Khi Edward Hayes còn là cậu bé 10 tuổi, ông thường được mọi người gọi là Billy. Ông chuyển đến nhà tế bần John Reynolds ở hạt Lancashire (Anh) do các nữ tu của Nhà thờ Thiên chúa quản lý. Khi đó Billy là cậu bé gầy còm, suy dinh dưỡng, bị bỏ rơi, vì vậy được cưu mang ở nhà John Reynolds là một niềm may mắn.
Năm đầu tiên ở trại tế bần là những ngày tháng hạnh phúc mà cho đến lúc này ông Hayes vẫn còn nhớ rõ. Tuy nhiên mọi chuyện thay đổi từ khi sơ Mary Conleth chuyển đến vài năm sau đó. Sơ Conleth làm việc tại phòng giặt là và yêu cầu Billy đến giúp.
Khi đó Billy mới 12 tuổi vì vậy cậu bé không phải làm việc nhiều. Cho đến một ngày, khi đang ở phòng giặt là, sơ Conleth bỗng nhiên kéo quần của cậu bé xuống, đẩy cậu bé nằm xuống nhà rồi ngồi lên người cậu.
Ông Hayes nhớ lại: “Cô ta làm vậy với tôi ngày càng thường xuyên và không bao giờ mặc quần lót. Cô ta hay nói bậy với tôi. Tôi không bao giờ để cô ta hôn tôi vì tôi cho rằng hôn nhau sẽ tạo ra em bé”.
Đến năm 14 tuổi, Billy phải chuyển phòng. Từ đó sơ Conleth đến gặp cậu bé cả vào ban đêm.
Mọi chuyện chấm dứt từ tháng 4/1956, sau khi sơ Conleth tuyên bố mình đã mang thai. Nhưng cậu bé Billy vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra và không tin mình lại có thể khiến sơ Conleth có thai vì hai người không hề hôn nhau.
Sau đó sơ Conleth bị buộc quay lại quê nhà ở Ireland, còn Billy cũng bị đuổi khỏi nhà tế bần cuối năm 1956.
Đi khỏi nhà tế bần, Billy được một gia đình nhận nuôi. Quãng đời thanh niên của Billy vô cùng hỗn loạn. Năm 21 tuổi, ông mắc chứng nghiện rượu. Ông kết hôn và có 2 người con nhưng rồi hôn nhân cũng sớm tan vỡ. Sau đó ông tham gia quân đội nhưng 5 năm sau thì buộc phải giải ngũ vì bị mụn nhọt do việc nghiện rượu trong quá khứ.
Hành trình đi tìm sự thật
Nhớ lại những ngày tháng khó khăn, ông Hayes nói: “Ngày nào tôi cũng nghĩ về việc bị lạm dụng. Tôi cố uống thật nhiều để quên đi mọi chuyện. Tôi không dám kể chuyện này cho ai, kể cả vợ tôi”.
Đến năm 1998, lúc này, khi đang làm thợ in chữ, ông đọc được một bài báo về một người bị lạm dụng tình dục, thủ phạm cũng là người thuộc Nhà thờ Thiên Chúa. Ông Hayes quyết định lên tiếng.
Hayes bắt đầu bằng việc trình báo với cảnh sát, rồi tìm gặp một nhân viên công tác xã hội, nói chuyện với nghị sĩ của vùng. Nhưng phải đến khi ông gặp được nhóm MACSAS, chuyên giúp đỡ nạn nhân bị xâm hại tình dục, cuộc đời của ông mới bắt đầu thay đổi.
Tổ chức này giúp ông chuyển chỗ ở đến một nơi tốt hơn, giúp ông liên lạc lại với gia đình. Năm 2012, ông nhận được sự hỗ trợ pháp lý và bắt nhà thờ phải chịu trách nhiệm trước tòa. Ông yêu cầu bồi thường và nhận được 20.000 USD, tuy nhiên hầu như toàn bộ số tiền đều được dùng để chi trả cho các chi phí pháp lý. Số tiền này không đáng là bao so với những gì ông Hayes phải chịu đựng suốt mấy chục năm trời.
Ngoài tìm cách phơi bày sự thật ở nhà thờ, ông Hayes vẫn tha thiết tìm kiếm người con của mình với sơ Conleth. Đây là cách duy nhất để bù đắp cho những khốn khổ của người đàn ông này. Sơ Conleth qua đời từ năm 2002, vì vậy việc tìm con của ông Hayes càng gặp khó khăn. Ông thậm chí còn không biết con mình là gái hay trai. Dù liên tục cầu xin, nhưng phía nhà thờ nhất định không chịu nói cho ông thông tin về người con.
Đoàn tụ
Cuối cùng hạnh phúc cũng đã đến với ông Hayes. Tháng 4 vừa rồi, ở tuổi 76, ông Hayes đã được gặp con gái, năm nay 62 tuổi, cùng 4 người cháu.
Ông Hayes nói với phóng viên: “Tôi chưa bao giờ dám tin ngày này sẽ đến với tôi. Những năm tháng cuối đời của tôi sẽ vô cùng tươi đẹp”.
Con gái ông Hayes cũng không thể giấu được niềm vui mừng: “Tôi và gia đình vô cùng hạnh phúc. Sau 20 năm tìm cha, cuối cùng tôi cũng tìm được ông ở tuổi 62. Các con tôi giờ đã có ông ngoại”.
Để có được ngày hôm nay, ông Hayes phải vô cùng dũng cảm lên tiếng. Nạn nhân bị xâm hại tình dục tại các Nhà thờ thường bị bỏ mặc và cũng hiếm ai dám lên tiếng. Vụ việc của ông Hayes có thể sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những nạn nhân khác còn chưa dám lên tiếng đòi lại công bằng cho mình.
Theo QN (Saostar.vn)