Vào năm 2017, ông Colin Tebbutt (78 tuổi), tài xế trung thành của Công nương Diana lần đầu tiên chia sẻ trên truyền thông về đêm đầu tiên ông làm nhiệm vụ bảo vệ thi thể của Công nương Diana tại Bệnh viện Pitié Salpêtrière, nước Pháp. Ông Colin là thành viên đầu tiên trong đội ngũ nhân viên của Công nương Diana có mặt bên cạnh thi thể của bà chỉ vài giờ sau khi bà trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31/8/1997.
Trước đó, người tài xế trung thành này đã gửi lời chào tạm biệt tới Công nương Diana khi bà đến nước Pháp chỉ 10 ngày trước khi thảm kịch xảy ra. Colin cho hay ông đã choáng váng và không tin sự thật trước mắt mình khi nhìn thấy Công nương Diana nằm bất động trên giường.
"Bà ấy không ở trong nhà xác của bệnh viện, Công nương Diana được đặt trong một căn phòng phủ đầy chăn. Khung cảnh lúc đó thật sự hỗn loạn. Công việc đầu tiên của tôi là ngăn cho mọi người bước vào căn phòng này", ông Colin cho hay.
Bên ngoài căn phòng, dọc hành lang tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, những người làm nhiệm vụ đứng canh gác ngăn không cho ai bước vào. Chỉ có những thành viên hoàng gia bay từ Anh sang mới được bước vào căn phòng "bất khả xâm phạm" này.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với The Sun vào năm 2017, Colin cho hay ông muốn khôi phục lại vẻ đẹp rạng rỡ của Công nương Diana trước khi Thái tử Charles từ Anh bay đến đây. Chính vì vậy, ông đã có quyết định táo bạo là cử một người Pháp đến giúp ông thực hiện điều này.
Ông Colin cho biết: "Khi tôi bước vào, bà ấy trông đẹp giống như một nàng công chúa đang ngủ vậy. Tuy nhiên, đó là một trong những ngày nóng nhất trong năm và căn phòng giống như một cái lò".
Ông Colin cũng tiết lộ một thông tin đáng chú ý rằng, Paul Burrell, quản gia thân cận của Diana đã tự tay làm tóc cho bà chủ của mình. Tuy nhiên, căn phòng nơi Công nương Diana đang yên nghỉ thường xuyên có sự xuất hiện của những người lạ mặt với ánh mắt tò mò.
"Tôi thấy có người trèo lên mái nhà và có nhiều ánh mắt tò mò ở bên ngoài cửa sổ. Chúng tôi buộc phải mang thêm chăn để phủ kín cửa sổ. Do đó, căn phòng ngày một nóng hơn. Chúng tôi đã mượn một số chiếc quạt và bật chúng lên. Khi ấy, tóc và lông mi của Công nương Diana động đậy vì làn gió như thể bà ấy còn đang sống", ông Colin chia sẻ thêm.
Ngoài việc bảo vệ thi thể của Công nương Diana, ông Colin còn nhận trách nhiệm giữ liên lạc với phía hoàng gia, sắp xếp chu đáo cho sự xuất hiện của Thái tử Charles và chị gái của bà Diana, Sarah McCorquodale và Jane Fellowes. Ông Colin cho hay, nhiệm vụ bảo vệ thi thể Công nương Diana là công việc mà ông ghi nhớ mãi trong suốt cuộc đời mình.
Trước đó, vào ngày 31/8/1997, theo lịch trình, ông Colin sẽ đón Công nương Diana từ chiếc trực thăng Battersea, ở London để đưa bà đến gặp các con. Nhưng vào đầu giờ sáng hôm ấy, Colin và các nhân viên được Cung điện Kensington báo tin, Công nương Diana đã qua đời.
"Tôi rất buồn nhưng ngay lúc đó, với trách nhiệm là người thân cận của Công nương, một loạt câu nói đã hiện ra trong đầu tôi: Chúng ta sẽ làm gì? Bà ấy đang ở đâu? Chúng ta cần phải có mặt ở đó", ông Colin cho hay.
Thắt một chiếc cà vạt màu đen mượn từ một nhân viên cảnh sát, ông Colin cùng quản gia Paul Burrell đã bắt chuyến bay sớm nhất từ London tới Paris để ở bên thi thể của Công nương Diana, thực hiện nhiệm vụ cuối cùng với người chủ nhân mà họ vô cùng kính trọng và yêu thương như chính người thân của họ.
Sau sự ra đi của Công nương Diana, những thông tin xung quanh về vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào ngày 31/8/1997 vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận và là chủ đề được truyền thông khai thác triệt để. Dù đã về nơi yên nghỉ cuối cùng nhưng những tấm hình về Công nương Diana trong vụ tai nạn thương tâm vẫn được chia sẻ chóng mặt. Đặc biệt, bức ảnh cuối cùng của Công nương Diana trong chiếc xe hơi đã dập nát là tấm hình gây nhiều tranh cãi nhất.
Nó đã nhanh chóng xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo ở Pháp cũng như Hồng Kông vào tháng 9/1997. Bức ảnh miêu tả tình trạng đầy ám ảnh của Công nương Diana với gương mặt nhuốm đầy máu khi bà nằm bất động ở ghế sau của chiếc xe, trong lúc phần trên của nó được gỡ bỏ. Tuy nhiên, bức hình đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận.
Đó cũng chính là tấm hình đã khiến hai anh em hoàng tử nước Anh ám ảnh cho đến tận bây giờ. Phát biểu trong một bộ phim tài liệu về người mẹ quá cố, Công tước xứ Sussex từng nói rằng: "Vào thời điểm đó, tôi và anh William biết rõ rằng mẹ vẫn còn sống nhưng bị chấn thương khá nặng. Và những người bám đuổi mẹ tôi khiến vụ tai nạn xảy ra lại đua nhau chụp lại khoảnh khắc kinh hoàng ấy thay vì giúp đỡ mẹ. Và sau đó những tấm hình ấy lại xuất hiện tràn lan trên các sạp báo của nhiều nước".
Trước sức ép của dư luận, tấm hình cuối cùng về Công nương Diana sau vụ tai nạn đã bị gỡ bỏ trên các phương tiện truyền thông. Đó cũng là bức hình không một người hâm mộ nào muốn nó xuất hiện trở lại thêm một lần nữa. Kể từ đó, bức ảnh gần như biến mất hoàn toàn, bởi lẽ bức ảnh ấy chỉ làm xoáy sâu vào thảm kịch ám ảnh hàng triệu người trên thế giới và bị đánh giá là khoảnh khắc "vô nhân tính" không thể chấp nhận được.
Có thể nói rằng, dù hơn 20 năm trôi qua sau thảm kịch kinh hoàng ấy nhưng Công nương Diana vẫn khiến mọi người không ngừng nhắc tới và là chủ đề gây ra nhiều phản ứng trái chiều trên truyền thông. Trong khi đó, những người hâm mộ bà chỉ mong quá khứ được ngủ yên để bông hồng nước Anh có thể yên lòng ở một thế giới khác.
Theo Diệp Lục (Nhịp Sống Việt)