Những sự thật về chiếc máy bay B-2 của Không quân Mỹ gặp nạn tại Guam chỉ được hé lộ sau đó 4 năm dù Mỹ đã cố bưng bít nó.
Vụ gặp nạn đầu tiêm với máy bay B-2 xảy ra vào năm 2008. Khi đó, chiếc B-2 của Không quân Mỹ tại Guam đã bất ngờ bốc cháy khi thực hiện bài bay huấn luyện bình thường. Khi lực lượng cứu hóa kiểm soát được vụ cháy thì hầu như toàn bộ chiếc B-2 đã biến thành đống sắt vụn.
Sau đó đúng 2 năm, một vụ việc tương tự cũng xảy ra với máy bay B-2 tại căn cứ trên đảo Guam. Vụ việc xảy ra vào ngày 26/2/2010, Không quân Mỹ đã điều động một chiếc B-2 tham gia bài bay huấn luyện tại căn cứ Không quân của nước này tại đảo Guam. Tuy nhiên, một trong bốn động cơ phản lực của chiếc máy bay này đã bốc cháy.
Lực lượng cứu hỏa được huy động tới làm nhiệm vụ và phi công đã may mắn thoát chết. Sau vụ việc, một tờ báo địa phương đã gọi điện phỏng vấn phát ngôn viên Không quân Mỹ - Trung tá Kenneth Hoffman và ông này khẳng định vụ cháy “không đáng kể”.
Tuy nhiên, sự thật về vụ cháy máy bay ném bom tàng hình B-2 đã được phanh phui sau 4 năm. Khác xa với nhận định của Trung tá Hoffman, mồi lửa đã lan từ dưới lớp vỏ hấp thu sóng radar đã khiến chiếc máy bay không thể tham gia bài huấn luyện.
Thậm chí, Không quân Mỹ còn không đưa vụ cháy hồi tháng 2/2010 vào bản danh sách các vụ tai nạn liên quan tới máy bay B-2. Tuy nhiên, bài thuyết trình của 2 nhà nghiên cứu quân sự Mỹ hồi tháng 10/2010 đã nhắc tới vụ tai nạn trên.
Máy bay B-2 tại căn cứ trên đảo Guam.
Họ nhấn mạnh rằng phi công đã đối mặt với sự cố bất ngờ khi phải xử lý đám cháy bên dưới lớp vỏ hấp thu sóng radar đặc biệt của máy bay B-2. Những thông tin do Trung tá Hoffman và Không quân Mỹ cung cấp đã làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng về những sai sót của máy bay B-2.
Đến tháng 8/2011, Tập đoàn Northrop Grumman còn miêu tả những nỗ lực đưa chiếc B-2 gặp nạn trở lại đường bay và việc chiếc máy bay đắt giá này có thể quay trở lại đất liền Mỹ để tham gia sửa chữa thường xuyên.
Ngày 16/12/2013, chiếc B-2 đã thực hiện chuyến bay huấn luyện đầu tiên kể từ sau sự cố cháy năm 2010. Chỉ 4 ngày sau, Không quân Mỹ thông báo chiếc máy bay này đã quay trở lại làm nhiện vụ và phi đội B-2 chuyển từ 19 chiếc sang 20 chiếc hoạt động.
Không quân Mỹ hiện đang sở hữu 20 chiếc máy bay ném bom khủng B-2 và chủ yếu tập trung tại căn cứ Missouri. Máy bay ném bom tàng hình B-2 được đánh giá là những oanh tạc cơ tầm xa duy nhất của Không quân Mỹ có khả năng tiêu diệt các đối thủ hạng nặng.
Được biết, trong giai đoạn từ năm 1980 đến 2000, Tập đoàn Northrop Grumman đã chế tạo 21 chiếc B-2 cho Không quân Mỹ với tổng chi phí trên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, sau chiếc B-2 gặp nạn hồi năm 2008, phi đội này chỉ còn lại 20 chiếc.
Một số chiếc máy bay ném bom cánh dơi này được huy động tới căn cứ không quân trên đảo Guam nhằm giúp quân đội Mỹ rút ngắn thời gian triển khai tấn công trước các đối thủ tại khu vực Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc.
Công nghệ đỉnh cao
B-2 Spirit là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất: ước tính chi phí cho mỗi chiếc lên tới 2,2 tỷ USD. Kỹ thuật tàng hình thế hệ 2 của nó được áp dụng nhằm giúp máy bay có thể thâm nhập qua các hàng rào phòng không dày đặc mà máy bay chiến đấu trước đó không thể vượt qua.
B-2 Spirit bắt đầu tham chiến trong Chiến tranh Kosovo năm 1999 khi đây là máy bay đầu tiên sử dụng Vũ khí tấn công điều khiển chung (JDAM) trong chiến tranh. Từ đó, chiếc máy bay này đã hoạt động tại Afghanistan trong Chiến dịch Tự Do Vĩnh Viễn và tại Iraq trong Chiến dịch Tự Do Iraq.
Máy bay B-2 được thiết kế với kiểu dáng đặc biệt kết hợp vật liệu hấp thụ sóng radar làm cho sóng radar dò tìm của đối phương bị trượt đi theo hướng khác (không thể trở lại máy thu) hoặc bị hấp thụ.
Khung thân kết cấu B-2 và khoang động cơ dùng hợp kim titan, còn lại đều do vật liệu phức hợp ghép nối với nhau, không phải dùng đinh tán mà do ép ở áp suất cao, do vậy máy bay không dễ phản xạ tín hiệu radar.
B-2 được trang bị hai khoang vũ khí trong thân có thể chở 23 tấn bom. Máy bay này được trang bị radar mảng pha quét điện tử bị động AN/APQ-81 cung cấp chế độ ngắm mục tiêu mặt đất có độ chính xác cao, hỗ trợ B-2 bay bám sát và tránh địa hình; hệ thống định vị hàng không chiến thuật; hệ thống đối phó trả đũa điện tử…
|
Clip máy bay B-2 Spirit nổ tung khi cất cánh |
Theo Mỹ Đức (Đất Việt)