Hãng tin Fox News dẫn lời Jason nói: "Vào một sáng Chủ nhật, khi thức dậy, tôi nhấn vào biểu tượng Facebook và phát hiện nó đã bị khóa. Họ nói là tôi bị cấm. Facebook chỉ gửi cho tôi một tin ngắn gọn rằng tôi đã vi phạm các tiêu chuẩn của họ về bóc lột tình dục trẻ em. Rồi sau đó nó biến mất".
Theo Jason, sự vi phạm đó chưa bao giờ xảy ra. Hơn nữa, Facebook không chỉ ra hành động hay bản tin nào mà anh đăng tải vi phạm quy tắc đó.
Anh đã nhiều lần liên hệ với công ty mẹ của Facebook là Meta Platforms, song không được trả lời. Mọi nỗ lực nhằm kháng cáo quyết định trên và liên lạc với một người nào đó trong hệ thống hỗ trợ của Facebook đều vô ích vì quy trình này chỉ có thể thực hiện thông qua một tài khoản đang hoạt động.
Trước đây, Jason từng có một bình luận chính trị vi phạm tiêu chuẩn của Facebook nhưng lần này anh bị cấm hoàn toàn việc truy cập tài khoản của mình. "Tôi cho rằng đó là cách đối xử tồi tệ, ít nhất họ phải cho tôi biết tôi đã làm gì sai", anh nói.
Thất vọng vì không nhận được phản hồi, Jason quyết định kiện Facebook vào tháng 8/2022. Dù vậy, Jason vẫn không nhận được phản hồi nào từ Facebook.
Một thẩm phán đã yêu cầu Meta phải trả cho Jason 50.000 USD dù nhóm pháp lý của công ty này vẫn không phản hồi gì với đơn kiện. Sau khi có phán quyết của tòa, Facebook đã khôi phục tài khoản cho Jason. Tuy nhiên, cuộc chiến của người đàn ông này vẫn chưa kết thúc.
Facebook dường như không hợp tác với thẩm phán và không trả cho Jason một đồng nào. Jason nói, bản thân không phải kiện vì tiền. Điều anh muốn là Facebook phải chịu trách nhiệm vì không đưa ra câu trả lời thích đáng.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)