Cũng trên Guardian, nhóm 143 người phụ nữ bắt đầu khởi kiện chính phủ Đan Mạch hôm 4/3 và yêu cầu khoản bồi thường là 43 triệu kroner (khoảng 154 tỷ đồng) vì hành vi lén đặt vòng mà theo họ là vi phạm nhân quyền.
Theo đơn kiện, một số phụ nữ cho biết, thời điểm đó có người chỉ mới 12 tuổi và lúc đó họ đã bị các bác sĩ lén đặt vòng tránh thai trong chiến dịch nhằm kìm hãm đà tăng dân số ở Greenland. Người ta tin rằng đã có khoảng 4.500 phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng từ năm 1966 đến năm 1970.
Vào tháng 10 năm ngoái, 67 phụ nữ đã yêu cầu nhà nước bồi thường hoặc phải đối mặt với hành động pháp lý, nhưng chính phủ không hành động. Kể từ đó, số người yêu cầu bồi thường đã tăng gấp đôi với mỗi người yêu cầu khoản bồi thường là 300.000 kroner (1 tỷ đồng).
Theo bà Naja Lyberth, người đầu tiên lên tiếng, nói rằng bà đã bị lén đặt vòng tránh thai trong một cuộc kiểm tra y tế của tiểu bang khi còn là một thiếu niên. Người phụ nữ cũng cáo buộc chính quyền cố ý triệt sản bà và nhiều người khác.
Bà còn cáo buộc chính phủ “kéo thời gian” khi không chịu điều tra. Bà cho biết, những người khởi kiện nay đã già, người lớn tuổi nhất đã hơn 80 tuổi, không thể chờ đợi thêm nữa.
“Chừng nào còn sống, chúng tôi còn muốn lấy lại lòng tự trọng. Không có chính phủ nào quyết định liệu chúng tôi có nên có con hay không" - bà Naja phát biểu trên kênh Greenlandic.
Hồi tháng 10/2023, bà Lyberth cho biết, bà có con đầu lòng vào năm 35 tuổi nhưng rất khó khăn trong việc mang thai. Trong khi đó, nhiều phụ nữ không thể thụ thai may mắn như bà. Thậm chí một người mãi đến năm 2022 mới phát hiện ra mình đã bị đặt vòng tránh thai.
"Hành động này giống như triệt sản các thiếu nữ từ lúc mới dậy thì. Nhiều phụ nữ còn bị đau dữ dội, chảy máu trong và nhiễm trùng ở vùng bụng." - bà Lyberth, nhà tâm lý học và nhà bảo vệ quyền phụ nữ cho biết.
Lyberth chia sẻ câu chuyện của mình vài năm trước, nhưng sau một thời gian dài, vụ bê bối mới thu hút sự chú ý rộng rãi ở Đan Mạch.
Năm ngoái, chính phủ Đan Mạch và Greenland đã mở cuộc điều tra về chiến dịch tránh thai ở Greenland từ năm 1960 tới 1991. Kết quả điều tra sẽ được báo cáo vào tháng 5/2025.
"Đây là thảm kịch. Chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân. Đó là lý do một nhóm nghiên cứu đang tiến hành cuộc điều tra độc lập, khách quan" - Bộ trưởng Nội vụ và Y tế Đan Mạch Sophie Løhde cho biết.
Trước năm 1953, Greenland là thuộc địa của Đan Mạch. Vùng đất này sau đó được lập chính quyền địa phương, nhưng vẫn là một phần của lãnh thổ Đan Mạch và có 2 nghị sĩ trong Quốc hội Đan Mạch.
QT (SHTT)