều này cho phép sát thủ cắt điện khi nhà khoa học đến villa tư nhân của ông tại Absard, cách thủ đô Tehran khoảng 70 km về phía đông.

Chỉ ít lâu trước khi đoàn xe Fakhrizadeh rơi vào ổ phục kích, nhóm sát thủ "cắt điện hoàn toàn ở khu vực" này nhằm làm chậm các báo cáo được phát đi liên quan đến vụ ám sát cũng như chặn các cuộc gọi trợ giúp.

Fakhrizadeh ngồi ở vị trí trung tâm trong 3 chiếc xe chống đạn. Đoàn xe bị tấn công ngay sau khi chiếc xe đầu tiên tiến vào một bùng binh. Một chiếc xe hiệu Nissan sau đó được kích nổ để chặn đầu chiếc xe đi sau ông Fakhrizadeh, trong khi 12 tay súng từ một xe Hyundai Santa Fe và 4 xe mô tô ập vào tấn công nhà khoa học - Ahwaze nêu trong các tweet của mình.

"Sau khi bom xe được kích hoạt, 12 hung thủ xả súng nhằm vào xe của Fakhrizadeh cùng chiếc xe bảo vệ đầu tiên."

"Theo những nguồn tin Iran, kẻ cầm đầu nhóm sát thủ đưa Fakhrizadeh ra khỏi xe rồi bắn ông, sau đó kiểm tra để chắc chắn ông đã chết."

Không có thành viên nào của biệt đội sát thủ bị thương hay bị bắt trong cuộc đấu súng với các vệ sĩ của Fakhrizadeh.

Biệt đội ám sát nhà khoa học Iran: Vô hiệu lưới điện, cô lập 'con mồi', hành quyết giữa đường - 1
Người dân diễu hành ở thủ đô Tehran, Iran, sau vụ ám sát ông Fakhrizadeh (Ảnh: Reuters)

Giả thuyết vụ ám sát hoàn toàn điều khiển từ xa

Bên cạnh giả thuyết về nhóm sát thủ tập kích đoàn xe của nhà khoa học Iran, một giả thuyết khác được hãng Fars News của Iran đưa ra nói rằng vụ ám sát ông Fakhrizadeh được thực hiện bởi một khẩu súng máy gắn vào xe hơi và điều khiển từ xa.

Theo Fars, toàn bộ vụ ám sát được tiến hành hoàn toàn không có sự góp mặt của các sát thủ tại hiện trường - khác hoàn toàn với những mô tả từ các báo cáo đến lúc này về sự việc. Thông tin của Fars chưa được xác định đến từ các nguồn chính thức và chưa được giới chức Iran xác nhận.

Hãng này cho hay, vụ tấn công xảy ra trong khoảng 3 phút khi ông Mohsen Fakhrizadeh - một chuẩn tướng quân đội - di chuyển cùng vợ đến Absard. Loạt đạn từ súng máy nã vào xe bọc thép của Fakhrizadeh buộc ông phải rời phương tiện, trong khi nhà khoa học không ý thức rằng bản thân bị tấn công mà chỉ cho rằng tiếng nổ đến từ một vụ tai nạn.

Iran thề trừng phạt thủ phạm, Israel nói không biết gì

Vụ ám sát gây rúng động ngày 27/11 đã làm leo thang đột biến căng thẳng giữa Iran và Israel. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thề "trừng phạt dứt điểm những kẻ chủ mưu và những kẻ ra lệnh" vụ việc. Ông gọi Fakhrizadeh là "nhà khoa học hạt nhân và quốc phòng lỗi lạc và kiệt xuất của đất nước. Các nhà phân tích so sánh Fakhrizadeh với Robert Oppenheimer - nhà khoa học dẫn dắt Dự án Manhattan của Mỹ trong Thế chiến II, tạo ra bom nguyên tử.

Quốc hội Iran ngày 28/11 tổ chức phiên điều trần kín về vụ ám sát nhà khoa học của họ. Các nhà lập pháp nước này đã hô hào "Cái chết cho nước Mỹ!" và "Cái chết cho Israel!".

Người phát ngôn Quốc hội Mohammad Baqer Ghalibaf tuyên bố sau phiên họp, hành động trả đũa mạnh mẽ sẽ được tiến hành, bởi "kẻ địch tội phạm sẽ không hối hận trừ khi có phản ứng mạnh mẽ".

Israel đặt các sứ quán của họ trên khắp thế giới trong tình trạng báo động cao sau đe dọa của Tehran.

Các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc nói chương trình vũ khí hạt nhân của Fakhrizadeh đã bị giải thể vào năm 2003, nhưng người Israel nghi ngờ chương trình nguyên tử của Tehran cũng như sự tham gia của nhà khoa học này chưa từng kết thúc.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu năm 2018 chỉ đích danh ông Fakhrizadeh là người chỉ huy chương trình hạt nhân của Iran, với mục tiêu cao nhất là tạo ra bom nguyên tử.

Amos Yadlin, Giám đốc Viện nghiên cứu an ninh quốc gia, Đại học Tel Aviv, cáo buộc Fakhrizadeh điều hành "tất cả hoạt động bí mật liên quan đến vũ khí hóa [hạt nhân]". Ông cho rằng cái chết của Fakhrizadeh "không thể đo lường bởi không ai biết chính xác phạm vi và mức độ [chương trình vũ khí hạt nhân] mà người Iran tiến hành".

"Nhưng không có gì phải nghi ngờ, ông ta (Fakhrizadeh) là cốt lõi về thẩm quyền, tri thức cùng tổ chức của chương trình này."

Israel không đưa ra bình luận gì về cái chết của Mohsen Fakhrizadeh. Bộ trưởng Nội các nước này, ông Tzachi Hanegbi, khẳng định ông "không có manh mối gì" về những kẻ đứng sau.

"Không phải tôi kín miệng bởi vì tôi có trách nhiệm trong đó, mà do tôi thực sự không có manh mối gì," ông Hanegbi nói.

Theo Hải Võ (Pháp luật & Bạn đọc)