Mặc dù chiến dịch tăng tốc triển khai vaccine ngừa Covid-19 có tên gọi Operation Surge Capacity đã giúp giảm tải một phần cho hệ thống y tế của Malaysia vốn đang căng mình đối phó với số ca mắc tăng đột biến thời gian gần đây, nhưng nhiều nhân viên y tế tuyến đầu vẫn phải gánh chịu áp lực lớn. Một số người thậm chí đã bỏ việc.
Quyết định giữa sự sống và cái chết
Sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta đã khiến Malaysia chứng kiến đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất trong 2 tháng qua. Số ca tử vong đã tăng gấp hơn 3 lần từ con số 4.276 tính đến ngày 18/6 lên tới 13.302 ở thời điểm hiện tại. Hôm 18/8, Malaysia ghi nhận mức kỷ lục 22.242 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 1,46 triệu.
Tuy vậy, ông Noor Hisham Abdullah, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia cho biết, số ca nhập viện và số ca cần chăm sóc đặc biệt ở những khu vực đông dân cư như Kuala Lumpur và Putrajaya đang giảm dần sau đợt tiêm chủng. Bệnh viện Tengku Ampuan Rahimah ở Klang – nơi từng báo cáo phải hoạt động quá công suất, đã chứng kiến tỷ lệ nhập viện giảm 50% kể từ tuần trước.
Nhưng với số ca mắc mới theo ngày vẫn ở mức cao kỷ lục, các bác sỹ Malaysia cho biết họ đang kiệt sức không thể nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” suốt thời gian dài và mỗi ngày đều phải đưa ra quyết định về sự sống và cái chết của bệnh nhân.
Bác sỹ Raja chia sẻ với tờ This Week in Asia rằng, việc liên tục phải chứng kiến những cái chết và tình trạng đau đớn của bệnh nhân đã khiến họ “kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất”.
Họ cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm vì đã thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Trước đó hôm 16/8, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin chính thức tuyên bố từ chức và diễn biến mới nhất này trên chính trường đã gây khó khăn hơn nữa cho nỗ lực phục hồi kinh tế và dập tắt dịch bệnh.
“Có một đoàn nhân viên y tế tuyến đầu đã rời đi vì họ không muốn phải quyết định lựa chọn ai sẽ là người được sống và ai phải chết. Tình hình có lẽ sẽ không tồi tệ như vậy nếu những người chịu trách nhiệm quan tâm đến những gì mà các bác sỹ khuyến cáo”, bác sỹ Raja cho biết.
Tháng 7 vừa qua, khoảng 8.000 bác sỹ hợp đồng từ các bệnh viện công đã tổ chức tuần hành sau khi khiếu nại của họ về tình trạng thiếu an toàn trong quá trình làm việc không được chính phủ giải quyết. Các bác sỹ hợp đồng tại Malaysia làm việc theo một hệ thống được ban hành vào năm 2016 để giải quyết tình trạng thừa nhân viên y tế ở thời điểm đó. Họ được yêu cầu phải làm việc trong 5 năm mà không có bất cứ sự đảm bảo nào về việc gia hạn hợp đồng.
Bác sỹ Raja cho biết, trải nghiệm này của họ giống với những gì mà các bác sỹ Ấn Độ phải chịu đựng trong đợt dịch bùng phát vào tháng 5. Trên thực tế, mức độ tàn phá là tương tự nếu so sánh tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong trên quy mô dân số.
Tính riêng trong tuần này, số ca mắc theo ngày tính bình quân trên 1 triệu người tại Malaysia là 637,81 và số ca tử vong theo ngày trên 1 triệu người là 8,45. Tại Ấn Độ các con số này trong đợt đỉnh dịch vào tháng 5 lần lượt là 283,50 và 3,04.
Các bác sỹ phải đưa ra rất nhiều lựa chọn, trong đó có việc quyết định liệu có nên cho bệnh nhân sử dụng máy thở hay không. Quyết định này còn phụ thuộc vào tình trạng quá tải tại bệnh viện và việc thiếu trang thiết bị y tế.
“Nếu có sẵn máy thở hoặc thuốc điều trị thích hợp, chúng tôi sẽ cho bệnh nhân dùng ngay lập tức. Nhưng trong một số trường hợp bác sỹ phải tính toán xem liệu tình trạng của bệnh nhân chuyển biến nặng đến mức phải dùng máy thở hay không. Trong tình huống như vậy, chúng tôi phải cân nhắc để dành ưu tiên cho những người khác”, bác sỹ Raja chia sẻ.
Không thể thu xếp giường cho bệnh nhân
Nhiều bài đăng tải trên mạng xã hội cho biết, có rất nhiều người gặp khó khăn khi tìm kiếm giường bệnh tại bệnh viện. Có những bệnh nhân mắc Covid-19 đã suy sụp sức khỏe và tử vong tại nhà sau khi bác sỹ yêu cầu họ chữa trị tại nhà vì được cho là không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Michelle Ng Mei Sze, một nữ dân biểu ở bang Selangor đã kể lại trải nghiệm đầy khó khăn khi nhóm của cô cố gắng giúp đỡ một bệnh nhân sau khi các bệnh viện từ chối tiếp nhận người này vì không còn chỗ trống. Trên trang Facebook, Mei Sze cho biết, cô nhận được một cuộc gọi vào lúc nửa đêm từ một người đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho hàng xóm của họ đang bị khó thở, nôn mửa và “cảm thấy như sắp chết”. Nhưng những người phụ trách đường dây nóng nói rằng đang có rất nhiều người xếp hàng dài để chờ đợi xe cấp cứu.
Bệnh nhân cuối cùng đã được nhập viện sau khi mọi người phải thức cả đêm để gọi điện hỏi xem có bất cứ cơ sở y tế nào còn giường bệnh hay không. Michelle Ng Mei Sze nói rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính phủ đã nới lỏng hạn chế chống dịch tại những khu vực có số ca bệnh giảm.
Trên trang Instagram cá nhân, Maxy Chan – người có cha bị mắc Covid-19, đã đăng tải từng mốc thời điểm dẫn đến cái chết của cha cô. Bài viết đã nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội, làm dấy lên những cuộc thảo luận đầy căng thẳng về hệ thống y tế vốn đang quá tải. Các quan chức Malaysia dự đoán, giai đoạn đỉnh dịch có thể diễn ra vào giữa tháng 9 với số ca mắc theo ngày được dự đoán lên tới 24.000 ca.
“Đã quá muộn”
Ông Khoo Yoong Khean – tổng biên tập tạp chí Malaysian Medical Gazette cho biết việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng - với 53% trên tổng số 33 triệu người dân được tiêm ít nhất 1 liều vaccine – đã mang lại cho đội ngũ y tế hy vọng về một lối thoát trong cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để đẩy lùi dịch bệnh.
“Chúng ta vẫn cần tăng cường năng lực y tế, cần phải lên kế hoạch cẩn thận về cách phân bổ và sử dụng các nguồn lực bởi như những gì chúng ta đang chứng kiến, dịch bệnh đã vắt kiệt cả tinh thần và sức khỏe của người dân”.
Gánh nặng với hệ thống y tế có thể được giảm nhẹ vào tháng 10 khi dịch bệnh giảm bớt và tất cả những người trưởng thành được tiêm vaccine đầy đủ. "Nhưng tôi lo lắng chờ đến lúc đó thì quá muộn”, ông Khoo Yoong Khean nói.
Đối với bác sỹ Raja, người phải làm việc liên tục không ngừng nghỉ trong 12 tiếng đồng hồ thì đó vẫn là viễn cảnh xa vời. Mặc dù cô cũng có những giây phút được an ủi khi bệnh nhân và người thân của họ đưa ra những lời động viên tinh thần, nhưng áp lực công việc thực sự rất khủng khiếp.
Cô chia sẻ, việc đáng sợ nhất là báo tin xấu cho các gia đình bệnh nhân. Khi được hỏi cô sẽ mô tả trải nghiệm của bản thân như thế nào trong cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất của Malaysia trong 1 thế hệ, Raji nói rằng: “Tôi không thể nghĩ thêm bất cứ điều gì. Tôi thậm chí không có không gian và thời gian để suy nghĩ”./.
Theo Hồng Anh (Vov.vn)