“Em xin lỗi vì mang hai đứa con mà anh yêu nhất đi cùng. Em không thể để chúng lại một mình, vì vậy em đưa chúng theo"
Ngày 28/4/2019, một người phụ nữ 28 tuổi họ Thạch sống ở Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc đã đưa hai đứa con trai 6 tuổi và 3 tuổi chạy trốn khỏi nhà. Vài ngày sau, phía cảnh sát tìm thấy thi thể của 3 mẹ con ở bên cây cầu mới xây cách nhà khoảng 5km.
Được biết, trước khi rời đi, cô Thạch đã để lại bức di thư trên mạng xã hội nói rằng quan hệ vợ chồng vẫn tốt, mọi nguồn cơn đều bắt đầu từ mẹ chồng. Trong bức thư tuyệt vọng đó, cô Thạch nói sẽ đưa hai đứa con trai tìm cuộc sống mới.
Trong 7 năm làm dâu, từ bố mẹ chồng đến bố mẹ ruột, thậm chí ngay cả chồng cũng không bao giờ hiểu được sự khó khăn mà cô phải chịu đựng, điều này khiến cô vô cùng tuyệt vọng.
Từ ngày về làm dâu, cô Thạch luôn chịu nhiều áp lực từ mẹ chồng. Mỗi lần gặp vấn đề trong gia đình, bố mẹ chồng lại chì chiết khiến cô cảm thấy bất lực và khó chịu. Về phía bố mẹ ruột khi nghe sui gia kể chuyện thì không những không bênh con mà còn phán xét, la mắng khiến cô Thạch cảm thấy chẳng ai thấu hiểu cho mình.
Ngay cả người chồng mà cô nghĩ rằng là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cũng không ở bên cạnh. Đứng trước sự bất công mà mẹ dành cho vợ, người chồng cũng không dám nói một lời công bằng, không thể bảo vệ cô khỏi những lời mắng nhiếc, và từ đó nỗi đau ngày càng chồng chất, rồi cuối cùng cô Thạch phải tìm đến cái chết để giải thoát.
Khi một bà mẹ 28 tuổi quyết định dùng mạng sống của mình và hai con để chống lại mối quan hệ tồi tệ này thì cũng đủ thấy áp lực mà cô đang phải trải qua kinh khủng như thế nào. Đây không phải là câu chuyện riêng của cô Thạch mà còn là nỗi lòng của rất nhiều gia đình khác khi phải vật lộn với mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng con dâu.
Có người nói rằng, sự tồn tại của người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng. Nhưng cũng có không ít người xem nhẹ sự tồn tại ấy. Một số người làm việc trong trường mầm non đã từng kể những câu chuyện như sau:
Trong giờ học, cô giáo hỏi các em: “Bố mẹ làm nghề gì?”. Khi đề cập đến vấn đề này, có đứa trẻ trả lời bố làm kỹ sư, bố làm họa sĩ. Chúng khoe rằng bố rất giỏi và làm được nhiều thứ. Thế nhưng, khi nói đến mẹ thì bầu không khí dường như đã thay đổi. Nhiều đứa trẻ thoải mái nói rằng: “Mẹ cháu không làm gì cả, chỉ ở nhà chơi thôi”.
Chính vì những câu trả lời như thế này đã vô tình gieo rắc sự tổn thương không ngờ cho người mẹ. Người lớn khi tiếp nhận thông tin ấy không biết rằng ai đã thấm nhuần tư tưởng này vào đầu đứa trẻ, nhưng nó đã phản ánh thực tế rằng một người vợ nội trợ, người ở nhà quán xuyến việc nhà là một người rảnh rỗi, chẳng làm gì cả.
Cuộc hôn nhân bắt đầu xấu dần đi khi vợ chồng bắt đầu so đo vào những chuyện đóng góp cho gia đình. Nhà văn Trung Quốc - Cam Bắc từng kể rằng, anh đã nghe được một người đàn ông giàu có nói chuyện như thế này: “Chỉ cần vợ tôi nghe lời, thì cả đời này cô ấy không cần phải làm gì cả”.
Nghe đến điều này, tự nhiên bạn sẽ có những cách nhìn khác nhau. Tại sao đều là thân phận phụ nữ, nhưng có người phải còng lưng giữ con, đầu tắt mặt tối cơm ngày ba bữa, nhưng cũng có những người chỉ cần ngồi đó là có người cơm bưng nước rót. Rốt cuộc tại sao lại khác nhau?
Câu trả lời chính là nhận thức của người chồng.
Nhiều người đàn ông đều không thấy được sự đóng góp của vợ cũng như những khó khăn mà vợ phải đối mặt trong việc quán xuyến và xây dựng gia đình. Người đàn ông chỉ biết rằng họ là người kiếm tiền để nuôi cả nhà.
Trong mắt họ, người vợ chỉ ăn và uống ở nhà mỗi ngày, không làm ra tiền, vợ chỉ loanh quanh trong nhà bếp phòng khách và dần dà trở nên phụ thuộc vào chồng. Điều đáng sợ nhất trong quan hệ hôn nhân không phải là bạn không nỗ lực chân thành đủ mà là mọi sự cố gắng của bạn đều vô nghĩa đối với người chồng.
Giá trị kinh tế mà người vợ tạo ra cũng bị đánh giá thấp
Ở Mỹ, các bà nội trợ chưa từng làm việc trước đây đều có thể nhận một nửa lương hưu của chồng khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Ngay cả khi cả hai ly hôn, những người vợ vẫn có thể nhận được tiền, miễn là họ chưa tái hôn.
Ở Đức, các bà nội trợ được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng là 300 euro (khoảng 7,8 triệu đồng). Ở Canada, các bà nội trợ được miễn thuế, trẻ em cũng được trợ cấp. Một đứa trẻ có thể nhận trung bình khoảng 800 đô la (khoảng 18 triệu đồng) một tháng.
Hãy nói với các con rằng, bố mẹ đều có sự phân công lao động khác nhau, không ai làm quá nhiều mà cũng có ai không làm gì cả. Một ví dụ điển hình là câu chuyện về một người phụ nữ tên Giai Giai ở Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc.
Ngay sau khi Giai Giai sinh con thứ 2, chồng cô sợ vợ mệt nên đã đưa mẹ ở quê đến Hạ Môn để chăm sóc. Ban đầu, mẹ chồng và con dâu rất hòa hợp, Giai Giai chăm sóc đứa mới sinh, mẹ chồng chăm sóc đứa lớn.
Nhưng càng ở lâu, giữa Giai Giai và mẹ chồng bắt đầu có nhiều sự bất đồng, đặc biệt là việc mua sắm trực tuyến. Mẹ chồng cho rằng, Giai Giai không làm việc gì, ở nhà cả ngày, tiêu tiền bừa bãi. Có một lần, Giai Giai thậm chí nghe mẹ chồng nói đứa con lớn của mình rằng: “Tiền là do bố cháu kiếm được, còn mẹ chỉ ở nhà và tiêu”.
Nghe được những lời này, Giai Giai cảm thấy rất buồn. Và khi chồng cô biết được chuyện đã chạy đến giải thích cho mẹ hiểu. Trên thực tế, người chịu khổ nhất trong gia đình này chính là Giai Giai. Nếu như không có sự nỗ lực của cô ấy, đứa con lớn sẽ không khỏe mạnh và thông minh, ngôi nhà sẽ không gọn gàng sạch sẽ và bản thân người chồng cũng không thể yên tâm cống hiến cho sự nghiệp.
Chồng Giai Giai cũng nói thêm rằng mẹ cũng từng là một bà nội trợ, vì vậy anh tin bà sẽ hiểu cho nỗi lòng của con dâu. Sau khi giải thích, anh đã gọi đứa con lớn 7 tuổi vào nói một cách nghiêm túc:
“Cả bố và mẹ đều rất vất vả, công việc ở nhà và công việc bên ngoài đều có khó khăn riêng. Đây là chỉ sự phân công lao động mà thôi. Bố mẹ đều đang cố gắng để tạo ra một cuộc sống tốt cho con và em, con hãy nhớ điều đó”.
Nghĩ về điều này, Giai Giai cũng nói rằng đó là lý do tại sao cô sinh con thứ hai, bởi vì cô có một người chồng luôn ủng hộ vô điều kiện, vì có người chồng đứng sau nên cô có thể làm mọi thứ để xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho gia đình.
Sau tất cả, điều tốt nhất mà người đàn ông có thể làm chính là phải yêu vợ. Hai vợ chồng có thể khó khăn, nhưng tất cả đều có thể vượt qua nếu như chồng luôn ở bên cạnh và ủng hộ vợ.
Nếu như thái độ của người chồng bị lung lay và quay lưng với vợ thì sẽ khiến mẹ chồng coi thường vợ hơn. Từ đây mọi bi kịch đều có thể xảy ra.
Theo Jia You (Trí Thức Trẻ)