Tờ New York Times đã phải cất công thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn với các cựu thành viên Đội 6, cựu quan chức quân đội và tham khảo hàng loạt tài liệu của chính phủ mới có thể vẽ ra một bức tranh toàn cảnh phức tạp về "cỗ máy" này.
Không có lằn ranh giữa một binh sĩ và một điệp viên
Đội 6 của SEAL thực sự là một cỗ máy đa năng. Đội này vừa thực hiện nhiệm vụ chính là đột kích mục tiêu, vừa tham gia giải cứu con tin vừa làm nhiệm vụ tình báo. Tất cả đều trong vòng bí mật. Cụ thể, khi tham gia vào các cuộc chiến tranh hao người tốn của tại Afghanistan và Iraq, Đội 6 vẫn âm thầm thực hiện các sứ mệnh ở những nơi khác mà trong đó lằn ranh truyền thống giữa một binh sĩ và một gián điệp đã bị xóa nhòa.
Đơn vị bắn tỉa Phi đội Đen của Đội 6 đã tham gia thực hiện các chiến dịch tình báo bí mật. Binh sĩ SEAL cũng tham gia cùng các đặc vụ Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong chương trình Omega chuyên săn lùng kẻ thù.
Đội 6 đã thực hiện thành công rất nhiều vụ đột kích nguy hiểm, làm suy yếu các mạng lưới của phiến quân, tổ chức khủng bố trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các hoạt động của họ khiến người ta quan ngại khi ngày càng gây nhiều thương vong cho dân thường. Họ luôn bị người dân ở Afghanistan cáo buộc bắn giết bừa bãi, gây ra căng thẳng giữa Mỹ và Afghanistan.
|
Trụ sở Đội 6 nằm ở phía bắc bờ biển Virginia. |
Theo một cựu quan chức quân sự cấp cao, việc JSOC tự điều tra chính mình đã cho thấy một phần của vấn đề. Thậm chí, cả những cơ quan giám sát dân sự cũng không thường xuyên kiểm tra hoạt động của Đội 6. Đây là một lĩnh vực mà Quốc hội không muốn biết quá nhiều.
Do tính chất bí mật của Đội 6 nên Quốc hội Mỹ không thể đánh giá đầy đủ nhóm này cũng như hậu quả mà họ gây ra như thương vong cho dân thường hoặc tâm lý bất mãn sâu sắc ở các nước mà họ hoạt động. Các sứ mệnh của họ hầu như không được bàn bạc, thảo luận công khai.
Từ năm 2001, sau vụ khủng bố 11/9, tiền ồ ạt đổ vào Đội 6, nhờ đó đội này có thể mở rộng đáng kể số thành viên. Đội có khoảng 300 binh sĩ tấn công và 1.500 nhân sự hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Các chiến dịch không ngừng nghỉ đã khiến Đội 6, ngoài đảm nhiệm các chiến dịch quan trọng còn phải thực hiện cả những sứ mệnh nhỏ nhặt. Đội 6 được cử đi Afghanistan để săn lùng thủ lĩnh Al-Qaeda nhưng thay vào đó, họ mất hàng năm trời chiến đấu với những tay súng Taliban cấp thấp hoặc những phần tử phiến quân "tép riu" khác.
Đội 6 đã được cựu Tổng thống G.Bush và Tổng thống B.Obama liên tục triển khai tới các khu vực nóng trên thế giới. Các điểm nóng gồm Syria và Iraq đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đe dọa, Afghanistan, Somalia và Yemen. Cựu Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Kerrey ở bang Nebraska từng là thành viên SEAL thời chiến tranh Việt Nam. Ông cho rằng Đội 6 cũng như các đơn vị tương tự đã bị sử dụng quá nhiều. Họ trở thành đơn vị thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào mọi lúc mọi nơi.
Kể từ ngày 11/9/2001, Đội 6 đã tham gia hàng chục nghìn sứ mệnh. Các thành viên của đội phải có những tiêu chuẩn cao nhất mà các lực lượng vũ trang Mỹ đòi hỏi. Họ được huấn luyện để có thể hoạt động trong môi trường phức tạp và biến đổi nhanh.
Về sự tồn tại của Đội 6, người ủng hộ cho rằng nếu muốn đội thực hiện những nhiệm vụ đôi khi đòi hỏi phải bẻ cong luật pháp quốc tế thì Đội 6 nên hoạt động bí mật. Trái lại, những người phản đối sự bí mật cho rằng nếu Đội 6 không được thừa nhận trên chiến trường thì họ cũng sẽ hành động không có trách nhiệm.
Sứ mệnh đặc biệt
Phải nghe kể về một trận chiến của Đội 6-SEAL, người ta mới có thể hình dung rõ tính chất các sứ mệnh của họ. Trong một trận chiến hỗn loạn xảy ra vào tháng 3/2002 ở đỉnh núi Takur Ghar gần biên giới Pakistan, hạ sĩ nhất Neil C. Roberts, một chuyên gia tấn công của Đội 6, đã ngã từ trực thăng xuống khu vực do Al-Qaeda kiểm soát. Kẻ thù giết anh trước khi đồng đội tới giải cứu. Chúng phanh thây anh trên tuyết.
|
Binh sĩ SEAl chờ thực hiện một sứ mệnh ban đêm ở Iraq, tháng 7/2007. |
Sau chiến dịch tháng 3/2002, phần lớn tay súng của Osama bin Laden đã trốn vào Pakistan. Lúc đó, đội bị cấm săn lùng Taliban và bị cấm truy đuổi thành viên Al-Qaeda ở Pakistan do lo ngại phản ứng của Chính phủ Pakistan. Phần lớn thành viên Đội 6 ở tại căn cứ không quân Bagram ngoài thủ đô Kabul của Afghanistan và họ rất tức giận. Dù vậy, CIA lại không bị hạn chế nào cả và Đội 6 lúc này bắt đầu phối hợp với CIA và hoạt động theo thẩm quyền chiến đấu diện rộng.
Các sứ mệnh của Đội 6 trong chương trình Omega của CIA cho phép họ thực hiện những chiến dịch chống Taliban và phiến quân khác ở Pakistan mà họ bị cấm. Tuy nhiên, thực hiện một chiến dịch diện rộng như vậy ở Pakistan là quá rủi ro. Vì vậy, chương trình Omega chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các tay súng Pashtun ở Afghanistan để do thám các khu vực bộ tộc Pakistan, phối hợp với lực lượng dân quân Afghanistan do CIA đào tạo trong các cuộc đột kích ban đêm ở Afghanistan. Họ còn cải trang thành người của bộ tộc và lẻn vào các ngôi làng cài camera và thiết bị nghe lén nhiều ngày trước các cuộc đột kích.
Ngoài thu thập thông tin tình báo ở Afghanistan và Pakistan, Phi đội Đen của Đội 6 còn tản đi khắp thế giới làm nhiệm vụ do thám. Phi đội này được triển khai tại Đại sứ quán Mỹ ở khắp vùng tiểu Sahara ở châu Phi cho tới Mỹ Latinh và Trung Đông. Tại Trung Đông, Phi đội Đen lập các công ty giả để làm vỏ bọc cho các thành viên hoạt động. Các trạm do thám của phi đội thường là các con tàu thương mại cải trang hoạt động ngoài khơi Somalia và Yemen.
Khác với các phi đội khác, Phi đội Đen có cả phụ nữ thuộc lực lượng Hải quân và họ được cử ra nước ngoài thu thập thông tin tình báo, thường là làm việc trong các đại sứ quán. Nam nữ thường làm việc theo cặp để không bị chú ý. Phi đội Đen hiện có hơn 100 thành viên trong bối cảnh Mỹ có nhiều mối đe dọa.
Trong khi đó, xung đột leo thang ở Iraq đã khiến Lầu Năm Góc phải dồn hầu hết tâm trí và đòi hỏi tập hợp một lượng binh sĩ vững mạnh. Vì thế, Đội 6 lại được triển khai tới đây. Do chỉ còn một lượng nhỏ binh sĩ Mỹ ở Afghanistan nên lực lượng Taliban bắt đầu tái tập hợp. Năm 2006, lo sợ trước tình hình này nên Trung tướng Stanley A. McChrystal, Chỉ huy JSOC, đã ra lệnh cho SEAL và các binh sĩ khác thực hiện nhiệm vụ mở rộng ở Afghanistan: đẩy lùi Taliban.
Súng tiểu liên MP7 (trên) và MP5. MP7 chỉ được trang bị cho Đội 6 của SEAL và lực lượng Delta. |
Mục tiêu của binh sĩ SEAL dường như vô tận. Không có con số chính thức về số lượng cuộc đột kích mà Đội 6 đã thực hiện ở Afghanistan. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến 2008, có những thời điểm căng thẳng mà trong vài tuần lễ, Đội 6 có từ 10 đến 15 mục tiêu để tiêu diệt mỗi đêm, và có đêm họ có tới 25 mục tiêu. Tốc độ đột kích tăng chóng mặt khiến các thành viên Đội 6 trở nên dữ tợn.
Mặc dù chỉ JSOC cho rằng các cuộc đột kích đã giúp phá mạng lưới của Taliban nhưng một số thành viên Đội 6 không đồng tình. Một cựu thành viên SEAL cho biết, do có quá nhiều mục tiêu nên đối với họ tầm quan trọng của mục tiêu mất dần. Họ không quan tâm mục tiêu là ai trong mạng lưới Taliban. Đối với họ, mỗi cuộc đột kích chỉ khác nhau cái tên mục tiêu. Năm 2010, có những thời điểm mà Đội 6 - lực lượng được huấn luyện tinh nhuệ nhất thế giới - làm nhiệm vụ truy đuổi những tên du thủ du thực trên đường phố.
Đội 6 đặt mục tiêu thực hiện các chiến dịch sao cho nhanh nhất, âm thầm nhất và tiêu diệt nhiều kẻ thù nhất. Để thực hiện được điều đó, họ được hỗ trợ bởi nguồn ngân sách khổng lồ và công nghệ hiện đại. Vũ khí của thành viên SEAL đều được trang bị bộ giảm thanh. Laser hồng ngoại giúp họ bắn chính xác hơn vào ban đêm. Thiết bị quang học nhiệt giúp họ phát hiện kẻ thù.
Họ còn được trang bị lựu đạn thế hệ mới rất hiệu nghiệm khi dùng để đánh sập các tòa nhà. Một số binh sĩ tấn công của Đội 6 còn dùng cả tên lửa Tomahawk. Ngoài các vũ khí tinh vi, có một giai đoạn, Phi đội Đỏ của Đội 6 còn dùng rìu khi thực hiện nhiệm vụ để phá cửa, phá khóa hoặc chiến đấu trực tiếp. Dom Raso, cựu thành viên Đội 6 cho biết: "Bạn cần bất kỳ công cụ nào để bảo vệ bản thân và đồng đội, cho dù dó là rìu hay súng, bạn đều dùng hết".