Trong tuyên bố được đưa ra sau phiên họp hai ngày ở Dinard, Pháp, nhóm 7 nước kinh tế phát triển - gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ - và đại diện Liên minh châu Âu (EU) "phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng và gây tổn hại ổn định khu vực cùng trật tự hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế".
"Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc tham gia một cách có trách nhiệm vào hệ thống tự do và cởi mở trên nền tảng luật pháp quốc tế," tuyên bố của G7 có đoạn
Theo Kyodo News (Nhật Bản), tuyên bố chung G7 là thông điệp chỉ trích nhằm vào hoạt động quân sự hóa phi pháp mà Trung Quốc tiến hành trên các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở biển Đông.
Bản tuyên bố cũng được cho là thể hiện sự ủng hộ của G7 đối với Nhật Bản và phản đối nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung-Nhật đang tranh chấp về chủ quyền.
Trong khi đó, sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc không vấp phải phản ứng nào của G7, sau khi Italy trở thành nước đầu tiên của nhóm này gia nhập chương trình hạ tầng do Trung Quốc khởi xướng.
Ngoài các nội dung trên, tuyên bố chung G7 cũng thể hiện thái độ chỉ trích Trung Quốc nhằm vào một số vấn đề khác như đánh cắp sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường,... với kêu gọi Bắc Kinh xử lý tình trạng ăn cắp tài sản trí tuệ và mở cửa thị trường trong nước - hai lĩnh vực chủ yếu trong các vòng đàm phán nhằm kết thúc thương chiến giữa Trung Quốc với Mỹ.
"Chúng tôi chia sẻ lo ngại về chiến lược công nghiệp, thực tiễn đầu tư, bảo vệ sở hữu trí tuệ thiếu sót và hạn chế trong đầu tư nước ngoài trực tiếp, cấp phép công nghệ, cùng hàng loạt quy định hành chính và không chính thức - điều gây ra thách thức cho các doanh nghiệp nước ngoài," tuyên bố chung viết.
"Chúng tôi thúc giục Trung Quốc thực thi những cam kết về không tham gia hoạt động mạng độc hại - bao gồm trộm cắp sở hữu trí tuệ trên mạng với mục đích chiếm ưu thế, kể cả trong các lĩnh vực thương mại."
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vắng mặt tại phiên họp, làm dấy lên lo ngại về sự đoàn kết của G7. Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Pháp đã xoa dịu ý kiến lo lắng, cho biết sự vắng mặt của ông Pompeo chỉ do lịch trình hoạt động trong nước của ông.
Theo Hải Võ (Soha/Trí Thức Trẻ)