Ông lão Padesar Yadav vẫn đang sống và còn khỏe mạnh. Nhưng trên giấy tờ, ông đã là người "thiên cổ".
Ở tuổi ngoài 70, ông Yadav phải một mình nuôi 2 cháu ngoại sau khi vợ chồng con gái qua đời. Để có tiền trang trải, ông quyết định bán một vài mảnh đất được thừa kế từ gia đình ở quê nhà. Nhưng vài tháng sau, ông nhận được một cuộc gọi rất kỳ lạ.
"Người đàn ông mua đất gọi và bảo rằng có một vụ kiện pháp lý chống lại tôi. Anh ta bảo cháu tôi đã đi nói với tất cả mọi người rằng tôi đã chết, và có kẻ nào đó đã giả mạo để bán đất."
Yadav lập tức từ Kolkata trở về quê - là một ngôi làng Azamgarh (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ). Và khi dân làng nhìn thấy ông, họ sốc tột độ.
"Họ nhìn tôi như thể một hồn ma bóng quế. 'Ông chết rồi mà! Đám tang tổ chức rồi!' họ nói vậy đấy," - Yadav kể lại.
Yadav cho biết ông và người cháu trai vốn rất thân thiết. Cháu ông còn đến thăm rất thường xuyên khi ở thành phố. Nhưng chuyện thay đổi kể từ khi Yadav bảo rằng sẽ phải bán mảnh đất dưới quê. Mọi chuyến thăm dừng lại hẳn. Giờ thì ông hiểu rằng người cháu trai đang muốn biến mảnh đất thành khoản thừa kế.
"Nó bảo 'Tôi chưa bao giờ thấy ông này. Bác tôi chết rồi.' Tôi đã sốc tột độ," - Yadav nhớ lại khi tìm đến đối chất. "Tôi bảo 'Nhưng bác đang đứng ngay đây, còn sống sờ sờ trước mặt. Sao mày không nhận ra bác được?'"
Yadav đã khóc như mưa trong nhiều ngày, nhưng dần trở nên bình tâm lại và quyết định tìm đến Hiệp hội người Chết mà Sống Ấn Độ (đúng vậy, có một hiệp hội như thế tại đất nước này) - hay có thể gọi là Hiệp hội Xác sống.
Những "xác sống" có thật tại Ấn Độ
Hiệp hội được điều hành bởi Lal Bihari Mritak - người đàn ông gần 70 tuổi, từng 2 lần bị xem như đã chết trên giấy tờ, hiện đang sống "cuộc đời thứ 3".
Bihari xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Ông không biết đọc cũng chẳng biết viết, vì từ năm 7 tuổi đã phải đến nhà máy làm việc. Đến năm 20 tuổi, ông mở một tiệm dệt may, nhưng lại cần một khoản vay bổ sung và ngân hàng yêu cầu tài sản thế chấp. Bởi vậy, Bihari quyết định đến văn phòng chính quyền tại làng mình sinh sống - Khalilabad, để hy vọng tìm được giấy tờ chứng minh quyền sở hữu mảnh đất được thừa kế từ cha.
Tuy nhiên khi tra cứu, nhân viên kế toán của làng phát hiện ra giấy chứng tử có tên Lal Bihari. Nói cách khác, Bihari đã là người "thiên cổ", ít nhất là trên giấy tờ.
Bihari dĩ nhiên không chịu. Ông khẳng định mình không thể chết, vì rõ ràng đang đứng sờ sờ. "Giấy trắng mực đen đây, ông chết rồi," - Bihari nhớ lại lời của viên công chức khi đó.
Mà khi Bihari đã chết, toàn bộ đất đai, tài sản ông thừa hưởng sẽ được chuyển cho gia đình người bác.
Cho đến tận ngày hôm nay, Bihari vẫn không rõ đây là một nhầm lẫn hay lừa đảo có chủ đích từ người bác của mình. Nhưng dù là trường hợp nào, cuộc sống của ông đều bị hủy hoại. Tiệm dệt may phải đóng cửa, gia đình ông sống trong nghèo khó. Nhưng Bihari đã không chấp nhận buông xuôi. Ông tìm hiểu và phát hiện ra mình không hề cô đơn, bởi khắp Ấn Độ có rất nhiều người bị thân nhân "báo tử" để chiếm đất đai, tài sản.
Bihari sau đó quyết định thành lập Hiệp hội Chết mà Sống để tập hợp các nạn nhân - ước tính riêng tại Uttar Pradesh đã là hơn 40.000 người. Đa số đều rất nghèo, mù chữ và thuộc tầng lớp lao động thấp. Họ khởi xướng một chiến dịch đấu tranh giành lại quyền công bằng. Bản thân Bihari cũng bổ sung thêm chữ "mritak" vào trong tên (có nghĩa Lal Bihari 'sau này'), nhằm thu hút sự chú ý của truyền thông. Dẫu vậy, mọi thứ vẫn chưa đủ để hoàn cảnh của ông khá hơn.
Bihari thậm chí quyết định đứng ra tranh cử, rồi thành công khi ghi được tên của một người "đáng lẽ đã chết" vào lá phiếu. Và khi cảm thấy như vậy là chưa đủ để thuyết phục nhà chức trách rằng ông còn sống, Bihari còn có 3 lần tự sát không thành, bằng cách tuyệt thực đến chết.
Cuối cùng, một cách tuyệt vọng, Bihari quyết định bắt cóc con của bác mình. Ông hy vọng rằng cảnh sát sẽ phải bắt ông và buộc lòng đối xử với ông như một người sống - bởi về lý thuyết chẳng ai lại đi bắt người chết cả. Nhưng cảnh sát nhận ra ý định này, họ quyết định từ chối tham gia.
Rốt cục, Bihari cũng tìm được công lý cho mình. Chẳng phải nhờ những mảng miếng ông nghĩ ra, mà nhờ vào chính hệ thống đã biến ông thành người chết. Một thẩm phán mới tại Azamgarh đã quyết định xem xét lại vụ việc, và lần đầu tiên sau 18 năm chết đi, Lal Bihari có lại cuộc sống của mình.
Bi kịch của những người "chết trên giấy tờ"
Bihari cho biết với "Hiệp hội Xác sống" do mình lập ra, ông đã hỗ trợ cho hàng người Ấn Độ có hoàn cảnh tương tự. Nhiều người trong số đó chẳng may mắn như ông. Một số đã tự sát vì cạn kiệt hy vọng sau nhiều năm đấu tranh. Số khác thì già quá mà chết trước khi vụ việc được giải quyết.
Tilak Chand Dhakad là một trường hợp như vậy. Những ngày gần đây, ông lão 70 tuổi về thăm trang trại tại Madhya Pradesh - nơi chôn rau cắt rốn của mình - ông chỉ có thể nhìn nó từ trước hàng rào. Dhakad có nhiều vấn đề về sức khỏe, bảo rằng sẽ chẳng sống đủ lâu để đợi được đến ngày bước vào những cánh đồng ấy thêm một lần nào nữa.
Hồi còn trẻ, Dhakad chuyển đến thành phố với hy vọng có được một mức thu nhập tốt hơn để lo cho các con. Trước khi đi, ông cho một cặp vợ chồng thuê lại mảnh đất. Nhưng khi quay lại làng để ký giấy tờ, ông phát hiện ra mình không còn là chủ mảnh đất ấy nữa vì "là người đã chết rồi".
"Chính quyền địa phương bảo là tôi đã chết. Tôi đã nghĩ kiểu 'Chuyện gì xảy ra thế?' Tôi đã rất sợ hãi," - ông nhớ lại.
Dhakad sau đó phát hiện ra rằng cặp vợ chồng ông cho thuê đất đã đăng ký báo tử cho ông với chính quyền. Thậm chí người vợ còn đóng giả làm vợ góa của ông để hợp pháp chấp thuận bán mảnh đất.
Theo Anil Kumar, luật sư từng giải quyết nhiều vụ án "xác sống", riêng tại Azamgarh (nơi Lal Bihari sinh sống) có ít nhất 100 người bị xem là đã chết dù đang sống sờ sờ. Mỗi vụ lại có tình tiết rắc rối khác nhau. Đôi khi là do lỗi nhập liệu, nhưng cũng có trường hợp cơ quan hành chính nhận hối lộ để cấp giấy chứng tử giả.
Shaina NC, phát ngôn viên của đảng Bharatiya Janata cho biết chính phủ hiện nay đang rất nỗ lực để xử lý tình trạng tham nhũng. "Ở một đất nước rộng lớn như Ấn Độ sẽ có một vài trường hợp cá biệt xảy ra, nhưng nhìn chung đang được xử lý tốt bởi Thủ tướng Modi."
Tuy nhiên theo luật sư Anil Kumar nhận định, với một số trường hợp lừa đảo, luật pháp có thể khó nắm bắt. Như một trường hợp khách hàng của ông phải mất 6 năm để chứng minh bản thân còn sống, và thêm 25 năm chờ đợi bản án xét xử kẻ đã biến ông thành người chết trên giấy tờ.
"Nếu các sự vụ như vậy được theo dõi sát sao hơn và trừng phạt kẻ phạm tội, nó sẽ răn đe những người khác và hạn chế các vụ việc tương tự," - Kumar nhận định.
Với Bihari, đã 45 năm trôi qua kể từ khi ông phát hiện mình "đã chết", và gần 2 thập kỷ tìm cách chứng minh điều ngược lại. Nhưng mỗi năm, ông vẫn tự tổ chức sinh nhật cho mình, mời khách khứa đến dự. Ông cho biết đến giờ ông vẫn nhận được nhiều cuộc gọi từ khắp mọi miền đất nước để xin tư vấn về trường hợp của họ. Nhưng ở tuổi 66, ông đang cạn dần nguồn lực và có ý định nghỉ ngơi.
"Tôi không có đủ tiền lẫn sức lực để điều hành 'Hiệp hội Xác sống' nữa," - ông cho biết. "Và cũng chẳng có ai tiếp nối cả."
Ông đã luôn hy vọng rằng truyền thông quốc gia sẽ ủng hộ và hỗ trợ những người bị "cướp đi quyền sống", hoặc chính phủ sẽ sớm giải quyết nạn tham nhũng liên quan. Nhưng cả hai, cho đến lúc này, đều chưa xảy ra.
Người đàn ông ấy nhìn vào nơi xa xăm. 18 năm trời đấu tranh để được sống lại, rồi sẽ đến một ngày ông thực sự sẽ chết. Chỉ là, những gì ông mong muốn thay đổi có thể sẽ chẳng đạt được.
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)