Người đàn ông họ Wang bắt đầu làm việc cho công ty kể trên từ tháng 04/2006, và làm việc theo hợp đồng tự do từ tháng 04/2013.
Tháng 12/2014, Wang phải điều trị vì "vấn đề liên quan hậu môn", bắt đầu chuỗi ngày sử dụng nhà vệ sinh quá lâu.
Dù điều trị thành công, Wang vẫn cho biết anh ta bị đau dai dẳng và phải sử dụng nhà vệ sinh 3-6 tiếng mỗi ngày từ tháng 07/2015.
Theo hồ sơ của công ty, từ 07/09 tới 17/09/2015, Wang vào nhà vệ sinh 2-3 lần trong mỗi ca làm việc, tổng cộng anh vào nhà vệ sinh 22 lần. Mỗi lần Wang sử dụng nhà vệ sinh dài từ 47 phút tới 196 phút.
Hôm 23/09/2015, công ty thanh lý hợp đồng với Wang, lấy lý do những quy định dành cho nhân viên về việc về sớm hay vắng mặt không phép. Wang sau đó khởi kiện đòi công ty tuyển dụng lại và tiếp tục làm việc theo hợp đồng tự do như trước.
Tuy vậy, sau quá trình tranh chấp pháp lý kéo dài, Wang bị xử thua cuộc. Tòa án cho rằng việc Wang sử dụng toilet hàng ngày quá lâu đã vượt qua ngưỡng cần thiết, và việc sa thải anh là hợp pháp và hợp lý.
Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc tỏ ra bị sốc trước vụ kiện.
"Ngồi tới bốn giờ đồng hồ trong toilet, với ngày làm việc 8 tiếng? Công ty nào chấp nhận nổi điều đó?," một người đặt câu hỏi.
"Giống như là anh ta được trả lương để đi vệ sinh vậy," một người khác bình luận.
"Người bị bệnh đáng được thông cảm, nhưng không ai nên coi đó là cái cớ. Nếu anh ta thắng kiện, toilet công ty chắc sẽ chật ních người giống như anh ta," một người khác viết.
Gần đây, một số công ty Trung Quốc áp dụng các biện pháp quản lý thời gian nhân viên sử dụng nhà vệ sinh, gây phản ứng dư luận.
Hai năm trước, một công ty ở tỉnh Quảng Đông phạt nhân viên 20 nhân dân tệ nếu họ sử dụng toilet nhiều hơn một lần mỗi ngày.
Năm 2018, công ty NetEase chi khoảng hai triệu nhân dân tệ để chặn sóng internet trong nhà vệ sinh.
Cả hai trường hợp đều khiến dư luận phẫn nộ, chỉ trích các công ty này bóc lột nhân viên.
Đan Anh (SHTT)