Các vị vua thời cổ đại thường tìm nhiều cách tự bảo vệ mình khi lên nắm quyền bởi lo ngại bị người thân tín phản bội và kẻ thù ám sát. Trong khi một số vua tuyển đội cận vệ trung thành và cho người nếm trước thức ăn, vua Mithridates VI của vương quốc Pontus ở miền Bắc Tiểu Á, nay thuộc một phần Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Romania và Hy Lạp, lại sử dụng phương thức độc đáo là tự mình hấp thụ nhiều loại thuốc độc trong thời gian dài để xây dựng khả năng miễn nhiễm với chúng.
Mithridates VI sinh ra ở thành phố Sinope, vương quốc Pontus và là con của vua Mithridates V. Năm 120 trước Công nguyên, cha ông bị ám sát bằng thuốc độc trong một bữa tiệc. Hoàng hậu Laodice VI, mẹ của ông, lên nắm quyền do hai anh em Mithridates VI chưa đủ tuổi lên ngôi.
Hoàng hậu Laodice VI muốn Chrestus, em trai của Mithridates VI, trở thành người kế vị. Điều này khiến Mithridates VI gặp nguy hiểm, vì ông có thể bị sát hại để ngăn nguy cơ nội chiến. Mithridates VI quyết định ở ẩn để đảm bảo an toàn cho đến khi sẵn sàng lên ngôi.
Ông tìm mọi cách để tránh gặp phải số phận như cha mình. Mithridates VI thường xuyên nuốt chất độc với liều lượng thấp, không đủ gây chết người vì tin rằng việc này sẽ giúp bản thân có khả năng kháng độc. Điều này khiến ông được gọi là "vua độc dược".
Trong khoảng thời gian năm 116-113 trước Công nguyên, Mithridates VI trở về quê nhà ở Sinope, xây dựng lực lượng để tự mình giành lấy ngai vàng. Mẹ và em trai ông đều bị bắt rồi xử tử.
Sau khi lên ngôi, Mithridates VI bắt đầu mở rộng lãnh thổ bằng các cuộc chinh phạt khắp Biển Đen. Tuy nhiên, chiến dịch tấn công khu vực Cappadocia, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, đã kết thúc mối quan hệ hữu hảo với giữa vương quốc Pontus với đế chế La Mã.
Mithridates VI cố gắng biến Cappadocia thành lãnh thổ của mình thông qua biện pháp chính trị và dàn xếp các cuộc hôn nhân. Việc này nhằm tránh gây ra xung đột công khai với Vua Nicomedes III của vương quốc Bithynia, quốc gia cũng muốn sở hữu vùng đất này.
Tuy nhiên, hai nước vẫn xảy ra xung đột và giao tranh chỉ có thể được người La Mã phân xử. Vua Mithiridates VI và Nicomedes III được yêu cầu khôi phục trạng thái độc lập của vùng Cappadocia.
Ban đầu, Mithridates VI đáp ứng yêu cầu của La Mã, nhưng đến năm 89 trước Công nguyên, ông tiếp tục xua quân xâm lược Cappadocia. Tức giận trước hành động bội tín này của Mithridates VI, đế quốc La Mã phát động chiến dịch quân sự đáp trả, châm ngòi cho cuộc chiến Mithridate lần thứ nhất.
Sau 5 năm chiến tranh, đội quân của Mithiridates VI bị quân La Mã đánh bật trở lại Pontus, trước khi hiệp định hòa bình được ký kết. Thêm hai cuộc chiến tranh nữa xảy ra, trong đó cuộc chiến thứ ba kéo dài và ác liệt nhất.
Đến khi Pontus liên minh với một số vương quốc khác trong khu vực, đế quốc La Mã bắt đầu coi Mithridates VI là mối đe dọa thực sự và quyết tâm tiêu diệt bằng chiến dịch quân sự quy mô lớn. Trước sức mạnh áp đảo của quân La Mã, Mithridates VI thất bại và phải bỏ chạy về vùng đất phía bắc dọc Biển Đen. Ông tìm cách gây dựng lại lực lượng, nhưng phương thức tuyển mộ binh lính quá hà khắc của ông đã dẫn đến một cuộc nổi loạn.
Trong tình cảnh ngặt nghèo, Mithridates VI quyết định chọn cách tự sát bằng thuốc độc thay vì để mình rơi vào tay quân phản loạn. Tuy nhiên, cơ thể ông đã miễn nhiễm với độc tố, khiến Mithridates không thể chết dù uống rất nhiều chất độc khác nhau.
Có hai giả thuyết khác nhau về cái chết của "vua độc dược". Đầu tiên là ông đưa một thanh kiếm cho người bạn thân và nhờ người này ra tay. Giả thuyết còn lại cho rằng Mithridates VI chết trong tay những kẻ nổi loạn, do ông không thể tự kết liễu mình bằng thuốc độc hay dùng gươm.
"Cuộc đời Mithridates VI kết thúc trong bi kịch. Nỗi sợ bị ám sát bằng chất độc khiến ông tự phát triển khả năng miễn nhiễm, tới mức không thể tự định đoạt số phận của mình", sử gia Andrew Pourciaux nhận xét.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)