Liên minh châu Âu (EU) đã bổ sung các cá nhân và công ty Nga vào danh sách trừng phạt do liên quan đến việc đưa tuốc-bin khí của tập đoàn Siemens đến bán đảo Crimea.
Thiết bị của Siemens (phủ bạt màu xanh) cặp cảng Feodosia của Crimea ngày 11-7 - Ảnh: REUTERS |
Đây là 4 tuốc-bin khí, vốn được bàn giao cho một dự án nhiệt điện ở bán đảo Taman thuộc miền Nam nước Nga, nhưng sau đó lại được chuyển tới bán đảo Crimea trong mùa hè năm 2016.
Ban lãnh đạo EU đến nay vẫn không đồng tình với việc Crimea sáp nhập trở lại Nga, nên đã ra các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Theo hãng tin Reuters, trong vụ việc được cho là bị Nga qua mặt, sau khi thảo luận, EU đã quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào ba công dân Nga, trong đó có Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Andrei Cherezov và quan chức thuộc bộ này Evgeny Grabchak, cùng 3 công ty Nga liên quan đến vụ việc trên.
Các cá nhân này sẽ bị cấm đi vào lãnh thổ của EU và các tài sản nếu có ở EU sẽ bị đóng băng.
Trong số 3 công ty bị liệt vào danh sách trừng phạt có 2 công ty của Nga thực hiện hợp đồng thầu đưa các tuốc-bin khí tới Crimea.
Tháng 7 vừa qua, Đức đã yêu cầu EU đưa thêm 4 cá nhân và công ty của Nga vào danh sách trừng phạt do vụ việc 4 tuốc-bin khí của tập đoàn Siemens được đưa vào sử dụng tại bán đảo Crimea.
Hành động này bị coi là vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng giao nhận của tập đoàn Siemens cũng như các quy định của EU.
Do đó, một số quan chức Bộ Năng lượng Nga và công ty đứng ra chịu trách nhiệm vận chuyển các tuốc-bin khí trên tới Crimea đã bị đề nghị bổ sung vào danh sách trừng phạt.
Hôm 21-7 vừa qua, tập đoàn công nghiệp Siemens của Đức tuyên bố sẽ rút khỏi, bằng cách bán số cổ phần nhỏ trong công ty liên doanh Interautomatika của Nga do bất đồng liên quan tới vấn đề này, đồng thời phong tỏa việc giao nhận thiết bị sản xuất điện cho các công ty nhà nước của Nga.
Siemens cũng sẽ chấm dứt thỏa thuận cấp phép cho thiết bị sản xuất điện mà tập đoàn đã ký với nhiều công ty Nga, đồng thời đang cân nhắc khả năng hợp tác giữa các công ty chi nhánh của tập đoàn và nhiều tổ chức khác trên thế giới liên quan đến giao dịch hàng hóa với Nga.
Tập đoàn Siemens cũng đã tiến hành khởi kiện tại Nga để đòi đưa 4 tuốc-bin về lại nơi xuất phát và có thể thu mua lại chúng.
Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Liên bang Nga hồi năm 2014, vùng lãnh thổ này đã bị EU áp đặt các lệnh trừng phạt về công nghệ năng lượng.
Vừa qua, khi Mỹ đơn phương quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, EU cũng đã lên tiếng đe dọa có bước đi phản ứng của mình nếu các biện pháp của Mỹ gây ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty EU đang có dự án gắn với Nga.
Theo Nguyễn Quân (Tuổi Trẻ)