Hàn Quốc mùa thu năm 1988, người ta phát hiện thi thể của một bé gái 13 tuổi. Cô bé bị cưỡng hiếp, rồi sát hại ngay trên chính chiếc giường của mình.
Một tội ác như thế có thể gây chấn động dư luận dù ở bất kỳ đâu. Nhưng tại Hwaseong - vùng quê sát vách thủ đô Seoul, sự kinh sợ còn được đẩy mạnh hơn. Bởi lẽ, cô bé ấy là nạn nhân thứ 8 bị sát hại trong 2 năm gần nhất, tại vùng quê hẻo lánh này.
Gần 1 năm sau, cảnh sát ập tới nhà của một anh thợ sửa máy 22 tuổi, khi anh này đang ăn tối.
"Có chuyện gì thế?" - Yoon (tên đầy đủ không được cung cấp bởi quy định bảo vệ danh tính tội phạm của Hàn Quốc) thảng thốt hỏi. "Sẽ không lâu đâu," - cảnh sát trả lời như vậy, qua hồi tưởng của Yoon.
Cảnh sát đưa Yoon tới nơi thẩm vấn - là căn buồng nhỏ chỉ có độc một chiếc bàn. Trong 3 ngày tiếp theo, họ hỏi anh đi đâu, làm gì vào ngày cô bé 13 tuổi bị sát hại. Rồi cuối cùng, biên bản đã ghi nhận được lời thú tội.
Theo biên bản, Yoon trả lời với cảnh sát rằng đêm hôm đó, y ra ngoài đi dạo và hít khí trời. Yoon phải vừa đi vừa nghỉ vài lần, bởi di chứng từ căn bệnh bại liệt hồi còn nhỏ đã khiến tay chân y không được như người thường.
Đến khoảng nửa đêm, Yoon nhìn thấy ngôi nhà còn sáng đèn, và đột nhiên nảy ra ý định "cưỡng hiếp" - trích trong biên bản điều tra từ cảnh sát. Cũng theo biên bản, y trèo vào nhà và tấn công cô bé dù biết rằng cha mẹ cô đang ngủ phòng bên. Sau đó, y đốt sạch quần áo đang mặc rồi quay trở về nhà.
Thông tin về nạn nhân và gia đình cô bé không có nhiều, vì họ không trả lời bất kỳ điều gì với truyền thông. Nhưng nhìn chung, bức tranh đã trở nên rõ ràng: Yoon bị kết án giết người, cưỡng hiếp bé gái 13 tuổi và lĩnh án tù chung thân. Bản án sau đó được giảm nhẹ, và y được thả ra sau 20 năm tù tội.
Bức tranh ấy chỉ có duy nhất một vấn đề: Yoon một mực khẳng định mình không làm chuyện đó!
Tình làng nghĩa xóm: nơi tất cả mọi người đều biết nhau
Trước năm 1986, Hwaseong vốn là một vùng quê yên bình. Có 226.000 người sinh sống trong khu vực, rải rác trong các ngôi làng được bao bọc bởi núi rừng cùng những cánh đồng lúa xanh mướt.
Taean-eup - nơi Yoon sinh sống, là một trong các ngôi làng tại đây. Thập niên 1980, Taean-eup khá nhộn nhịp với những quán rượu và hàng cafe phong cách Hàn, nơi người địa phương rất thích tụ họp, đưa chuyện. Một số làm việc trong các nhà máy lân cận, sản xuất đồ điện gia dụng. Số khác làm nông, một số có hẳn trang trại nuôi bò, lấy sữa. Theo Hong Seong-jae, chủ tiệm sửa chữa máy móc nơi Yoon làm việc, thì mọi người ở Taean-eup đều biết nhau. Trước khi vụ án mạng xảy ra, cả làng chẳng có bất kỳ sự vụ gì, ngoài vài án trộm vặt.
"Nhưng về cơ bản mọi người đều nghèo, nên cũng chẳng có gì để mà mất," - Hong nói.
Nhưng vào năm 1986, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Tháng 9/1986, 1 người phụ nữ bị sát hại, cũng là nạn nhân đầu tiên của vụ án giết người hàng loạt tại Hwaseong. Đến năm 1991, có 10 phụ nữ và bé gái bị sát hại, tính cả trường hợp cô bé 13 tuổi tử vong ngay trên giường của mình. Toàn bộ các nạn nhân đều bị tấn công tình dục, và nhiều trường hợp hung khí là chính quần áo của họ.
Họ cũng có rất ít điểm chung: người làm nội trợ, người đi học, có cả công nhân bán hàng - theo Ha Seung-gyun, nhân viên điều tra. Nạn nhân trẻ nhất còn đang đi học, lớn tuổi nhất là một cụ bà 71 tuổi. Dường như, chẳng ai là an toàn cả.
Các vụ án tiếp tục xảy ra, khiến người dân tại Hwaseong ngày càng lo sợ. Họ lập ra các nhóm dân quân đi tuần đường phố mỗi đêm, vũ trang bằng gậy gộc. Phụ nữ chẳng còn dám ra ngoài khi tối trời.
"Khi ấy đèn đường chưa có, nên trời rất tối," - Park (55 tuổi, giấu tên vì vấn đề nhạy cảm), làm việc tại nhà máy trong làng Jinan-ri tại Hwaseong trả lời vào thập niên 1980. "Mỗi khi chạm mặt đàn ông, tôi lại hoảng sợ. Mọi người dặn không được mặc quần áo màu đỏ, cũng như không ra ngoài lúc tối trời. Có tin đồn rằng hung thủ chỉ nhắm đến phụ nữ mặc đồ màu đỏ thôi."
Hong - một cư dân khác tại làng Taean-eup hồi tưởng, khi đó đàn ông trong làng rất sợ bị cảnh sát tra hỏi. Ngôi làng bình yên ngày nào trở nên tĩnh lặng đến rợn người. "Chúng tôi sợ bị nhầm là thủ phạm, nên cũng chẳng ra ngoài uống rượu nữa. Kể cả khi chẳng làm gì, mọi thứ cũng nằm ngoài tầm kiểm soát." - ông chia sẻ.
Điều tra trong bất lực
Khi nạn nhân đầu tiên xuất hiện, trách nhiệm điều tra thuộc về cảnh sát địa phương. Nhưng đến khi thi thể thứ 3 được tìm thấy trong 3 tháng, cảnh sát thành phố phải ra mặt trợ giúp. "Sau vụ thứ 3, cảnh sát nhận định đây là sự vụ rất nghiêm trọng. Truyền thông đặc biệt chú ý, trong khi cư dân thì hoảng sợ," - thám tử Ha, chủ nhiệm điều tra của vụ án (nay đã về hưu) chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2019.
Lúc đó, cảnh sát chắc chắn rằng thủ phạm là một tên sát nhân hàng loạt. Tuy nhiên có rất ít manh mối, bởi thời điểm ấy chưa có hệ thống camera giám sát, cũng như theo dõi qua điện thoại. Thậm chí, việc dùng ADN làm bằng chứng cũng chưa phổ biến. Cảnh sát phải dựa vào những phương pháp "sáng tạo" hơn, để tìm ra thủ phạm.
Video ghi lại quá trình điều tra vụ án Hwaseong |
5 vụ án đầu tiên xảy ra trong bán kính 6km xung quanh Hwaseong, nên cảnh sát quyết định rải đội canh gác, mỗi đội 2 người, phụ trách phạm vi 100m. Tuy nhiên cách này không hiệu quả: vụ án tiếp theo xảy ra ở nơi họ không có mặt.
Vài nữ cảnh sát quyết định mặc đồ màu đỏ, làm mồi nhử dụ hung thủ. Nhiều người thậm chí phải đi... xem bói, rồi làm đủ các thủ thuật tâm linh, hòng tìm cho ra thủ phạm. Nhưng các vụ án vẫn tiếp tục xảy ra. Trên trang dữ liệu của cảnh sát, lượt truy cập vào vụ án lên tới... 2 triệu, một kỷ lục điều tra của Hàn Quốc.
"Càng nhìn, chúng tôi càng cảm thấy phẫn nộ và bất lực," - Ha cho biết. "Sau hàng tháng truy lùng, tôi có thể nói sự căm ghét của cảnh sát tới hung thủ đã nằm ngoài sức tưởng tượng."
Yoon là nghi phạm duy nhất bị kết tội trong số 10 vụ án đã xảy ra, nhưng cũng chỉ là 1 vụ. Cảnh sát nghi ngờ rằng Yoon chỉ là kẻ ăn theo (copycat killing) - ám chỉ việc mô phỏng lại cách gây án của kẻ khác để đánh lạc hướng điều tra. 9 vụ án còn lại, mãi mãi là ẩn số.
Bước ngoặt lớn
Nhiều năm trôi qua, dường như vụ án giết người hàng loạt chấn động lịch sử Hàn Quốc đã rơi vào quên lãng. Bí ẩn của vụ án thậm chí được đưa lên màn bạc, trong phim điện ảnh năm 2003 "Memories of Murder" của Bong Joon Ho (chính là đạo diễn Parasite - Ký sinh trùng).
Rồi thời gian tiếp tục trôi đi, cũng đến thời điểm vụ án hết hiệu lực. Ai cũng hiểu rằng vào lúc này, kể cả khi hung thủ có được tìm thấy, sẽ không có bất kỳ công bằng nào dành cho gia đình các nạn nhân nữa.
Nhưng với người dân Hwaseong, ký ức về vụ án vẫn còn mãi, kể cả với những người đã định cư ở những thành phố khác. Và đặc biệt là cảnh sát, họ vẫn chưa ngưng tìm kiếm.
Video điều tra về Lee Chun-jae |
Tháng 9/2019, Ban Gi-soo - tổng giám đốc sở cảnh sát tỉnh Gyeonggi Nambu, cũng là nơi gần nhất phụ trách điều tra vụ án, đã đưa ra một thông báo mang tính chấn động. Đó là vào tháng 7 cùng năm đó, cảnh sát đã gửi bằng chứng được giấu kín trong suốt 30 năm đến phòng xét nghiệm ADN.
Bằng chứng ADN trùng khớp với 1 nghi phạm: Lee Chun-jae. Lee hiện cũng đang thụ án chung thân từ năm 1994, vì tội cưỡng hiếp và sát hại em vợ. Thông tin giống như một quả bom với truyền thông Hàn Quốc lúc đó.
Sau đó 1 tháng, vụ án có thêm tiến triển mới, và lần này từ chính Lee. Y thú tội sát hại toàn bộ 10 nạn nhân ở Hwaseong, cùng 4 nạn nhân khác chưa được cảnh sát công bố. Lee tả lại chi tiết mọi thứ, thậm chí còn vẽ lại được hiện trường gây án.
"Đây là một vụ án quan trọng. Gia đình nạn nhân luôn muốn biết sự thật." - cơ quan điều tra nhận định.
Bí ẩn của một trong những vụ án giết người hàng loạt kinh khủng nhất quốc gia đã được phá giải, nhưng nó để lại cho giới tư pháp Hàn Quốc một tình huống khó xử. Lee là thủ phạm sát hại toàn bộ 10 nạn nhân tại Hwaseong - bao gồm cả bé gái 13 tuổi, nạn nhân đã khiến Yoon phải thụ án 20 năm tù. Và hóa ra, đó lại là một án oan sai.
Việc Lee nhận tội lúc này là không đủ cho Yoon. Dưới con mắt của những nhà tư pháp, Yoon vẫn đang bị kết án là kẻ giết người.
Những đêm không ngủ: "Tôi muốn thanh danh được trả lại"
Yoon - giờ đây đã ngoài ngũ tuần, hiện đang làm việc tại một nhà máy thuộc da tỉnh Bắc Chungcheong, và vẫn bước đi một cách khó nhọc bởi di chứng của bệnh bại liệt. Nhìn bên ngoài, ông trông vui vẻ và hòa đồng, một người sẵn sàng cười nói rất sảng khoái trước đám đông. Nhưng cuộc đời của người đàn ông này thì ngập tràn khó khăn.
Khi còn nhỏ, gia đình Yoon gặp nhiều biến động. Năm lớp 3, mẹ ông qua đời vì một vụ tai nạn ô tô. Cha ông sau đó biến mất, còn cậu bé Yoon phải bỏ học và đi làm kiếm sống. Yoon tới Hwaseong, trong năm đầu tiên phải ăn xin trước cửa một cửa hàng gà rán. Năm 11 tuổi, Yoon bắt đầu làm việc cho một trung tâm công cụ nông nghiệp, và đến năm 22 tuổi trở thành một thợ sửa máy lành nghề.
Yoon nghiện thuốc lá nặng, cũng chưa từng yêu ai - trích trong biên bản của cảnh sát. "Tôi thậm chí chưa từng cố gắng bắt chuyện với con gái, vì nghĩ chẳng ai quan tâm đến một kẻ tật nguyền như mình.
Trong mắt của Hong - ông chủ cũ của trung tâm, Yoon là một chàng trai phảng phất nỗi buồn. "Có lẽ vì cậu ấy không có cha mẹ. Cậu ta ít nói, cũng không thể hiện cảm xúc gì. Dù vậy, kỹ năng sửa máy móc thì tuyệt vời."
Khi bị cảnh sát đưa đi, Yoon vẫn nhớ mình bị còng tay trong phòng xét hỏi suốt 3 ngày. Ông gần như chẳng ăn gì, chỉ được phép ra ngoài khi cần đi toilet. Mỗi khi muốn ngủ, cảnh sát lại dựng ông dậy.
"Đó thực sự là một cơn ác mộng. Khi bạn không được ngủ suốt 3 ngày, bạn sẽ chẳng biết mình nói gì nữa đâu, cũng chẳng nhớ nổi mình đã làm gì. Không thể suy nghĩ thấu đáo được."
Ở thời điểm đó, Yoon chẳng biết bất kỳ điều gì về luật pháp. Người đàn ông này còn chưa học hết cấp 1. Sau đó, Yoon ký vào 3 biên bản điều tra, trong đó ghi rằng ông thừa nhận tội giết người để tránh án tử. Bản án ông nhận phải là 20 năm tù giam.
Tháng 12/2019, sở cảnh sát tỉnh Gyeonggi Namu tiến hành điều tra 7 cảnh sát và 1 công tố viên phụ trách điều tra vụ án, về việc lạm dụng quyền hành trong bắt giữ. Kết quả cuộc điều tra chưa được công bố.
Hiện tại, khi vụ án đã kết thúc, Yoon kịch liệt yêu cầu cần trả lại sự trong sạch cho bản thân. Phiên tòa dành cho việc này bắt đầu trong tuần qua - một sự kiện khá hiếm trong lịch sử tư pháp Hàn Quốc.
Trong trường hợp của Yoon, lời thú tội của Lee Chun-jae có vai trò quyết định. Lời khai của Lee có thể trở thành bằng chứng trước tòa, nhằm lật ngược lại bản án cho Yoon. Và nhiều khả năng, Yoon sẽ được trả lại sự trong sạch, thậm chí nhận được sự xin lỗi từ quan tòa.
Dẫu vậy, vẫn còn đó một số vấn đề. Dù ADN của Lee trùng khớp với hiện trường của nhiều vụ án, cảnh sát vẫn chưa công bố bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến bé gái 13 tuổi bị sát hại. Hơn nữa theo biên bản điều tra năm 1989, phần lông tóc tìm thấy tại hiện trường có tới 40% trùng khớp với Yoon. Những sợi tóc này chưa được xét nghiệm. Nhưng theo các luật sư, kể cả khi nó trùng với Yoon, luật sư có thể biện hộ rằng mẫu tóc của ông đã bị trộn lẫn với bằng chứng tìm thấy tại hiện trường.
Phiên tòa dự tính sẽ kéo dài nhiều tháng. Và nếu Yoon được tuyên vô tội, ông hoàn toàn có thể đệ đơn yêu cầu bồi thường.
Với cá nhân Yoon, ông cho biết chẳng có bất kỳ điều gì bù đắp được cho khoảng thời gian 20 năm mất đi. Thời điểm được thả ra vào 10 năm trước, thế giới đã thay đổi quá nhiều, đến mức ông còn muốn quay lại nhà giam.
"Tôi mất 3 năm để thích nghi. Cuộc sống trong tù hoàn toàn không liên quan gì đến thế giới bên ngoài cả." - Yoon trải lòng.
Yoon biết, Lee sẽ không bao giờ bị kết tội trong vụ án này nữa, bởi nhiều năm đã trôi qua. Nhưng ông muốn sống cuộc đời còn lại với tư cách là một người vô tội.
"Tôi muốn xóa tội, tôi muốn thanh danh trở lại. Chỉ cần vậy thôi."
Theo J.D (Trí Thức Trẻ)