Thời đại bây giờ, nhiều người hiểu rằng ly hôn là để hạnh phúc. Tuy nhiên cách đây khoảng 100 năm trước, đó lại là một sự kiện kinh hoàng. Thế nhưng một người phụ nữ vẫn mạnh mẽ vượt qua biến cố, tạo dựng cuộc sống khác.
Người phụ nữ bị ly hôn vì 6 năm không sinh con
Nhân vật đó chính là Mạc Tú Anh. Bà sinh năm 1900, được mệnh danh là "Mẹ Quảng Đông" vì hàng loạt đóng góp cho vùng đất này. Tên của bà cũng được đặt cho nhiều con đường tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước khi đạt được điều đó, cuộc đời Mạc Tú Anh thật sự thê thảm.
Bà sinh ra trong gia đình nghèo khó và sớm bị hứa hôn. Người chồng này gia cảnh giàu có, bà ngoại Mạc Tú Anh nghĩ rằng gả cháu vào đây thì cháu sẽ có được sung sướng, cơm ăn áo mặc không phải lo. Tuy nhiên, từ sau khi về nhà chồng, "cuộc sống địa ngục" của bà mới bắt đầu.
Mặc dù luôn chu toàn việc nhà nhưng bà vẫn bị chồng đánh đập suốt ngày. Người chồng này thích uống rượu, mê cờ bạc và gái gú. Anh ta coi vợ như món đồ sở hữu nên chỉ cần không ưng ý điều gì là lại tiến hành bạo lực gia đình.
Sau 6 năm kết hôn, Mạc Tú Anh vẫn chưa mang thai. Gia đình chồng thử nhiều cách nhưng bụng của bà vẫn chưa có động tĩnh gì.
Thấy vậy, gia đình chồng quyết định vứt bỏ cô con dâu "không biết đẻ". Năm 1920, hai vợ chồng ly hôn. Nhà chồng đuổi Mạc Tú Anh ra đường mà không cho mang theo bất cứ tài sản nào.
Tuyệt vọng và đau đớn, bà phải xin đi biểu diễn Kinh kịch trên sân khấu, kiếm kế sinh nhai.
Ngày xưa Mạc Tú Anh có năng khiếu nên bà ngoại đã cho đi theo học Kinh kịch mấy năm. Ai ngờ đâu đó lại là cái nghề để Tú Anh kiếm sống sau này.
Vào những năm đó, một người phụ nữ bị chồng bỏ là điều cực kỳ khủng khiếp. Cuộc sống của họ gần như không còn bao nhiêu lựa chọn.
Cuộc hôn nhân thứ 2 cùng đỉnh cao danh vọng
Bà quay lại với sân khấu biểu diễn sau nhiều năm. Dù có khó khăn nhưng nhờ nền tảng vững chắc, bà sớm gây được sự chú ý. Ngoài ra, Mạc Tú Anh còn biết chơi đàn, đánh cờ vua, viết thư pháp và hội họa nên tên tuổi dần trở nên nổi tiếng. Rất nhiều người mê đắm bà vì sự xinh đẹp và tài năng.
Thời điểm ấy, có cả những quan chức, thương nhân rất giàu có muốn cưới bà làm vợ lẽ. Tuy nhiên bà chẳng đồng ý ai vì biết rằng tất cả chỉ say mê mình nhất thời. Một cuộc hôn nhân thất bại đã khiến bà vỡ ra nhiều điều nên chẳng chịu mở lòng với ai.
Cũng có người khuyên bà hãy chớp lấy cơ hội với những quan chức, doanh nhân để thay đổi cuộc đời. Tuy nhiên Mạc Tú Anh đều từ chối.
Cho đến khi người đàn ông Trần Tế Đường xuất hiện. Trong một lần nghe Mạc Tú Anh hát, họ Trần đã mê mẩn. Ông không lấy lòng bà bằng vàng bạc, trang sức mà lại luôn tìm cách chuyện trò, bảo vệ bà từ những điều nhỏ nhất.
Sự săn sóc đó khiến Mạc Tú Anh xiêu lòng. Thời điểm ấy, Trấn Tế Đường đã có vợ - kết quả do hôn nhân gia đình sắp đặt. Nhưng thời thế lúc đó đàn ông 5 thê 7 thiếp là thường tình. Bởi vậy, Mạc Tú Anh chấp nhận đánh cược, đồng ý lên xe hoa để làm vợ lẽ của Trần Tế Đường.
Cưới họ Trần, bà không có cái gọi là địa vị hay tiền tài nhưng bà có tình yêu chân thành và như thế là đủ.
Thời điểm ấy, Trần Tế Đường chỉ là một người lính bình thường. Sau này, ông đã vươn lên thành Tổng tư lệnh, cai quản toàn bộ tỉnh Quảng Đông thời Trung Hoa Dân Quốc.
Chỉ trong vòng 10 năm sau khi ở bên cạnh Mạc Tú Anh, sự nghiệp của ông lên như diều gặp gió. Tú Anh đảm nhận vị trí đứng đằng sau, chăm lo việc nhà cửa để chồng yên tâm công tác.
Ở cuộc hôn nhân đầu, 6 năm không có con khiến bà bị nghi ngờ không có khả năng sinh đẻ. Cưới Trần Tế Đường, bà sinh 11 người con, 7 trai và 4 gái. Vợ cả của Trần Tế Đường qua đời vì bệnh tật, để lại cả 7 người con nữa. Một mình Mạc Tú Anh chăm sóc và nuôi dưỡng 18 người con của chồng. Tất cả mọi trách nhiệm quản lý đến tay bà đều làm một cách trọn vẹn.
Mạc Tú Anh còn khuyên chồng nên phát triển công nghiệp ở Quảng Đông và phải quan tâm đến sinh kế của người dân.
Họ đã cho xây dựng nhiều công viên, tòa nhà, bệnh viện, trường học, xí nghiệp... Theo thống kê, chỉ trong vòng 3 năm, hai vợ chồng xây dựng đến 464 trường ở Quảng Đông. Mạc Tú Anh hiểu rằng, những người dân nghèo chỉ có học tập mới có thể thay đổi cuộc sống. Bởi vậy, bà muốn trẻ em có thể đến trường, có thể vươn lên khỏi nghèo khó.
Nhờ những sự thúc đẩy đó mà kinh tế ở đây phát triển vượt bậc. Bà được người dân Quảng Đông rất yêu mến và thậm chí ở đây Mạc Tú Anh còn nổi tiếng hơn cả Trần Tế Đường. Tên của bà được đặt cho nhiều tòa nhà, nhiều con đường ở Quảng Đông từ thời đó và vẫn còn cho đến bây giờ.
Bà cũng nuôi dạy các con mình rất nghiêm khắc. Con trai thứ 10 - Trần Thụ Bách là một nhà khoa học xuất sắc. Trần Thụ Bách từng là giáo sư tại Đại học Santa Clara ở Mỹ. Sau này, ông đã thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc tế tại Trung Quốc.
Năm 1947, Mạc Tú Anh mắc bệnh rồi qua đời trong sự thương tiếc vô bờ của chồng và các con cùng nhiều người dân Quảng Đông.
Phải nói rằng, cuộc đời của Mạc Tú Anh thật sự rất đặc biệt. Rời khỏi cuộc hôn nhân đầu tiên đầy tủi nhục, bà đã có cách đi qua đổ vỡ thật sự ngoạn mục và đạt đến đỉnh cao danh vọng, sự giàu có, sự ngưỡng mộ của rất nhiều người.
Nguồn: Sohu, Sina
Theo An Thanh (Phụ Nữ Số)