Năm 1974, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc sau khi một nông dân tình cờ tìm thấy một tượng chiến binh đất nung có kích thước tương đương người thật.
Từ đó, các nhà khảo cổ tiến hành các cuộc khai quật, khảo sát và có những khám phá quan trọng về nơi an nghỉ ngàn thu của Tần Thủy Hoàng.
Trong đó, kết quả các cuộc khảo sát cho thấy lăng mộ ngầm của Tần Thủy Hoàng dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ Bắc sang Nam. Tổng diện tích lăng mộ lên tới 41.600 m2.
Lăng mộ có kích thước tương đương với 5 sân bóng đá quốc tế này là thành quả mà Tần Thủy Hoàng huy động đội nhân công xây dựng liên tục trong 39 năm với nguồn kinh phí khổng lồ.
Không chỉ rộng lớn và bề thế, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng còn khiến giới chuyên gia quan tâm bởi yếu tố phong thủy. Vào thời phong kiến, hoàng đế vô cùng cẩn thận khi lựa chọn vùng đất phong thủy "đắc địa" để xây dựng lăng mộ cho bản thân.
Theo quan niệm phong thủy của người Trung Quốc, “y sơn, bàng thủy”, có nghĩa là dựa lưng vào núi, có nguồn nước xung quanh chính là yếu tố quan trọng để xây dựng lăng mộ của nhiều hoàng đế Trung Quốc.
Tần Thủy Hoàng cũng lựa chọn mảnh đất phong thủy dựa theo nguyên tắc này. Theo đó, ông hoàng nhà Tần cho xây dựng lăng mộ với phía Nam dựa vào núi trong khi 3 mặt Bắc, Đông, Tây đều được bao quanh bởi nước.
Thêm nữa, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng thuộc vùng núi Ly Sơn, huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An. Theo phong thủy, Ly Sơn có thế đất hình rồng.
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được xây dựng ở vị trí "mắt rồng" được các chuyên gia phong thủy đánh giá là địa điểm đắc địa phong thủy, rất linh thiêng.
Với những đặc điểm phong thủy trên, Tần Thủy Hoàng đã lựa chọn vùng núi Ly Sơn để xây lăng mộ. Ông hoàng này đầu tư rất nhiều nhân lực, tiền bạc và thời gian để hoàn thành nơi an nghỉ ngàn thu của mình. Theo đó, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng trở thành "kho báu" khổng lồ của Trung Quốc.
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)