Bị truy tố hình sự, sự nghiệp chính trị của ông Trump có bị ảnh hưởng?

31/03/2023 14:26:45

Giới phân tích cho rằng, quyết định của bồi thẩm đoàn Manhattan có thể khiến hệ thống chính trị của Mỹ đối mặt với khó khăn, thách thức chưa từng có, gây ảnh hưởng lớn đối với tiến trình tranh cử của ông Trump năm 2024.

Ông Donald Trump đã trở thành cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ phải đối mặt với các cáo buộc hình sự sau khi bồi thẩm đoàn Manhattan, thành phố New York, Mỹ ngày 30/3 ra quyết định truy tố ông liên quan đến cáo buộc ông chi tiền để bịt miệng một nữ diễn viên phim người lớn.

Bản cáo trạng được đưa ra chỉ vài tháng sau khi cựu Tổng thống Trump công bố ý định tái tranh cử. Thông tin chi tiết về bản cáo trạng vẫn chưa được công khai vào thời điểm này.  

Giới phân tích cho rằng, quyết định của bồi thẩm đoàn Manhattan có thể khiến hệ thống chính trị của Mỹ đối mặt với khó khăn, thách thức chưa từng có. Bản cáo trạng cũng được cho là sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với Quốc hội Mỹ cũng như chặng đường tranh cử của ông Trump năm 2024.

Nguồn gốc cuộc điều tra

Cuộc điều tra của Công tố viên quận Manhattan diễn ra lần đầu tiên dưới thời người tiền nhiệm của Alvin Bragg là ông Cyrus Vance khi Tổng thống Trump còn tại vị trong Nhà Trắng, xoay quanh cáo buộc ông Trump chi 130.000 USD để "mua sự im lặng" của diễn viên phim người lớn Stormy Daniels về nghi vấn ngoại tình với ông Trump, thông qua luật sư lúc bấy giờ của ông là Michael Cohen trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử năm 2016. 

Bị truy tố hình sự, sự nghiệp chính trị của ông Trump có bị ảnh hưởng?
Ông Donald Trump bị truy tố hình sự. Ảnh: Politico

Vấn đề chính trong cuộc điều tra là khoản thanh toán cho diễn viên Daniels và khoản chi trả của tập đoàn Trump Organization cho luật sư Cohen. Theo hồ sơ tòa án, các giám đốc điều hành của tập đoàn Trump đã ủy quyền thanh toán cho ông Cohen 420.000 USD để chi trả khoản thanh toán 130.000 USD ban đầu và các khoản nợ thuế, đồng thời đưa cho ông một số tiền thưởng.

Các công tố viên quận Manhattan cũng được cho là đã thu thập được một số tấm séc làm bằng chứng cho việc chuyển tiền của ông Trump cho bà Daniels. Cuộc điều tra này đã gây ra nhiều thách thức với Tổng thống Trump khi ông còn là tổng thống và chỉ là một trong số rất nhiều cuộc điều tra mà ông đang phải đối mặt khi chuẩn bị tái tranh cử vào Nhà Trắng lần thứ 3. Ngoài cáo buộc này, ông Trump cũng bị điều tra về cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh, trốn thuế và vi phạm luật liên quan đến tài trợ chiến dịch tranh cử

Phản ứng của ông Trump

Tổng thống Trump đã lên án bản cáo trạng của bồi thẩm đoàn Manhattan, cho rằng đây là “cuộc đàn áp chính trị và can thiệp bầu cử ở cấp độ cao nhất trong lịch sử”. "Tôi tin rằng cuộc săn phù thủy này sẽ phản tác dụng đáng kể đối với ông Joe Biden. Người dân Mỹ nhận ra chính xác những gì Đảng Dân chủ đang làm ở đây", ông Trump nói.

"Phong trào và đảng của chúng ta - vốn đoàn kết và mạnh mẽ - trước tiên sẽ đánh bại ông Alvin Bragg, sau đó chúng ta sẽ đánh bại ông Joe Biden. Chúng ta sẽ đánh bại những người cuối cùng của đảng Dân chủ để khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Trump nhấn mạnh.

Trước đó, ông Trump nhiều lần phủ nhận cáo buộc mà các công tố viên đưa ra trong cuộc điều tra. Trong thông báo trên tài khoản Truth Social hồi đầu tháng 3, ông Trump viết: “Tôi không làm gì sai. Tôi chưa bao giờ ngoại tình với Stormy Daniels”. Một người phát ngôn của cựu tổng thống cho biết ông đã nêu bật sự “vô tội một cách đúng đắn” bằng cách kêu gọi những người ủng hộ ông lên tiếng phản đối trong trường hợp ông bị buộc tội.

 

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Sau khi quyết định truy tố được đưa ra, Văn phòng công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg sẽ liên hệ với các luật sư của ông Trump để yêu cầu ông ra đầu thú và hầu tòa. Trước khi ban hành bản cáo trạng, các công tố viên tại văn phòng của Bragg yếu cầu ông Trump xuất hiện trước đại bồi thẩm đoàn để điều tra.

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng ông Trump vẫn có thể tiếp tục tranh cử vào Nhà Trắng một cách hợp pháp khi phải đối mặt với các cáo buộc hình sự. Giáo sư Saikrishna Prakash tại trường luật của Đại học Virginia cho rằng, Hiến pháp Mỹ không đưa ra bất cứ quy định nào đối với các ứng cử viên tranh cử tổng thống nếu họ bị truy tố hoặc bị bắt giam. “Không có quy định nào nói rằng nếu một người bị truy tố, người đó không thể tranh cử theo Hiến pháp. Và cũng không có luật lệ nào quy định nếu họ đang ở trong tù, họ không thể tranh cử. Có thể thấy Hiến pháp cũng có những điểm hạn chế khi không quy định rõ một cá nhân có thể tranh cử hay không nếu họ đang bị truy tố hoặc bắt giam”.

Tuy vậy, ẩn số lớn nhất là khi nào việc truy tố hình sự hoặc kết án có thể diễn ra và liệu điều này có xảy ra khi ông Trump chính thức ứng cử hay không. Những câu hỏi này có thể trở nên ám ảnh hơn nếu cựu tổng thống Trump tái đắc cử vào Nhà Trắng năm 2024.

Bà Susan Low Bloch, giáo sư luật hiến pháp của Trường luật Georgetown nói rằng: “Không rõ cựu Tổng thống Trump có thể tranh cử hay không vì chưa từng có trường hợp nào như vậy xảy ra”. Theo chuyên gia này, nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống năm 2024, sẽ có hai khả năng: “Khả năng thứ nhất là ông vẫn phải tham gia phiên tòa xét xử trong khi làm tổng thống. Khả năng thứ hai là bản cáo trạng bị đình chỉ”.

Bà Susan Low Bloch không cho rằng một tổng thống đương nhiệm sẽ bị xét xử và truy tố, thay vào đó việc truy tố có thể diễn ra sau khi họ rời nhiệm sở./.

Theo Hồng Anh (VOV.vn)