Sự khét tiếng của tổ chức IS một phần có được từ ý chí quyết tử của các tay súng, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng và ít khi tự nguyện đầu hàng. Nhưng hiện tại, tình thế đã thay đổi.
AP dẫn lời Thiếu tướng Paul Funk, chỉ huy liên quân chống IS ở Iraq và Syria, cho biết: "Thủ lĩnh IS đang bỏ mặc lính để tháo chạy. Chúng đã tuyệt vọng."
Nhiều nhóm phiến quân đang tự nộp mình cho lực lượng Peshmerga của người Kurd ở phía tây nam tỉnh Kirkuk, một cảnh tượng chưa từng có từ trước tới nay.
Sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố hoàn toàn giải phóng Hawija, tướng Funk trả lời phóng vấn qua điện thoại, nhận xét: "Số quân khủng bố đầu hàng khiến tôi cảm thấy bất ngờ."
Theo ông, chỉ trong vòng ba hoặc bốn ngày, khoảng 1.000 lính IS đã tự nộp mình cho liên quân do Mỹ dẫn đầu. Ước tính trước đó, có khoảng 1.500 tên khủng bố cố thủ tại Hawija.
"Thủ lĩnh IS đang bỏ mặc lính để tháo chạy. Chúng đã tuyệt vọng." Ảnh: Reuters |
Từ sau trận đánh mang tính quyết định tại Mosul hồi tháng 7, sự sụp đổ của mạng lưới IS có phần gia tăng nhanh chóng.
Sự khét tiếng của tổ chức IS một phần có được từ ý chí quyết tử của các tay súng, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng và ít khi tự nguyện đầu hàng.
Nhưng khi những thủ lĩnh cuồng đạo bị tiêu diệt, nhóm lính IS còn sót lại là những người bị ép tham gia chiến đấu, trong đó có nhiều thường dân địa phương và nước ngoài, không hề có tham vọng giao tranh.
"Họ xuất hiện, đặt vũ khí xuống đất, hai tay giơ lên trời, hoàn toàn tự nguyện. Xu hướng này ngày càng tăng," tướng Funk nói.
Một người bị nghi là IS trong cuộc thẩm vấn của người Kurd. Ảnh: AP |
Theo lời kể của những người đầu hàng, họ bị các thủ lĩnh "ruồng rẫy, bỏ đói, quịt lương."
Tuần trước, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đưa ra thông điệp kêu gọi các chiến binh tiếp tục chiến đấu cho ngày toàn thắng của Nhà nước Hồi giáo. Nhưng ngay ngày hôm sau, hàng trăm lính IS đã đầu hàng vô điều kiện. "Tôi không nghĩ lời hiệu triệu đó có tác dụng," tướng Funk nhận định.
Những lính IS đầu hàng được kiểm soát nghiêm ngặt bởi lực lượng người Kurd hoặc quân đội Iraq.
Theo các sĩ quan cấp cao của liên quân, trận chiến vẫn chưa kết thúc bởi IS vẫn nắm quyền kiểm soát các thị trấn và làng dọc bờ sông Euphrates tại Iraq và Syria.
Lính IS đầu hàng dưới sự quản lí của người Kurd. Ảnh: Reuters |
Hiện tại, Baghdad và chính quyền địa phương người Kurd đang vấp phải mâu thuẫn chính trị khi người Kurd tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập. Nhưng trên chiến trường, hai lực lượng này vẫn phối hợp, cùng đẩy lùi nhóm khủng bố IS.
Dù vậy, chính quyền ông Abadi vẫn cương quyết không chấp nhận tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu cũng như sự độc lập của lãnh thổ người Kurd.
Iraq đã cấm các chuyến bay qua lãnh thổ người Kurd, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gửi quân đội tới đường biên giới để phản đối người Kurd đòi độc lập.
Theo Tất Đạt (Soha/Thời Đại)